Phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập tại Việt Nam

TS. Đỗ Thanh Hương - Học viện Chính sách và Phát triển

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động ngày càng sâu sắc đến các quốc gia, mang lại nhiều cơ hội nâng cao trình độ công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, song cũng đặt ra những thách thức mới. Đối với Việt Nam, bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi đã tạo ra những áp lực đòi hỏi phải đổi mới mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ nói chung và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ công lập nói riêng.

Bối cảnh quốc tế và trong nước

Bối cảnh quốc tế

Hiện nay, phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Xu thế đô thị hoá và phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng. Cạnh tranh giữa các nước trong việc trở thành các trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo ngày càng lớn.

Dự báo Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nước, trong đó có Việt Nam nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra những thách thức trong giải quyết vấn đề việc làm, bất bình đằng, phân hóa giàu nghèo. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hoá, xã hội. Thách thức an ninh mạng cũng gia tăng trong bối cảnh CMCN 4.0.

Ngoài ra, những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động mạnh mẽ; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới, nhất là nguồn nước sông Mê Kông, đặt ra nhiều thách thức lớn chưa từng có cho phát triển bền vững. Môi trường toàn cầu đang xấu đi, biến đổi khí hậu và nước biển dâng tiếp tục là thách thức lớn đối với thế giới, khu vực và Việt Nam. Nguy cơ khủng hoảng dịch bệnh vẫn nghiêm trọng. Tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 làm thay đổi sâu sắc, lâu dài các xu hướng đầu tư, thương mại, chuỗi phân công lao động quốc tế.

Bối cảnh trong nước

Sau 35 năm đổi mới, vốn kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến lớn về quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền, địa phương có xu hướng gia tăng. Già hoá dân số nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế. Xu hướng đô thị hóa với sự di cư của người dân từ nông thôn ra thành phố tiếp tục diễn ra tạo nên sức ép đối với hạ tầng đô thị. Các yếu tố an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, suy giảm hệ sinh thái… dự báo diễn biến khó lường, ngày càng tác động, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều các chủ trương, chính sách lớn, tác động sâu sắc đến định hướng phát triển và tổ chức không gian đất nước thời kỳ quy hoạch. Về chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế nước ta đã định hướng phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

Về tham gia cuộc CMCN 4.0, Việt Nam chủ động phát triển mạnh mẽ kinh tế số, hoàn thiện mô hình và cơ chế chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, một số chủ trương, chính sách khác như phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tư nhân, hợp tác đầu tư nước ngoài, ứng phó biến đổi khí hậu... sẽ tác động mạnh đến định hướng phát triển và tổ chức không gian của các tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN) công lập trong thời kỳ tới.

Thực trạng mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, số lượng các tổ chức KHCN tăng lên nhanh chóng, phạm vi hoạt động của các tổ chức KHCN được mở rộng từ nghiên cứu, đào tạo, đến sản xuất và dịch vụ KHCN. Việt Nam đã xuất hiện nhiều tổ chức KHCN ngoài nhà nước, nhiều cơ sở sản xuất trong viện nghiên cứu, trường đại học, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất, cơ cấu tổ chức KHCN theo cơ cấu ngành hiện nay tương đối phù hợp. Theo Bộ KHCN (2022), hiện nay, cả nước có 444 tổ chức KHCN công lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổng cục, học viện và các đơn vị tương đương, các đại học quốc gia; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Các tổ chức KHCN công lập thuộc các bộ, ngành (chiếm khoảng 19%) hoạt động trong lĩnh vực lần lượt như sau: khoa học kỹ thuật và công nghệ (38,9%), khoa học nông nghiệp (chiếm 32,7%), khoa học tự nhiên (19,9%), khoa học y dược (6,8%) và khoa học kã hội và khoa học nhân văn (1,78%). Ở khu vực địa phương, lĩnh vực hoạt động của các tổ chức KHCN công lập cùng thứ tự tương tự như ở khu vực bộ, ngành, các tổ chức KHCN công lập chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực: khoa học kỹ thuật và công nghệ (chiếm 72,8%), khoa học nông nghiệp (chiếm 17,6%), khoa học xã hội (chiếm 7,4%), khoa học tự nhiên (chiếm 3,7%), rất ít tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học nhân văn và trong lĩnh vực y dược.

Năm 2021, 22 tổ chức KHCN công lập Việt Nam được SCImago (SCImago (trụ sở ở Tây Ban Nha) là một tổ chức nghiên cứu làm nhiệm vụ cung cấp thông tin về chất lượng nghiên cứu khoa học của các quốc gia, các cơ sở nghiên cứu, mức độ uy tín của các tạp chí thông qua việc phân tích các chỉ số dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus do Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan, xây dựng từ năm 2004) xếp hạng trong tổng số 7.026 tổ chức nghiên cứu, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2010. Bên cạnh viện nghiên cứu của Việt Nam khá ổn định, đã có thêm các cơ sở giáo dục đại học công lập đồng thời là tổ chức nghiên cứu khoa học, một số bệnh viện công lập được xếp hạng. Như vậy, có thể thấy, mục tiêu Quyết định số 171/QĐ-TTg ngày 27/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tổ chức KHCN công lập đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đặt ra “đến năm 2020 có khoảng 15 tổ chức KHCN công lập đạt trình độ khu vực và thế giới” đã đạt được, nhưng số lượng các viện nghiên cứu thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan do Chính phủ thành lập chưa có sự gia tăng rõ nét về số lượng.

Tuy nhiên, so với các quốc gia khác và với quy mô tổng thể của nền kinh tế, số lượng chức KHCN công lập ở Việt Nam hiện nay khá cao, dẫn đến sự phân bổ dàn trải, trùng lặp. Thêm nữa, vì số lượng tổ chức KHCN lớn nên quy mô và năng lực của các tổ chức hạn chế. Mạng lưới tổ chức KHCN công lập Việt Nam phát triển về số lượng và loại hình hoạt động nhưng các tổ chức KHCN chưa tạo thành một mạng lưới mạnh theo quy hoạch, phân bổ còn chưa hợp lý giữa các vùng, miền và lĩnh vực hoạt động, còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Các tổ chức KHCN lớn với thu nhập bình quân trong KHCN ở mức cao chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong khi các địa phương ở vùng xa, miền núi còn thiếu các tổ chức KHCN mạnh.

Giải pháp phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập tại Việt Nam

Để đổi mới mạng lưới tổ chức KHCN nói chung và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức KHCN công lập nói riêng, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, về hoàn thiện cơ chế, chính sách. Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các tổ chức KHCN công lập. Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù việc phát triển các mô hình tổ chức KHCN công lập liên ngành, liên vùng để thực hiện các nhiệm vụ KHCN trọng tâm quốc gia có tính liên ngành, liên vùng, phát triển một số tổ chức KHCN công lập đạt trình độ khu vực, quốc tế.

Thực hiện quyết liệt việc giải thể các tổ chức KHCN công lập hoạt động không hiệu quả, kém hiệu quả với lộ trình phù hợp, để đẩy mạnh việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối các tổ chức KHCN công lập. Xây dựng các chính sách cụ thể thu hút khối tư nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển các trung tâm ĐMST, khởi nghiệp ĐMST. Tăng cường giữa các bên liên quan: Tổ chức KHCN công lập – Doanh nghiệp – Nhà nước (các cơ quan quan lý nhà nước và địa phương), đẩy mạnh các hoạt động KHCN có tính liên kết vùng và kết nối với thị trường KHCN trong nước và quốc tế.

Thứ hai, về tập trung phát triển nhân lực KHCN và cán bộ quản lý KHCN. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KHCN; thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KHCN công lập đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam và phát triển và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ KHCN.

Thứ ba, về nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ vốn đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, cụ thể là:

Về hiệu quả huy động và phân bổ vốn đầu tư, cần tăng cường nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu cho các tổ chức KHCN công lập. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư; Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án xây dựng và phát triển các tổ chức KHCN công lập được quốc tế xếp hạng, có phạm vi hoạt động liên vùng, liên ngành.

Về tăng cường cơ sở vật chất, cần phân bổ quỹ đất phù hợp cho phát triển các tổ chức KHCN công lập; Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất có trọng điểm đối với các tổ chức KHCN công lập mũi nhọt, được quốc tế xếp hạng, lĩnh vực trọng điểm.

Thứ tư, về đẩy mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cần đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN, đặc biệt là những ứng dụng của CMCN 4.0 như công nghệ số, công nghệ thực tế ảo, internet vạn vật… trong toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành hoạt động của các tổ chức KHCN công lập. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý các nguồn lực KHCN, đổi mới sáng tạo, kết nối, hỗ trợ mạng lưới các nhà quản lý, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương.

Thứ năm, về liên kết, hợp tác phát triển và hợp tác quốc tế. Cần liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức KHCN công lập trong vùng, giữa các vùng và cả nước, cũng như các tổ chức KHCN công lập trong cùng lĩnh vực nghiên cứu, giữa các lĩnh vực nghiên cứu về: Đào tạo nhân lực; Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động KHCN; Xây dựng các nhiệm vụ KHCN chung, có tính liên vùng, liên ngành giữa các tổ chức KHCN công lập và ngoài công lập. Bên cạnh đó, tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động của các tổ chức KHCN công lập. Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức KHCN trên địa bàn tỉnh, thành phố và cả nước. Thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ cấp Giấy đăng ký hoạt động KHCN để đảm bảo tất cả các cơ tổ chức KHCN đều được thành lập theo đúng các quy định của pháp luật; Nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao tính tự chủ của các tổ chức KHCN công lập; Đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ KHCN cho các tổ chức, các nhân có nhu cầu theo cơ chế thị trường, từng bước xã hội hóa các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực KHCN.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư;
  2. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
  3. Bộ Khoa học và Công nghệ (2022), Tài liệu hội thảo “Báo cáo quy hoạch mạng lưới tổ chức KHCN công lập giai đoạn 2021-2030, định hướng 2031-2050”, Hà Nội, tháng 9/2022;
  4. Đỗ Việt Trung (2016), Báo cáo tổng hợp Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức KHCN công lập giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023