Phát triển mô hình hải quan thông minh tại các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam


Mô hình hải quan thông minh là một trong những sáng kiến mới của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) và Hải quan các nước tiên tiến khởi xướng, đã được hải quan các quốc gia thành viên hưởng ứng, trong đó có Hải quan Việt Nam. Bài viết khái quát lịch sử hình thành Mô hình hải quan thông minh; Nghiên cứu các cách tiếp cận Mô hình hải quan thông minh của WCO, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và đề xuất một số giải pháp triển khai mô hình hải quan thông minh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Mô hình hải quan thông minh là sáng kiến do Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) khởi xướng đã được hải quan nhiều nước hưởng ứng, trong đó có Hải quan Việt Nam
Mô hình hải quan thông minh là sáng kiến do Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) khởi xướng đã được hải quan nhiều nước hưởng ứng, trong đó có Hải quan Việt Nam

Lịch sử hình thành mô hình Hải quan thông minh

Thuật ngữ Hải quan thông minh được biết đến qua tiếng Anh “Smart customs”, tiếng Pháp “Douaniers intelligents”. Mô hình Hải quan thông minh được giới thiệu chính thức trong khuôn khổ sáng kiến của WCO năm 2019 với chủ đề "Biên giới thông minh hỗ trợ dòng chảy Thương mại, Du lịch và Vận tải". WCO ban hành tài liệu giới thiệu về mô hình Biên giới thông minh với 5 đặc tính cơ bản như: (i) An toàn, (ii) Có thể đo lường được, (iii) Tự động hoá, (iv) Dựa trên Quản lý Rủi ro, (v) Công nghệ.

Khái niệm Biên giới thông minh xuất hiện trong tuyên bố chung giữ Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Canada vào năm 2001 nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thương mại, du lịch, vận tải quốc tế, đảm bảo an ninh quốc gia và chống lại các vi phạm pháp luật hải quan. Mô hình biên giới thông minh cũng được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nghiên cứu và triển khai trong quản lý biên giới nội khối và giữa Liên minh châu Âu (EU) với các nước ngoài khối, như giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ, EU-Irelan, EU-Vương Quốc Anh.

Hải quan thông minh manh nha hình thành trên cơ sở phát triển của hải quan điện tử, hải quan số và trong khuôn khổ của mô hình Biên giới thông minh. Hải quan thông minh lần đầu được Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) đề cập trong nghiên cứu về mô hình cải cách, hiện đại hóa của hải quan Trung Quốc với việc tích hợp chung của 3 cấu phần lõi trong hệ thống quản lý hải quan điện tử, bao gồm: (1) Hải quan điện tử (E-Customs); (2) Một cửa quốc gia (E-Port); (3) Quản lý chung điện tử (E-General Administration). Hiện thực hóa sáng kiến của WCO, năm 2020, Hải quan Trung Quốc đưa ra chiến lược tổng thể trong hiện đại hóa hải quan gồm 3 trụ cột: Hải quan thông minh - Biên giới thông minh- Kết nối thông minh (smart customs -smart border- smart connectivity) dựa trên thành quả của cách mạng công nghệ thông tin hiện đại. Trong đó, hải quan thông minh là trụ cột được nhấn mạnh đầu tiên và quan trọng trong chuỗi kết nối đó.

Hải quan Nhật Bản chính thức công bố Kế hoạch chiến lược hiện đại hóa hải quan trong giai đoạn trung và dài hạn với tên gọi “Sáng kiến Hải quan thông minh 2020”. Mô hình xây dựng trên nền tảng 4 trụ cột chính: Giải pháp; Đa truy cập; Khả năng phục hồi; Công nghệ và thông minh.

Mô hình hải quan thông minh của Tổ chức Hải quan thế giới

Trước bối cảnh đại dịch COVID-19, di cư tự do, các thách thức từ rào cản thương mại và khủng bố, WCO đã lựa chọn chủ đề mang tính thách thức nhất với hải quan toàn cầu của năm 2019 là “Biên giới thông minh cho Thương mại, Du lịch và Vận tải thông suốt” với ý tưởng Hải quan đóng một vai trò quan trọng trong phối hợp với các cơ quan quản lý biên giới nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, giao thương và trong việc đảm bảo an ninh biên giới thông qua các thủ tục hành chính tại biên giới được đơn giản hóa, tiêu chuẩn hóa và hài hòa hóa. WCO khuyến nghị và cam kết thúc đẩy việc chuyển đổi các biên giới thành “Biên giới thông minh”, trong đó hải quan đóng vai trò là trung tâm kết nối và điều phối của chiến lược đó.

Quan điểm của WCO về "Biên giới thông minh" là nhấn mạnh vai trò của hải quan trong việc hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững. Hải quan tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tiêu chuẩn hóa và hài hòa hóa theo tinh thần của Công ước Kyoto sửa đổi 1999 nhằm tạo điều kiện minh bạch và có thể dự đoán được cho thương mại quốc tế, tạo thuận lợi cho kinh doanh hợp pháp, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Khái niệm "biên giới thông minh" nhằm khuyến khích các thành viên của WCO nghiên cứu sâu hơn lĩnh vực công nghệ để tìm ra các giải pháp tạo thuận lợi cho dòng hàng hóa, con người và vận chuyển qua biên giới, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc hướng dẫn cho biên giới thông minh trên 5 trụ cột chính: An toàn, Có thể đo lường, Tự động hóa, Dựa trên quản lý rủi ro và Dựa trên công nghệ (SMART borders: Secure, Measurable, Automated, Risk Management-based and Technology-driven). Trong đó:

- Chữ S (Secure) đề cập đến vấn đề Hải quan cần tiếp tục hợp tác với các cơ quan biên giới khác như một phương thức để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và tính minh bạch trong nỗ lực đảm bảo, tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp. Hợp tác phải là trọng tâm trong ý tưởng và hành động của Hải quan nhằm ủng hộ chuỗi giá trị tích hợp toàn cầu, có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Sự di chuyển nhanh chóng và an toàn của con người và hàng hóa qua biên giới khuyến khích thương mại, du lịch và vận tải. Vấn đề hải quan đảm bảo an toàn, an ninh thể hiện rõ một trong những chức năng cốt lõi của nhà nước, đã mở rộng từ quan niệm truyền thống về an ninh chính trị và quân sự để đưa vào ý tưởng về an ninh kinh tế quốc gia. Bảo vệ công dân trước các mối đe dọa như khủng bố, vận chuyển trái phép vũ khí, thực phẩm bị ô nhiễm, đồ chơi không an toàn và các sản phẩm tiêu dùng, thuốc giả, hàng nhái và hàng nhập lậu được xem như là những nhiệm vụ mới cho Hải quan.

- Chữ M (Measurable) nhấn mạnh Hải quan có trách nhiệm thúc đẩy văn hóa ứng xử chuyên nghiệp dựa trên hiệu suất hoạt động, dựa trên việc tự đánh giá và đo lường khách quan bằng cách khuyến khích Hải quan đảm bảo rằng các yếu tố của luồng thương mại và hiệu suất của tổ chức là “Có thể đo lường được”. Việc đo lường hiệu suất là điều cần thiết đối với các quyết định sáng suốt được đưa ra có thể dễ dàng thực hiện và đánh giá. Cơ quan hải quan cần một công cụ được thiết kế riêng, dựa trên tiêu chuẩn được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu và có thể kiểm chứng một cách độc lập.

- Chữ A (Automated) thể hiện sự cần thiết Hải quan phát triển, sử dụng và triển khai các giải pháp “Tự động hóa”. Để theo đuổi một cơ chế quản lý biên giới ít cồng kềnh hơn, nơi dữ liệu được khai thác, chia sẻ và phân tích hiệu quả, Hải quan nên dựa vào các quy trình được số hóa và tự động hóa trong việc nghiên cứu sâu hơn và phân tích tác động của các mối đe dọa an ninh mạng. Trọng tâm cũng được mở rộng sang các lĩnh vực mới nổi như pháp y kỹ thuật số và quyền riêng tư trên internet.

- Chữ RM (Risk Management) thể hiện việc đảm bảo dòng hàng hóa và con người lưu thông dễ dàng, tăng cường tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng và giảm thiểu các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn thông qua phương pháp tiếp cận “quản lý rủi ro”. Tuy nhiên, Hải quan cần năng động hơn trong việc xác định các rủi ro tiềm ẩn và từng bước giảm thiểu mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa bằng cách tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về phân tích dự đoán, kỹ thuật lập hồ sơ, sử dụng sinh trắc học và các lĩnh vực liên quan khác. Cách tiếp cận như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hợp pháp, tăng cường tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng và giảm thiểu các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn.

- Chữ T (Technology-driven) là yếu tố quan trọng nhất, nội hàm của thông minh. “Công nghệ” phải là động lực chính trong chương trình nghị sự của Hải quan để các thành viên WCO được trang bị tốt hơn nhằm ứng phó với những thách thức và cơ hội mới của thời đại kỹ thuật số. Các công nghệ mới nổi được tích hợp trên điện thoại thông minh và các thiết bị thông minh khác nhằm triển khai thành tựu công nghệ như Blockchain, in 3D hoặc điện toán đám mây hiện đang được đưa vào sử dụng và những công nghệ mới đã xuất hiện, chẳng hạn như việc sử dụng dữ liệu không gian địa lý, trí tuệ nhân tạo, rô-bốt và máy bay không người lái, thiết bị thông minh như e-Seals hay Container thông minh có khả năng thu thập dữ liệu, xử lý và chia sẻ dữ liệu cho các bên liên quan.

Nền tảng pháp lý cho việc triển khai sáng kiến là các cam kết trong các công ước quốc tế, hiệp định đa phương bao gồm: Công ước Kyoto sửa đổi năm 1999 về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan, Khung tiêu chuẩn WCO SAFE nhằm đảm bảo và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu, Chương trình an ninh WCO, Khung tiêu chuẩn thương mại điện tử xuyên biên giới của WCO và hải quan kỹ thuật số WCO...

Mô hình Hải quan thông minh tại một số nước trên thế giới

Mô hình hải quan thông minh của Hoa Kỳ

Hải quan Hoa Kỳ đã tiên phong trong nghiên cứu và hình thành mô hình Biên giới thông minh, được đưa ra lần đầu tiên trong Tuyên bố chung giữa chính phủ Hoa Kỳ và Canada, ngày 12/12/2001. Mô hình Biên giới thông minh đặt hải quan và công nghệ thông tin là 2 nhân tố then chốt nhất. Trong bản tuyên bố nhấn mạnh những nội dung căn bản của biên giới thông minh, đó là: Hải quan cần phối hợp với các cơ quan quản lý tại biên giới đảm bảo tính an toàn cho dòng hành khách và dòng hàng hóa qua biên giới 2 nước; Đối với hành khách, hải quan và cơ quan bảo vệ biên giới triển khai hộ chiếu có ứng dụng khoa học sinh trắc và hệ thống chia sẻ thông tin về hành khách để phục vụ quản lý rủi ro; Đối với an toàn dòng hàng hóa lưu chuyển thì nhắm tới những nội dung căn bản: (i) Thiết lập hệ thống quy trình thương mại hài hòa hóa trên cơ sở kiểm tra sau thông quan và xây dựng đối tác hải quan doanh nghiệp nhằm tăng cường tính bảo mật; (ii) Thông quan từ xa biên giới nhằm phát triển cách tiếp cận hội nhập để cải thiện an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại thông qua cơ chế kiểm tra từ xa biên giới đối với hàng hóa xe tải/đường sắt, bao gồm thông quan trước/thông quan sau theo đường bộ, các khu phi thuế quan và các trung tâm gia công tại biên giới, và thông quan trước tại các cảng biển; (iii) Ký thỏa thuận dữ liệu hải quan nhằm chia sẻ dữ liệu liên quan đến vi phạm luật hải quan, trao đổi dữ liệu hải quan theo thỏa thuận và thảo luận về những dữ liệu thương mại bổ sung và dữ liệu thương mại nào nên được chia sẻ cho các mục đích an ninh quốc gia…

Hiện nay, Hải quan Hoa Kỳ đã triển khai chiến lược ứng dụng thành tựu công nghệ 4.0 vào xây dựng biên giới thông minh như: trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ sinh trắc vân tay, các thiết bị cảm biến, hệ thống camera theo dõi, các thiết bị hồng ngoại và các thiết bị phóng xạ để phát hiện các hành vi vi phạm tại biên giới; Hệ thống xác định trọng điểm tự động toàn cầu (ATS-G); Hệ thống kiểm soát không phận không người lái; Hệ thống thông tin trước về hành khách có giao diện với Interpol; Thiết bị kiểm tra không thâm nhập (Nll).

Mô hình hải quan thông minh của Trung Quốc

Hải quan thông minh được Trung Quốc xây dựng trên nền tảng phát triển của hải quan điện tử và hải quan số, đã được triển khai thành công trong những năm qua trên cơ sở áp dụng thành tựu của khoa học và công nghệ nhằm cắt giảm thời gian, chi phí và sự ách tắc trong thương mại quốc tế, với 3 nền tảng là: (i) Hải quan điện tử, xử lý kiểm soát thông quan biên giới bằng hệ thống E Customs H2010; (ii) Hệ thống một cửa quốc gia (NSW) đối với chứng từ thương mại (E-Port) được triển khai từ 2002; (iii) Quản lý tổng thể điện tử (E-General Administration).

Mô hình Hải quan thông minh được Trung Quốc đưa ra trong Chiến lược tổng thể về "Hải quan thông minh, Biên giới thông minh và Kết nối thông minh" đưa ra tháng 1/2020. Hải quan thông minh chủ yếu dựa vào thành tựu của công nghệ thông tin mới nhất, áp dụng tư duy mới, phương pháp mới, hệ thống mới và thiết bị mới.

Hải quan thông minh khuyến khích hải quan áp dụng các công nghệ mới dựa trên mức độ phát triển của tổ chức và nhu cầu thực tế, đồng thời tăng cường phát triển cả cơ sở phần cứng và hệ thống phần mềm, nhằm tăng cường tính tự động hóa, thông minh và nâng cao hiệu quả. Các nội dung chính gồm:

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng: Phát triển cơ sở hạ tầng phần mềm và phần cứng dựa trên thông tin địa lý, nhận dạng thông minh, thông tin truy tìm nguồn gốc, rô bốt, máy bay không người lái và các công nghệ mới khác; thúc đẩy hiện đại hóa cả kiểm soát hoạt động và quản lý nội bộ, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển với Hải quan các nước tiên tiến.

Thứ hai, quản lý hải quan: Tích hợp quản lý thông minh trong suốt quy trình quản lý hải quan, nhằm phân bổ tối ưu nguồn nhân lực và tài sản, nâng cao hiệu quả quản lý hải quan, tối ưu hóa kiểm soát rủi ro nội bộ, giảm chi phí hoạt động và nâng cao chuẩn mực liêm chính của Hải quan.

Thứ ba, kiểm tra hải quan: Cải thiện thủ tục thông quan, sử dụng công nghệ dữ liệu số lớn, tăng cường khả năng khai thác, chia sẻ và ứng dụng dữ liệu, đồng thời thúc đẩy cảnh báo sớm trong kiểm soát hoạt động logistics và chuỗi cung ứng găn với thương mại quốc tế, xác định và phân tích rủi ro tiềm ẩn, phân tích khả năng tài chính doanh nghiệp và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm tăng tính minh bạch, chính xác, công bằng và khách quan trong kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan.

Hải quan nhắm tới các giải pháp quan trọng như:

Một là, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng như thiết bị CNTT, cải thiện việc thu thập dữ liệu tự động, xây dựng hệ thống thông tin tương thích giữa các cơ quan khác nhau và thực hiện truyền dữ liệu thời gian thực nếu có thể;

Hai là, phối hợp trong quản lý biên giới nhằm tới sử dụng hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cải thiện tiêu chuẩn dữ liệu và phát triển cơ sở dữ liệu, tạo điều kiện chia sẻ thông tin và đơn giản hóa thủ tục giữa các cơ quan biên giới, củng cố nền tảng cho các ứng dụng dữ liệu lớn qua các cơ quan biên giới, đẩy nhanh phát triển kỹ thuật số chia sẻ thông tin liên cơ quan, đánh giá rủi ro, xử lý vi phạm và chia sẻ kết quả;

Ba là, phối hợp qua biên giới nhắm tới mục đích thông quan hàng hóa nhanh hơn, chia sẻ nguồn lực trong kiểm soát xuyên biên giới và thừa nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra, kiểm soát hải quan, thống nhất các tiêu chuẩn truyền dữ liệu và tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực thi pháp luật xuyên biên giới thông qua kiểm soát chung, giám sát từ xa, chứng nhận an toàn và hỗ trợ điều tra.

Trụ cột "Kết nối thông minh" đề cập đến sự phối hợp trong nội bộ cơ quan hải quan, giữa hải quan và tất cả các bên liên quan khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu theo khuôn khổ cam kết của WTO và WCO. Trụ cột gồm 3 cấu phần chính: Tăng cường khả năng kết nối của hệ thống Hải quan; Hoàn thiện quản lý hải quan thông minh; và hợp tác toàn cầu trong việc xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và đưa ra những cảnh báo sớm để chống lại việc đứt gẫy chuỗi trước những rủi ro có tính hệ thống.

Mô hình hải quan thông minh Nhật Bản

Trên nền tảng của hải quan số và sáng kiến của WCO năm 2019, Hải quan Nhật Bản công bố “Sáng kiến hải quan thông minh năm 2020” ngày 18/6/2020 nhắm tới tầm nhìn trung và dài hạn của cơ quan Hải quan và mong muốn hiện thực hóa "Hải quan hàng đầu thế giới". Sáng kiến hải quan thông minh được xây dựng trên 4 trụ cột gắn với 4 từ khóa viết tắt SMART (Solution - Multiple Access - Resilience - Technology and Talent).

- Giải pháp (Solution) hướng đến: (i) Cung cấp cho người khai hải quan các giải pháp để tăng cường sự tuân thủ và thuận tiện thực hiện thủ tục hải quan; (ii) Thực hiện các thủ tục hải quan công bằng và nhanh chóng. Hải quan Nhật Bản áp dụng các giải pháp chính như: Hệ thống tư vấn tự động hoạt động 24/7; Thiết lập hệ thống tự động để kiểm tra hải quan, giúp đẩy nhanh các thủ tục hải quan.

- Đa truy cập (Multiple- Access) hướng đến tăng cường hợp tác với nhiều cơ quan chức năng, công ty và trường đại học để tiếp cận với nhiều loại thông tin; Tăng cường hơn nữa bảo vệ biên giới trong khi vẫn duy trì thuận lợi hóa thương mại; Tăng cường thu thập thông tin và sử dụng thông tin trước thông quan như PNR (Bản ghi danh hành khách) để tăng cường năng lực chống khủng bố; sử dụng công nghệ thu thập thông tin từ các trang web.

- Khả năng phục hồi (Resilience) nhắm đến xây dựng khả năng chống chịu với những thay đổi trong cấu trúc xã hội và rủi ro thiên tai; Duy trì các chức năng hải quan và phát triển các hoạt động hải quan. Các giải pháp chính được triển khai là: Kiểm tra bằng việc sử dụng UAV (Máy bay không người lái) và vệ tinh để tuần tra bờ biển; Tăng cường điều kiện linh hoạt trong hoạt động hải quan, chẳng hạn như làm việc tại nhà.

- Công nghệ và thông minh hướng đến áp dụng các công nghệ tiên tiến bao gồm AI và tiến hành đào tạo nhân viên để tối đa hóa năng lực; cải thiện hoạt động hải quan ngày càng nâng cao và hiệu quả hơn. Một số biện pháp chính gồm: Bắt đầu phân tích bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đối với Dữ liệu lớn để hỗ trợ kiểm tra hải quan và kiểm tra sau thông quan; Kiểm tra bằng tia X được hỗ trợ bởi công nghệ AI; Giới thiệu RPA (Tự động hóa quy trình bằng robot); Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển thiết bị NQR (Cộng hưởng từ tứ cực hạt nhân) và Chuẩn bị hệ thống đào tạo để sử dụng các công nghệ tiên tiến bao gồm cả AI trong hỗ trợ ra quyết định trong nghiệp vụ hải quan.

Một số gợi mở đối với triển khai mô hình Hải quan thông minh ở Việt Nam

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thực hiện các cam kết của 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có các FTA thế hệ mới và Việt Nam nằm trong một khu vực năng động và có giao dịch thương mại lớn nhất thế giới (Lars KARLSSON, 2017) thì việc xây dựng và triển khai chiến lược Hải quan thông minh giai đoạn 2021-2030 là tất yếu. Điều này không chỉ tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội nói chung mà còn phù hợp với chiến lược hiện đại hóa của hải quan toàn cầu, nhằm tăng cường hơn nữa điều kiện thuận lợi cho sự vận hành nhanh chóng và bền vững của chuỗi cung ứng thông minh trên phạm vi toàn cầu.

Thông qua kinh nghiệm quốc tế về mô hình Hải quan thông minh, có thể gợi mở một số nội dung đối với triển khai mô hình Hải quan thông minh ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, phát triển hải quan thông minh trong thập kỷ mới là tất yếu khách quan góp phần vào tăng trưởng và phát triển nhanh của Việt Nam, phát triển chuỗi cung ứng thông minh toàn cầu và gia tăng hiệu quả, hiệu suất, chuyên nghiệp, minh bạch và liêm chính của quản lý hải quan trong tình hình mới.

Thứ hai, bản chất của hải quan thông minh là đảm bảo các nguyên tắc bảo mật, có thể đo lường, tăng cường tự động hóa, hoạt động dựa trên quản lý rủi ro và ứng dụng điện thoại di động thông minh và các công nghệ mới nổi làm trung tâm của các nỗ lực cải cách, hiện đại hóa và nâng cao tính tuân thủ, thực thi và tạo thuận lợi hóa của hải quan.

Thứ ba, hình thành và triển khai đồng bộ Cơ chế thông minh; Quản lý thông minh, Kết nối thông minh, Công nghệ thông minh nhằm tương thích với Chuỗi cung ứng thông minh toàn cầu trong quản lý hải quan.

Thứ tư, triển khai mô hình Hải quan thông minh ở Việt Nam trên nền tảng kế thừa và nâng tầm hải quan điện tử, hải quan số đã và đang triển khai, kết hợp với nghiên cứu bài học kinh nghiệm triển khai mô hình Biên giới thông minh (WCO) và các mô hình Hải quan thông minh của các quốc gia tiên tiến và các quốc gia tương đồng về văn hóa, trình độ và nguồn lực.

Thứ năm, do mô hình Hải quan thông minh, Biên giới thông minh mới được triển khai trên toàn cầu nên Hải quan Việt Nam cần nỗ lực trong kết nối thông minh với Tổ chức Hải quan thế giới, Hải quan các nước tiên tiến nhằm có được sự hỗ trợ, tư vấn và chia sẻ trong xây dựng, triển khai mô hình Hải quan thông minh giai đoạn 2021-2030.

Kết luận

Mô hình Hải quan thông minh là một trong những sáng kiến mới nhất của WCO và hải quan các nước tiên tiến trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan thế giới. Trong đó, hải quan là trụ cột quan trọng trong thực hiện sáng kiến về mô hình Biên giới thông minh và kết nối thông minh với các cơ quan và đối tác liên quan. Hải quan cần tiếp tục kế thừa sự phát triển mô hình hải quan điện tử, hải quan số và tăng cường ứng dụng các công nghệ mới nổi trong thực hiện số hóa, tự động hóa để đạt hiệu quả, hiệu suất, công bằng và minh bạch của hoạt động quản lý hải quan trong thập kỷ mới.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Cẩn, (2020), Thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xây dựng Mô hình hải quan thông minh. https://haiquanonline.com.vn/megastory-tong-cuc-truong-tong-cuc-hai-quan-nguyen-van-can-quyet-tam-xay-dung-thanh-cong-mo-hinh-hai-quan-thong-minh-152133.html;

2. General Administration of Customs of Chine, (2020), Initiative on “Smart Customs, Smart Borders and Smart Connectivity”, http://english.customs. gov.cn/Statics/c893d57e-7118-42ba-b8a7-9249ea1b85a9.html;

3. Jonathan Koh, Managing Director, Trade Facilitation Pte. Ltd., (9/2021), Digital Technologies Are Changing Customs, Issue 31-Digital Government /(09/2021) https://e.huawei.com/en/publications/global/ict_insights/ ict31-digital-government/features/digital-technologies-are-changing-the-way-customs-works;

4. Kunio Mikuriya, Secretary general, WCO, (2019), Our “SMART” acronym stems from the following guiding principles: Secure, Measurable, Automated, Risk Management-based, and Technology-driven, WCO news n° 88 February 2019, https://mag.wcoomd.org/magazine/wco-news-88/ smart-borders-a-few-words-about-the-theme-of-the-year.

* PGS.,TS. Vũ Duy Nguyên, ThS. Lê Thị Trang - Học viện Tài chính

** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2022