Tổng cục Hải quan:
Kịp thời hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực hải quan
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người khai hải quan, doanh nghiệp nâng cao tính tự giác tuân thủ, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, mới đây, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quy chế tuyên truyền phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người khai hải quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực hải quan theo Quyết định số 1243/QĐ-TCHQ của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Mục đích của Quy chế nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật đến công chức, viên chức hải quan; người khai hải quan, người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải để nắm bắt và thực thi có hiệu quả; gắn phổ biến pháp luật với xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về hải quan.
Cùng với đó, Quy chế giúp người khai hải quan, doanh nghiệp nắm bắt các quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật thuế và pháp luật có liên quan; thống nhất và chuẩn hóa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người khai hải quan, doanh nghiệp, nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này tại các đơn vị trong ngành Hải quan.
Để đạt hiệu quả trong công tác tuyên truyền, Tổng cục Hải qan yêu cầu, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người khai hải quan, doanh nghiệp phải được thực hiện chủ động, thường xuyên hoặc theo kế hoạch, có quy mô và hệ thống, thống nhất từ cơ quan Tổng cục Hải quan đến Cục Hải quan các tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người khai hải quan, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch hóa, cung cấp đầy đủ các quy định pháp luật về hải quan, pháp luật thuế và pháp luật có liên quan cho công chức hải quan, người khai hải quan, doanh nghiệp thực hiện, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hải quan.
Trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền phải đầy đủ, đồng bộ tại các cấp Hải quan tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền; Đồng thời, cán bộ, công chức thực hiện công tác tuyên truyền phải đáp ứng điều kiện nhất định như: Phải là người nắm vững pháp luật về hải quan, pháp luật thuế; quy trình thủ tục hải quan; nghiệp vụ xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa...
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị công khai số điện thoại đường dây nóng của Tổng cục Hải quan trên website của cục hải quan tỉnh, thành phố và niêm yết tại địa điểm làm thủ tục hải quan.
Theo Quy chế, toàn Ngành sẽ thực hiện tuyên truyền bằng 11 hình thức như: Bằng văn bản; trực tiếp tại cơ quan hải quan; qua điện thoại; tại trụ sở người khai hải quan, doanh nghiệp; thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, tham vấn; hội nghị đối thoại; trên trang thông tin điện tử của cơ quan Hải quan; qua báo chí; phát hành tờ rơi, ấn phẩm; điều tra, khảo sát nhu cầu tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người khai hải quan, doanh nghiệp và một số hình thức khác.
Đối với việc tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan, để đảm bảo nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, Tổng cục Hải quan yêu cầu, ngay từ khi văn bản được dự thảo lấy ý kiến cho đến khi ban hành phải được tuyên truyền; đồng thời, tạo thuận lợi cho cán bộ công chức hải quan toàn Ngành, người khai hải quan thuận tiện trong việc tiếp cận nội dung văn bản, dự thảo bổ sung quy định trách nhiệm của đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, đối với dự thảo văn bản đang trong quá trình soạn thảo, gửi lấy ý kiến, các đơn vị thực hiện biên soạn tài liệu giới thiệu nội dung mới của dự thảo văn bản, viết bài phân tích, nghiên cứu chuyên sâu đăng trên Tạp chí Hải quan điện tử, website của Tổng cục Hải quan, các báo, tạp chí khác.
Đối với văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, cơ quan Hải quan soạn thảo và đăng tải đề cương giới thiệu nội dung mới; thực hiện bài giảng trực tuyến, giới thiệu nội dung mới của văn bản trên website của Tổng cục Hải quan, Tạp chí Hải quan điện tử.
Đối với văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan đã ban hành, các đơn vị soạn thảo đề cương giới thiệu nội dung mới liên quan đến lĩnh vực hải quan, đăng tải đề cương giới thiệu nội dung mới của văn bản trên website của Tổng cục Hải quan, Tạp chí Hải quan điện tử.
Bên cạnh các nội dung trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến pháp luật, tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn theo hình thức trực tuyến trong trường hợp không thể tổ chức trực tiếp; bài giảng trực tuyến và tổ chức thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức trực tuyến.
Đồng thời, phát trực tuyến nội dung, chương trình hội nghị đối thoại doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ quan hải quan hoặc phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, đài truyền hình, cổng thông tin điện tử tại địa phương để phát trực tiếp hội nghị trên kênh thông tin đại chúng tại địa phương.
Đối với Ngày pháp luật Hải quan, các đơn vị lấy ngày truyền thống ngành Hải quan (10/9) hàng năm làm Ngày pháp luật Hải quan để tổ chức các hoạt động trọng tâm về phổ biến, tuyên truyền pháp luật.