Phát triển nền kinh tế số cần chú trọng tiếp thị kỹ thuật số và thương mại điện tử
Nền kinh tế kỹ thuật số đã hỗ trợ cuộc sống của người dân và người tiêu dùng, giúp nâng cao năng suất của người lao động và doanh nghiệp, đồng thời giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận với các hành vi mua sắm trực tuyến tiện lợi hơn. Theo ông Nguyễn Lê Đình Quý – chuyên gia Marketing, tại Việt Nam để phát triển nền kinh tế số, cần chú trọng 2 lĩnh vực: Tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing) và Thương mại điện tử (E-commerce).
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về xu thế phát triển kinh tế số trên thế giới và Việt Nam hiện nay?
Chuyên gia Nguyễn Lê Đình Quý: Những thách thức mà kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt, nhất là nguy cơ suy thoái kinh tế, tác động ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh và các cuộc chiến tranh khiến tình hình căng thẳng của các khu vực càng trở nên khó lường.
Với việc xây dựng kinh tế số, xanh hoá các ngành công nghiệp truyền thống, chuyển đổi năng lượng sạch, cải thiện hạ tầng giao thông liên quốc gia, cũng như các giải pháp sáng tạo đang tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam và góp phần giải quyết những thách thức chung của khu vực và thế giới.
Tại khu vực Đông Nam Á, việc thực hiện chiến lược phát triển nền kinh tế số ước tính có thể giúp GDP của các nước trong khu vực này tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, nên nhiều nước trong khu vực rất quan tâm đến vấn đề này và đã có các giải pháp, cơ quan hỗ trợ phát triển.
Theo Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 8 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 và sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất với tốc độ 20% tỷ lệ tăng trưởng kép hàng nămg giai đoạn 2023-2025. Trong đó, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng 11% từ năm 2022 đến năm 2023 và được kỳ vọng tăng 22% đến năm 2025.
Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã thay đổi và thích ứng với mô hình kinh doanh mới trên không gian kỹ thuật số, quan tâm đầu tư phát triển kinh doanh trực tuyến, khai thác ở nhiều kênh khác nhau, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, với độ phủ rộng của Internet và sự gia tăng liên tục của thương mại điện tử ở Việt Nam, người dân đã dần quen với kênh mua hàng trực tuyến.
Phóng viên: Để phát triển kinh tế số, Việt Nam cần ưu tiên tập trung vào lĩnh vực nào thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Lê Đình Quý: Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Theo tôi, để phát triển kinh tế số, trong thời gian tới cần tập trung vào hai lĩnh vực: Tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing) và Thương mại điện tử (E-commerce).
Cụ thể, đối với thương mại điện tử, Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, tập trung vào mục tiêu bền vững dựa trên sự kết hợp giữa thị trường và công nghệ. Tận dụng lợi thế sẵn có về cộng đồng người dùng cùng trọn bộ giải pháp hỗ trợ bán hàng hiệu quả, các nền tảng thương mại điện tử hiện tại như Shopee, Tiktokshop đang hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà bán hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam đạt được những mục tiêu kinh doanh tích cực khi tham gia vào sàn thương mại điện tử trên các nền tảng này.
Đối với lĩnh vực Tiếp thị kĩ thuật số (Digital Marketing) cũng cần được triển khai rộng rãi hơn không những các nội dung chương trình ở cấp cao đẳng, đại học mà còn nên có các khoá học đào tạo nghề nghiệp về những hoạt động Marketing được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn. Doanh nghiệp sẽ không còn tiếp cận khách hàng theo những phương thức truyền thống mà thay vào đó, các kênh thông tin điện tử sẽ được sử dụng, có thể kể đến như: Email, Website, Facebook. Thông qua những nền tảng kỹ thuật số, các chuyên gia Marketing sẽ xây dựng và củng cố hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp.
Việc người tiêu dùng giờ đây có thể làm mọi điều trên nền tảng trực tuyến như: mua sắm, cập nhật thông tin, học tập, làm việc và đi lại cũng dễ dàng được đáp ứng. Khi người dùng dành thời gian cho Internet nhiều hơn cũng là lúc doanh nghiệp cần phải tạo ra các nội dung sáng tạo và mang tính giải trí phù hợp nhằm tương tác với người tiêu dùng thông qua chính nền tảng trực tuyến.
Phóng viên: Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi triển khai phương thức Tiếp thị kĩ thuật số để mang lại hiệu quả cao nhất, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Lê Đình Quý: Khi triển khai phương thức tiếp thị bất kỳ nào thì điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải hiểu và nắm rõ được sản phẩm. Bản thân doanh nghiệp phải biết sản phẩm mình kinh doanh có đặc điểm gì, điểm đặc trưng so với các sản phẩm khác cùng chủng loại và lý do người tiêu dung sẵn sàng ra quyết định mua sản phẩm. Một số doanh nghiệp khác tạo được xu hướng thị trường đã có thể thuyết phục khách hàng mua những sản phẩm ngay cả khi khách đó chưa có nhu cầu sử dụng sản phẩm này.
Đối với phương thức tiếp thị kĩ thuật số, doanh nghiệp cần lưu ý đến mục tiêu, nội dung (content), chỉ số đo lường. Doanh nghiệp khi đầu tư vào tiếp thị kĩ thuật số đều có lý do, mục tiêu riêng. Và nếu doanh nghiệp không thể đặt ra mục tiêu rõ ràng cho chiến dịch Digital Marketing thì rất khó để đạt được thành công. Các mục tiêu đó có thể là tăng nhận diện thương hiệu; tìm kiếm được tin khách hàng tiềm năng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ; thông báo về một sự kiện ra mắt sản phẩm mới...
Kế tiếp, doanh nghiệp cần chuẩn bị nội dung chủ đề phù hợp, rõ ràng, đi đúng và chính xác vào trọng tâm của chiến dịch tiếp thị, tránh các nội dung đa nghĩa hoặc các nội dung có thể gây ra dư luận trái chiều ảnh hưởng đến kết quả của chiến dịch và hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp.
Cuối cùng, việc thống nhất và đưa ra các chỉ số cụ thể để đo lường nhằm phù hợp với mục tiêu và nội dung đã chuẩn bị là rất quan trọng nhằm đánh giá được mức độ hoàn thành, các điểm cần cải thiện qua từng giai đoạn chiến dịch tiếp thị kĩ thuật số nhằm tối ưu hơn tính hiệu quả xuyên suốt trong giai đoạn triển khai.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!