Phát triển nền kinh tế thông minh dựa trên đổi mới sáng tạo và hàm ý cho các đô thị của Việt Nam
Các thách thức ngày càng lớn, từ quá trình đô thị hóa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã và đang đặt ra yêu cầu tất yếu cần phải hình thành các đô thị đáng sống hơn, phát triển bền vững hơn, thông minh hơn. Bắt kịp với xu thế toàn cầu và quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam đã và đang vận hành các chiến lược xây dựng các thành phố thông minh tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng... Tuy nhiên, quá trình xây dựng và triển khai các thành phố thông minh trên cả nước đã và đang gặp thách thức. Bài viết làm rõ nội hàm, việc ứng dụng công nghệ để đổi mới sáng tạo nền kinh tế hướng tới “thông minh” trong dài hạn và đưa ra một số hàm ý chính sách trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
Cơ sở lý luận
Đô thị thông minh
Đô thị thông minh là một trong những chủ đề nóng và là xu thế phát triển tất yếu của thế giới trong thế kỷ XXI. Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng thành công các “thành phố thông minh” như: New York (Mỹ), Singapore, London (Anh)… Theo Từ điển điện tử Wikipedia, một đô thị được gọi là thông minh khi sự đầu tư vào nguồn lực con người, xã hội, hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin (CNTT) tạo ra sự phát triển kinh tế bền vững, với mức sống cao, sự quản lý tài nguyên hiệu quả, sự liên kết chặt chẽ giữa các nhân tố bên trong và bên ngoài.
Theo Tổ chức Viễn thông quốc tế (2014), đô thị thông minh hướng tới tính hiệu quả, thông qua sự quản lý thông minh, với sự tham gia tích cực của người dân dựa trên nền tảng của CNTT và truyền thông (ICT). Đô thị thông minh bền vững có sử dụng ICT và các phương tiện khác một cách đồng bộ để cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân, tăng cường tính hiệu quả của dịch vụ công ích, tối ưu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Đồng thời, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thế hệ hiện tại và tương lai đối ở cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Nền kinh tế thông minh
Theo R. Giffinger, C. Fertner, H. Kramar, R. Kalasek, N. Pichler-Milanovic và E. Meijers (2007), phạm trù “đô thị thông minh” về mặt nội dung dựa trên 6 trụ cột chính gồm: Nền kinh tế thông minh (smart economy); Sự vận động thông minh (smart mobility); Môi trường thông minh (smart environment); Con người thông minh (smart people); Đời sống thông minh (smart living); Chính quyền thông minh (smart governance). Trong đó, nền kinh tế thông minh có vai trò quan trọng là động lực chính của đô thị thông minh. Khả năng cạnh tranh, tự đổi mới và thích ứng với biến đổi của công nghệ đến từ nền kinh tế của từng đô thị chính là một đặc trưng quan trọng khi xem xét nó có “thông minh” hay không.
Các công trình nghiên cứu về nền kinh tế thông minh cũng được thực hiện rất đa dạng. Tùy thuộc vào cách tiếp cận của các tác giả, khái niệm kinh tế thông minh được xác định và mô tả ở nhiều khía cạnh khác nhau. Cụ thể, S. Dirks, M. Keeling (2009) cho rằng, nền kinh tế thông minh là nền kinh tế sử dụng các công nghệ ICT trong các hoạt động của DN, quy trình sản xuất thông minh mới và một số lĩnh vực công nghệ thông minh. R. Giffinger (2011) nhấn mạnh, nền kinh tế thông minh có liên quan đến khả năng cạnh tranh kinh tế và liên quan đến sự sáng tạo, tinh thần kinh doanh, hiệu quả và tính linh hoạt của thị trường lao động, hội nhập ở thị trường trong nước và quốc tế. Lithuania (2012) khẳng định, nền kinh tế thông minh là nền kinh tế linh hoạt và có khả năng cạnh tranh toàn cầu, tạo ra giá trị gia tăng cao, dựa trên tri thức, tinh thần kinh doanh sáng tạo, trách nhiệm xã hội và tăng trưởng "xanh".
Các yếu tố nền kinh tế thông minh dựa vào đổi mới sáng tạo
Từ các khái niệm nêu trên, tác giả cho rằng nền kinh tế thông minh dựa đổi mới sáng tạo bao gồm 7 yếu tố:
- Tinh thần đổi mới sáng tạo: Đây là đặc trưng để phân biệt rõ một nền kinh tế có thông minh hay không, và cũng là xu thế chính của các nền kinh tế trên thế giới hiện nay. Thúc đẩy tinh thần sáng tạo chính là nền tảng chính cho phát triển nền kinh tế thông minh của các đô thị cũng như một quốc gia. Tinh thần đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế thông minh dựa trên việc chia sẻ một nguồn dữ liệu mở với rất nhiều các ý tưởng, kiến thức được đưa lên một kho tư liệu chung (điện toán đám mây) để tạo nền tảng và điều kiện cho sự sáng tạo của từng cá nhân, từng DN.
- Các DN thông minh: Các DN thông minh được hiểu là có một qui mô và kích cỡ phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế đổi mới, sáng tạo. Mọi hoạt động của DN được phân tách rất rõ thành 02 phần, trong đó, những hoạt động có tính chất cơ bản như: vấn đề hành chính, kế toán được tối ưu hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và những hoạt động tạo ra giá trị thặng dư cho DN được hướng vào các lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo. Nếu một quốc gia sở hữu các DN mạnh, có tính cạnh tranh cao và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì nền kinh tế đó chắc chắn sẽ “thông minh hơn”.
- Hình ảnh và thương hiệu của nền kinh tế: Đây là dấu hiệu định hình cho thấy một nền kinh tế lành mạnh, được xây dựng dựa trên cơ cấu kinh tế hài hòa, thông minh, bền vững và gần gũi với thế giới. Tiêu chí này được tạo nên từ rất nhiều nhân tố: môi trường kinh doanh hiện đại, bộ máy hành chính quản lý tinh gọn, chuyên nghiệp, kết cấu hạ tầng cơ sở đồng bộ giữa hệ thống thực và ảo... Tất cả tạo nên một bức tranh toàn cảnh cho nền kinh tế, giúp các nhà DN, các đối tác, các nhà đầu tư có thể đánh giá chính xác “sức khỏe” của nền kinh tế đó ra sao.
- Năng suất lao động của cư dân đô thị: Để xếp loại mức độ thông minh của nền kinh tế, thì đánh giá năng suất lao động của nền kinh tế đó chính là một trong những thước đo chính xác nhất, cho thấy khả năng áp dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) vào trong sản xuất của người lao động, và được tính toán bằng giá trị GDP tạo ra tính trên từng lao động hiện có của địa phương.
- Tính linh hoạt của thị trường lao động: Bên cạnh năng suất lao động, những biểu hiện của thị trường lao động cũng là một dữ liệu cần thiết để đánh giá mức độ thông minh của nền kinh tế. Điều này cho thấy khả năng kết nối và đáp ứng giữa cung và cầu lao động thông qua hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, những tiến bộ KHCN thông minh.
- Khả năng kết nối quốc tế: Là yếu tố không thể thiếu trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, giúp đánh giá nền kinh tế của thành phố có đủ khả năng, không chỉ kết nối các chủ thể ở trong nội tại, mà còn kết nối với kinh tế của cả quốc gia nói riêng và quốc tế nói chung. Một nền kinh tế thông minh sẽ có khả năng kết quốc tế rất cao, đem lại giá trị gia tăng lớn cho cả trong và ngoài nền kinh tế.
- Khả năng thích ứng với những biến động theo thời gian thực: Đây là một khía cạnh song song, và có được nhờ sự phát triển thông minh của nền kinh tế. Với một cơ cấu kinh tế hợp lý phù hợp với điều kiện của các đô thị, đồng thời áp dụng một cách thông minh, thì hiệu quả tất yếu sẽ là một nền kinh tế bền vững. Đây cũng là mục tiêu cuối cùng của nền kinh tế thông minh, trong đó là đem lại sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa kinh tế, xã hội và môi trường cho cư dân đô thị, từ đó có khả năng cao thích ứng với các biến đổi của kinh tế quốc gia và thế giới.
Phát triển nền kinh tế thông minh dựa trên đổi mới sáng tạo là việc xây dựng và điều hành một hệ thống gồm các chính sách và ứng dụng các công nghệ mới để giúp cho việc đánh giá chính xác hiện trạng nền kinh tế, đưa ra các giải pháp điều chỉnh nền kinh tế của thành phố từ cấp cao nhất đến cấp trực tiếp trong khoảng thời gian ngắn nhất với hiệu quả cao nhất. Để phát triển nền kinh tế thông minh, cần xây dựng một hệ thống các dữ liệu, biến số kinh tế được thu thập, sắp xếp và xử lý dựa trên nền tảng CNTT nhằm tạo ra cơ sở định lượng giúp tư vấn, điều chỉnh cho việc ra chính sách quản lý kinh tế của chính quyền thành phố.
Gợi ý chính sách phát triển nền kinh tế thông minh tại các đô thị của Việt Nam
Đứng trước xu thế phát triển hiện nay, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển tổng thể với tầm nhìn trung và dài hạn để phát triển thành các đô thị thông minh với đầy đủ các trụ cột đã nêu, trong đó quan trọng nhất là trụ cột nền kinh tế thông minh. Để thực hiện việc này, tác giả đưa ra một số gợi ý trong việc triển khai như sau:
Thứ nhất, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo dựa trên việc ban hành đồng bộ nhóm chính sách thúc đẩy việc kết nối trong nội bộ nền kinh tế của từng đô thị dựa trên việc tích hợp CNTT hiện đại, ứng dụng những giải pháp CNTT mới như: cảm biến, hệ thống điều khiển, mạng truyền thông, các ứng dụng kinh doanh và chăm sóc khách hàng, giải pháp khoa học phân tích và quản lý dữ liệu, ứng dụng điện toán đám mây. Các chính sách phải đảm bảo việc phát triển nhanh chóng và đồng bộ các trung tâm hành chính công thông minh đại diện cho một chính quyền điện tử hiện đại; có khả năng quản lý một cách hiệu quả hoạt động kinh tế của các DN cũng như người dân; có khả năng kết nối cung và cầu của các thị trường nhờ vào minh bạch hóa thông tin; có năng lực tương tác và hỗ trợ cao với các phản ứng của thị trường, DN và người dân… giúp chính quyền các đô thị có nguồn dữ liệu xác thực để giúp hoạch định và triển khai chính sách. Các đô thị của Việt Nam cần tập trung nguồn lực để xây dựng và vận hành một hệ thống tích hợp thực và ảo mà ban đầu là mạng lưới kết nối internet không dây. Mạng lưới này có khả năng tiếp cận tới từng cá nhân trong và ngoài thành phố và cung cấp tất cả các dữ liệu cần thiết trong một khoảng thời gian ngắn nhất.
Thứ hai, thúc đẩy việc tăng năng suất lao động của cư dân tương thích với tính linh hoạt thị trường lao động đến từ việc phát triển nền kinh tế thông minh. Nguồn nhân lực đến từ cư dân đô thị là yếu tố then chốt cần được ưu tiên đầu tư phát triển nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển nền kinh tế thông minh dựa trên đổi mới sáng tạo. Các đô thị tại Việt Nam cần rà soát, hoàn thiện các chính sách thu hút cư dân để bảo đảm hài hòa, nhân văn; nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống các cơ sở đào tạo đạt chuẩn, minh bạch hóa đảm bảo tính liên thông về thị trường lao động giữa các đô thị.
Thứ ba, tiếp tục thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo dựa trên việc xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, an toàn, phát triển DN và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực ứng dụng ICT hàng đầu. Ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho DN đi ngược lại những nguyên tắc của nền kinh tế thông minh. Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các DN tự chuyển đổi sang thành các DN thông minh. Khuyến khích các DN đầu tư cho nghiên cứu KHCN, tạo nhiều kết nối công nghệ giữa các DN với nhau, từ đó giúp các DN tối ưu hóa mô hình kinh doanh. Thúc đẩy tạo nên một chuỗi cung ứng, hậu cần thông minh gắn kết chặt chẽ hơn DN với thị trường, với khách hàng, với quốc tế.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tới cư trú và hoạt động tại các đô thị thông minh. Việc này cần triển khai theo hướng phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước song song với cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc nhóm nghiên cứu khoa học chất lượng cao trực thuộc các chính quyền đô thị. Xây dựng cơ chế chính sách cụ thể và có trọng điểm nhằm tuyển chọn có hiệu quả gắn với công tác đánh giá năng lực phù hợp. Bổ sung, đa dạng hóa các chế độ đãi ngộ đối với chuyên gia, nhà khoa học. Nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể về nội dung, vấn đề, chương trình, dự án cần lấy ý kiến của trí thức, chuyên gia, nhà khoa học để phát huy tốt nhất nguồn nhân lực trí tuệ cao phục vụ cho quá trình phát triển nền kinh tế thông minh dựa trên đổi mới sáng tạo tại các đô thị hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
- International Telecommunication Union - Focus Group Technical Report, Smart sustainable cities: An analysis of definitions for the Positioning of Cities?” ACE Architecture,” City and Environment 4: 12 (2010) 7–25;
- Dirks S., Keeling M. (2009). A vision of smarter cities How cities can lead the way into a prosperous and sustainable future, IBM Institute for Business Value, 8;
- R. Giffinger, C. Fertner, H. Kramar, R. Kalasek, N. Pichler-Milanovic ´, and E. Meijers, Smart Cities: Ranking of European Medium-sized Cities (Vienna: Centre of Regional Science, 2007);
- Một số website: vi.wikipedia.org, ioti.com, smartcitiesberkeley.wordpress.com...