Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ: Gỡ từ cơ chế, chính sách

ThS. Vũ Nguyên Thức - Trung tâm Hợp tác và Chuyển giao tri thức, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Tài chính) Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành công nghiệp Việt Nam chưa phát triển có nguyên nhân lớn bởi ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) còn yếu kém. Nhận định này là có cơ sở, bởi thực tế, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm sản xuất, hay lắp ráp trong nước còn thấp.

Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT. Nguồn: internet
Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT. Nguồn: internet

Thực trạng phát triển CNHT ở Việt Nam 

Với nhiều cố gắng, nỗ lực trong đầu tư, phát triển, ngành CNHT trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, như: góp phần nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của một ngành công nghiệp lắp ráp, giảm bớt tỷ lệ linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài... Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Điều này thể hiện rõ qua những điểm sau:

Một là, CNHT ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai và còn rất nhiều yếu kém. Việt Nam hiện có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến CNHT, trong đó có nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng hầu hết các ngành công nghiệp lớn ở Việt Nam đều phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài để sản xuất.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), tính đến tháng 9/2013, Việt Nam có khoảng 210 doanh nghiệp (DN) sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho 50 DN sản xuất, lắp ráp xe ô tô. Nhưng, các linh kiện, phụ tùng đó chủ yếu là các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp, như: các chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, xăm lốp, bộ tản nhiệt...

Ngay như ngành công nghiệp xe máy, hiện tỷ lệ nội địa hóa đạt mức trên 90%, thì số lượng DN Việt Nam tham gia cung cấp linh kiện cũng không nhiều và chỉ làm những sản phẩm đơn giản. Trong số các đơn vị tham gia sản xuất linh kiện cung cấp cho DN xe máy FDI, tới 50% là nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, 30% đến từ các nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan... DN Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20%. Hơn nữa, hiện tại, Việt Nam mới chỉ sản xuất được linh kiện xe máy khi có sẵn thiết bị. Chính vì vậy, sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng còn khá thấp.

Hai là, các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ở nước ta còn rất ít, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu kém.

Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2012 cho thấy, trình độ công nghệ của phần lớn các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ở nước ta mới chỉ đạt ở mức trung bình so với khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ có sản phẩm của một số DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này là có trình độ tiến tiến (Phạm Tất Thắng, 2013).

Chất lượng các sản phẩm hỗ trợ của nước ta nhìn chung còn thấp, nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá lại cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu.

Trong khi đó, các sản phẩm hỗ trợ của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaixia... nhất là của Trung Quốc tuy chất lượng cũng không phải là cao hơn sản phẩm cùng loại của Việt Nam, nhưng hàng của họ giá rất rẻ, chủng loại, mẫu mã đa dạng. Thêm vào đó, các quốc gia này còn có rất nhiều chính sách ưu đãi với những khách hàng mới, khách hàng lớn, nhất là chính sách ưu đãi về giá, cho thanh toán chậm và có phong cách phục vụ tận tình, nên được nhiều DN trong nước thuộc các lĩnh vực dệt may, dày da, lắp ráp xe máy, sản xuất sản phẩm điện tử đặt hàng.

Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa sản xuất được những linh kiện đòi hỏi trình độ công nghệ cao như các linh kiện bán dẫn, linh kiện cơ khí điện tử, quang điện tử…

Ba là, nhân lực phục vụ CNHT chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, nguồn nhân lực giá rẻ không còn là một lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút FDI của Việt Nam, khi mà các thỏa thuận về miễn giảm thuế nhập khẩu chính thức được thực hiện. Vì thế, điều cốt yếu hiện nay là cần phải đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng quản lý, khả năng ứng dụng và có tính sáng tạo để sản xuất ra được những sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Nguyên nhân từ đâu?

Thực trạng trên, theo chúng tôi, xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, thể chế phát triển CNHT của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Những vướng mắc cơ bản trong thể chế và chính sách phát triển CNHT là: Chưa có quan điểm rõ ràng về CNHT để xác định các chủ thể tham gia vào phát triển CNHT; Cơ chế vận hành còn chưa đầy đủ, chủ yếu là mệnh lệnh hành chính từ trên xuống, không bám sát nhu cầu thị trường; Lúng túng trong việc đề ra các chính sách phát triển CNHT, chưa giải quyết được những khó khăn đặc trưng của lĩnh vực này.

Thứ hai, các chính sách về CNHT còn thiếu và chưa đủ mạnh. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến đáng kể ở tầm chính sách vĩ mô trong việc phát triển CNHT. Điều này đã được thể hiện qua 2 văn bản quan trọng là Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN, ngày 31/7/2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và Quyết định về chính sách phát triển một số ngành CNHT số 12/2011/QĐ-TTg, ngày 22/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù vậy, các chính sách trên dường như vẫn chưa “chạm” đến các doanh nghiệp sản xuất CNHT, mức độ khuyến khích vẫn còn thiếu và yếu.

Đặc biệt, với Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ra đời nhằm hỗ trợ DN phát triển CNHT, nhưng vì nội dung còn quá chung chung, nên thực tế chưa phát huy tác dụng. Điều mà nhiều người mong đợi là một văn bản pháp luật cao hơn, thì đến nay vẫn chưa có. Bởi lẽ, do giá trị pháp lý còn thấp, nên văn bản này vẫn chịu ràng buộc của các văn bản pháp luật cao hơn, như: Luật Doanh nghiệp, các quy định của pháp luật về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, về công nghệ cao, về các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư... 

Thứ ba, sự kết hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ, tác động tích cực đến ngành CNHT còn yếu, khả năng tiếp cận các ưu đãi không dễ dàng do thủ tục, quy trình thường phức tạp và thiếu tiêu chí cụ thể.

Điển hình như Đề án trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT được phê duyệt theo Quyết định số 1556/2012/QĐ-TTg, ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định, các DN này chỉ được hưởng các ưu đãi ngang bằng với các DN cùng loại kinh doanh thương mại, dịch vụ. Chính sách này không tạo được động lực khuyến khích các DN đầu tư, nhất là trong bối cảnh năng lực công nghệ, kỹ năng người lao động của các DN nhỏ và vừa còn yếu, đầu ra cho sản phẩm CNHT lại khó khăn do phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các nhà lắp ráp nước ngoài.

Thứ tư, ưu tiên hỗ trợ cho ngành công nghiệp này thực ra là tổng hợp các chính sách ưu đãi đã được ban hành trước đó cho một số lĩnh vực khác. Ví dụ như: chủ đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm CNHT là DN nhỏ và vừa được hưởng các chính sách trợ giúp tài chính theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa.

Hơn nữa, ưu đãi thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trong thời gian qua hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn. Trong khi các doanh nghiệp CNHT thường có quy mô nhỏ và vừa, có nhu cầu thuê diện tích sản xuất nhỏ, lại gần như chưa được quan tâm khi thu hút đầu tư nước ngoài, ở cả tầm Trung ương lẫn địa phương.

Một số đề xuất

Để có thể phát triển CNHT ở nước ta trong thời gian tới, theo chúng tôi, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh việc hoàn thiện quy hoạch phát triển CNHT.

Mặc dù cách đây hơn 4 năm, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành CNHT đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Nhưng có thể nhận thấy, rất nhiều mục tiêu mà quy hoạch đề ra đến năm 2010 đã không thực hiện được.

Vì thế, để phát triển ngành này phải được thực hiện trên cơ sở hoàn thiện lại quy hoạch phát triển CNHT. Trong đó, từng ngành, từng lĩnh vực phải đợi rà soát và đề ra mục tiêu phát triển các sản phẩm hỗ trợ của ngành mình theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó” và đề ra tiến độ cụ thể việc nội địa hóa cho từng sản phẩm, từng chi tiết chứ không đề ra theo kiểu “phong trào” như thời gian vừa qua.

Trên cơ sở rà soát các mục tiêu đã đề ra đó, Bộ Công Thương cùng với các ngành có liên quan cần tiến hành hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành CNHT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Để đảm bảo việc thực hiện quy hoạch, Nhà nước cần đầu tư có trọng điểm về mặt tài chính, công nghệ, nhân lực để tạo điều kiện từng bước hiện đại hóa các ngành, như: cơ khí chế tạo, điện tử, nhựa, cao su... đó là những ngành chủ chốt trong việc phát triển các sản phẩm hỗ trợ.         

Hai là, đổi mới các chính sách nhằm khuyến khích các nhà đầu tư phát triển CNHT.

Việc đổi mới các chính sách ưu đãi dành cho các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ là hết sức cần thiết. Trong đó, cần tập trung vào việc đổi mới các chính sách chủ yếu như:

- Về chính sách đất đai, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất cho các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ (kể cả những DN được thành lập mới hay những DN mở rộng quy mô sản xuất) được thuê lâu dài và ổn định theo luật định. Các DN này được thuê đất với mức giá ưu đãi để các chủ DN có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

- Về chính sách tín dụng, Nhà nước cần khuyến khích các ngân hàng thương mại dành sự ưu tiên nhất định về lãi suất và hạn mức tín dụng để tạo thuận lợi cho các DN hỗ trợ, nhất là trong trường hợp các DN này đầu tư hiện đại hóa máy móc, thiết bị hay sản xuất các sản phẩm thay thế nhập khẩu cung cấp cho các DN khác.

- Về chính sách thuế, cần xếp các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ vào nhóm các DN được ưu đãi về thuế, để các DN này khi thành lập được hưởng thời gian miễn giảm thuế như các DN được ưu đãi đầu tư khác.

- Về chính sách đầu tư, để phát triển ngành CNHT một cách hiệu quả, Nhà nước cần đầu tư hình thành một số DN chủ chốt ở một số lĩnh vực, như: cơ khí chế tạo, nhựa, cao su, sản xuất linh kiện... theo hình thức Nhà nước đầu tư thành lập mới DNNN ở lĩnh vực này, sau khi đi vào hoạt động có hiệu quả thì sẽ triển khai cổ phần hóa; hoặc có thể mua cổ phần ở những DN chủ chốt ở lĩnh vực này, sau đó đầu tư hiện đại hóa các DN đó, khi các DN này đi vào hoạt động ổn định và kinh doanh có hiệu quả thì Nhà nước có thể bán cổ phần của mình cho các nhà đầu tư khác. Đây là kinh nghiệm khá thành công khi được áp dụng ở Singapore và một số quốc gia châu Á khác.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT.

Để thực hiện được điều này, ngành giáo dục và các ngành có liên quan phải đào tạo những kỹ sư có đủ trình độ về kỹ thuật thực hành và thực tiễn, trang bị cho họ kiến thức cần thiết về công nghệ hiện đại; mở rộng sự liên kết trong đào tạo giữa các trường đại học trong nước và các trường đại học có uy tín trên thế giới. Đồng thời, cần có sự đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo, từ các trường đại học cho đến các trường nghề để từng bước nâng dần chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai. Ngoài ra, Nhà nước cũng dành một phần ngân sách thỏa đáng để cử người đi đào tạo ở những quốc gia có truyền thống mạnh về phát triển CNHT nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc phát triển CNHT của nước ta trong những năm tiếp theo.

Bốn là, tăng cường sự liên kết giữa các DN trong quá trình phát triển CNHT.

Cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN trong nước với nhau cũng như giữa các DN trong và ngoài nước trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm hỗ trợ. Bộ Công Thương và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cần phối hợp với các DN có nhu cầu về các sản phẩm hỗ trợ cũng như các DN có khả năng sản xuất những sản phẩm này để tổ chức các buổi hội thảo về phát triển các sản phẩm hỗ trợ của từng ngành, từng lĩnh vực; tổ chức các hội chợ, triển lãm về sản phẩm. Thông qua đó làm cầu nối cho các DN trong và ngoài nước liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc thành lập liên doanh để cùng nhau sản xuất các sản phẩm hỗ trợ.

Năm là, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho CNHT phát triển.

Do nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng thường rất lớn, nên Nhà nước cần lựa chọn đầu tư những dự án có thể phát huy được hiệu quả cao ngay sau khi được đưa vào sử dụng, như: xây dựng một số tuyến đường cao tốc kết nối giữa các trung tâm kinh tế ở các vùng kinh tế trọng điểm, hiện đại hóa một số bến cảng, sân bay quan trọng, hệ thống viễn thông và nâng cấp hệ thống lưới điện... Ngoài ra, cũng nên khuyến khích hình thành một số KCN hợp tác với nước ngoài ở những vùng kinh tế trọng điểm... như mô hình KCN Việt Nam - Singapore để tạo thuận lợi cho các DN hỗ trợ của các nước này đến đầu tư tại Việt Nam.
__________________

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công nghiệp (2007). Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN, ngày 31/7/2007 phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020

2. Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương (2013). Khảo sát về các doanh nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp ô tô

3. Phạm Tất Thắng (2013). Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Một số vấn đề đặt ra, truy cập từ

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=24104&print=true