Phát triển ngành hàng lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn
Việc chuyển đổi ngành Lúa gạo Việt Nam theo mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay, qua đó giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra giá trị gia tăng cho ngành hàng lúa gạo.
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững
Mỗi năm, sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long thải ra môi trường khoảng 24 triệu tấn rơm rạ nhưng chỉ có 30% rơm (7,4 triệu tấn) được thu gom, còn 70% rơm rạ bị người dân đốt hoặc vùi vào đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí metan và các khí nhà kính khác.
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), kinh tế tuần hoàn là một phương pháp tiếp cận nhằm giải quyết vấn đề này, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp và cải thiện hiệu suất kinh tế.
Tuần hoàn trong nông nghiệp được hiểu là phụ phẩm, đầu ra của khâu sản xuất này được sử dụng để làm đầu vào của khâu sản xuất khác, từ đó hạn chế tối đa việc phát thải ra môi trường. Đây là xu hướng tất yếu để đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai.
Với nguồn phụ phẩm dồi dào từ ngành Lúa gạo, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp. Không chỉ làm phân hữu cơ từ rơm, mà còn có các giải pháp khác để tận dụng nguồn phụ phẩm từ rơm như: sử dụng rơm trồng nấm, làm thức ăn và đệm lót sinh học cho chăn nuôi gia súc, phân hữu cơ từ rơm, biochar và biosilica từ trấu... Những giải pháp này là cơ hội tiềm năng giúp nâng cao giá trị gia tăng của phụ phẩm lúa gạo, đồng thời tạo ra năng lượng sạch và bền vững.
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tùng cũng nêu rõ, để phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu và các địa phương phải xây dựng kế hoạch, phát triển mô hình quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, hướng đến thu gom 100% rơm rạ khỏi đồng ruộng vào năm 2030 và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 về biến đổi khí hậu.
Cũng cho rằng kinh tế tuần hoàn từ lúa, gạo có thể giảm lượng phát thải, đóng góp vào sự tăng trưởng xanh của quốc gia, bà Yvonne Pinto - Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, với điều kiện Việt Nam hiện nay, nông dân có vai trò quan trong trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Vì vậy, việc quan trọng nhất phải có những chính sách mang lại lợi ích cho nông dân để nông dân tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa, gạo.
Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ chuỗi giá trị. Quy trình canh tác này sẽ mang toàn bộ rơm ra khỏi đồng, giảm giống, giảm phân thuốc sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính một cách bền vững.
Nâng cao thu nhập của nông dân
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận, với khối lượng phụ phẩm lúa gạo khổng lồ hàng năm với hàng chục triệu tấn rơm rạ và hàng triệu tấn trấu, thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất ra hàng triệu tấn năng lượng sinh khối xanh. Việc này không chỉ giúp giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, sản xuất giảm phát thải thực hiện luôn kinh tế tuần hoàn rất hiệu quả, các địa phương có thể học tập và cùng là sẵn sàng tham gia vào chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp mà ngành Nông nghiệp đang triển khai.
Thời gian qua, tại TP. Cần Thơ và nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân đã được các ngành chức năng hỗ trợ xây dựng và phát triển nhiều mô hình hiệu quả trong sử dụng rơm rạ và trấu như sử dụng rơm trồng nấm, sau đó tái sử dụng bã rơm để làm phân bón hữu cơ bón lại cho cây trồng hay sử dụng rơm làm thức ăn và làm đệm lót sinh học cho chăn nuôi gia súc...
Đánh giá hiệu quả nội dung này, bà Phạm Thị Minh Hiếu - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ cho hay, nếu trồng lúa truyền thống không tận dụng rơm, người nông dân có tổng thu nhập 86 triệu đồng/ha/năm. Nếu nông dân có tận dụng các sản phẩm từ rơm như dùng rơm để trồng nấm, làm phân hữu cơ từ bã nấm rơm, trồng lúa sử dụng phân hữu cơ này thì tổng thu nhập lên tới 133,5 triệu đồng/ha/năm.