Phát triển nguồn điện linh hoạt để đẩy nhanh tiến độ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”
Nhằm đẩy nhanh tiến độ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo tối đa hóa tiềm năng năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tập trung và điện Mặt Trời áp mái. Bên cạnh đó, cần phát triển hợp lý các nguồn năng lượng nền như điện khí hóa lỏng và từng bước khôi phục, phát triển điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung điện ổn định, sạch và bền vững.

Tại COP 28, một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết của Việt Nam: Hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và là quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển năng lượng tái tạo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc đầu tư và phát triển các công nghệ linh hoạt là điều kiện không thể thiếu. Quy hoạch điện VIII của Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu phát triển loại hình này.
Việc tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia không chỉ là giải pháp chiến lược cho việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” mà Việt Nam cam kết.
Do vậy, điều cần thiết là đảm bảo triển khai kế hoạch thực hiện cũng như xây dựng các cơ chế thị trường phù hợp để hỗ trợ cho việc triển khai các công nghệ đi kèm. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nguồn điện linh hoạt cần thiết phải được đưa vào hệ thống điện quốc gia, xuất phát từ nhu cầu bổ sung công suất nhằm giữ ổn định hệ thống điện, đảm bảo khả năng tích hợp các nguồn điện gió, điện mặt trời với tỷ trọng ngày càng cao.
Trước đòi hỏi đó, Dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công Thương công bố vào đầu tháng 02/2025 đã đưa ra đề xuất tăng công suất nguồn nhiệt điện linh hoạt lên 3.000 MW vào năm 2030. Sự điều chỉnh này là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của việc nâng cao tính linh hoạt nhằm hỗ trợ tích hợp hiệu quả năng lượng tái tạo, đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Tại Việt Nam, vai trò của các công nghệ linh hoạt hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện đã được thể hiện rõ trong Quy hoạch điện VIII, được phê duyệt vào năm 2023. Quy hoạch điện VIII đã đưa ra mục tiêu bổ sung 3 GW nguồn nhiệt điện linh hoạt vào năm 2030 (trong đó miền Bắc khoảng 2,8 GW; miền Nam 0,2 GW), và có thể tăng lên tới 46.200 MW vào năm 2050.
Dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã đề xuất tăng gấp 10 lần quy mô công suất của nguồn nhiệt điện linh hoạt lên 30 GW vào năm 2030. Đây cũng là một trong những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới vào các lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.
Việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là dấu hiệu rõ ràng cho thấy xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ của hệ thống điện Việt Nam hướng tới sự linh hoạt và bền vững. Với sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại, hệ thống điện quốc gia sẽ ngày càng thích ứng tốt hơn với sự gia tăng của năng lượng tái tạo, từ đó giúp Việt Nam hiện thực hóa tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng sạch trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Chủ tịch mảng Năng lượng kiêm Phó Chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Wärtsilä - Tập đoàn hàng đầu thế giới về các công nghệ tiên tiến và các giải pháp hoàn chỉnh cho lĩnh vực năng lượng và hàng hải, các công nghệ linh hoạt khác nhau có những vai trò khác nhau trong hệ thống điện. Trong khi hệ thống pin tích trữ năng lượng cung cấp cân bằng theo cấp độ giây và phút, các nhà máy điện linh hoạt sử dụng động cơ đốt trong dạng píttông (Reciprocating Internal Combustion Engine – RICE) có thể xử lý các biến động cấp độ theo giờ, theo ngày và thậm chí theo mùa.