Phát triển sản phẩm phái sinh ngoại hối: Nghiên cứu thực trạng ở thành phố Huế
Phát triển các sản phẩm phái sinh ngoại hối là bước đi quan trọng và có tính quyết định đến với sự phát triển thị trường ngoại hối. Dựa trên cơ sở lý luận về sản phẩm phái sinh ngoại hối, số liệu được cung cấp tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Huế giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2017 và số liệu điều tra thực tế, nghiên cứu phân tích, đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm phái sinh ngoại hối và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển sản phẩm phái sinh ngoại hối trên địa bàn TP. Huế.
Tổng quan về sản phẩm phái sinh ngoại hối
Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam chính thức hoạt động, đánh dấu bước đi tiếp theo hoàn thiện thị trường tài chính Việt Nam. Có thể nói, chưa bao giờ thuật ngữ “phái sinh” lại được quan tâm nhiều như hiện nay. Theo Don M. Chance và Robert Brooks, tất cả các công cụ phái sinh đều dựa trên thành quả ngẫu nhiên của một tài sản nào đó. Công cụ phái sinh chuyển hóa giá trị của mình từ thành quả của một tài sản khác. Tài sản khác này thường được xem là tài sản cơ sở.
Cùng với sự phát triển của chứng khoán phái sinh trên thị trường tài chính, các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng cường triển khai và hoàn thiện các sản phẩm phái sinh ngoại hối. Ngày 02/10/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. Đây là xu hướng tất yếu, phản ánh sự hội nhập quốc tế và xu hướng tự do hóa thị trường tài chính Việt Nam.
Các sản phẩm phái sinh ngoại hối (PSNH) còn nhiều mới mẻ với hầu hết các thành viên tham gia thị trường chứng khoán và thị trường tài chính ở Việt Nam. Hai nghiệp vụ ra đời sớm nhất cũng như được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là giao dịch ngoại hối kỳ hạn và giao dịch ngoại hối hoán đổi. Giao dịch ngoại hối quyền chọn ra đời muộn hơn nhưng từng bước phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam hiện nay, doanh số nghiệp vụ phái sinh ngoại hối vẫn luôn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong giao dịch ngoại hối của các NHTM, chưa đến 10%.
Tại TP. Huế, các sản phẩm phái sinh mặc dù đã được các chi nhánh NHTM đưa vào áp dụng, tuy nhiên doanh số giao dịch rất ít so với tiềm năng hiện có (chưa đến 7% tổng giao dịch). Các sản phẩm PSNH đang áp dụng ở các chi nhánh NHTM đang ở giai đoạn đầu, chưa có tính phức tạp. Hiện nay, các chi nhánh NHTM trên địa bàn TP. Huế đã triển khai các sản phẩm phái sinh theo sự điều hành của hội sở chính. Các sản phẩm phái sinh đang áp dụng tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn bao gồm: Hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi và quyền chọn. Các sản phẩm PSNH chưa có sự khác biệt sản phẩm về loại tiền giao dịch, số lượng ngoại tệ giao dịch, chủ thể ký kết hợp đồng, mức ký quỹ thực hiện hợp đồng… Sự khác biệt chủ yếu là số lượng ngoại tệ giao dịch tối thiểu trong hợp đồng quyền chọn tiền tệ (thấp nhất là 50.000 USD như ACB… và cao nhất là 100.000 USD như Eximbank)...
Các chi nhánh chủ yếu sử dụng sản phẩm PSNH để làm quen với sản phẩm, học hỏi kinh nghiệm, vừa kiếm lời chút ít bởi nền kinh tế của tỉnh kém sôi động, hoạt động xuất nhập khẩu chưa phát triển so với các tỉnh thành khác. Doanh số giao dịch PSNH tại các chi nhánh NHTM còn thấp. Mặc dù tất cả các chi nhánh NHTM ở TP. Huế đều có sản phẩm PSNH ngoài Vietcombank Huế, ACB Huế và Maritimebank Huế ra, hầu hết các ngân hàng còn lại đều không có phát sinh giao dịch.
Nhìn chung, hoạt động PSNH tại các chi nhánh NHTM ở TP. Huế đang kém phát triển, thể hiện mức độ sử dụng các sản phẩm PSNH của khách hàng trên địa bàn còn ít. Vấn đề đặt ra là tại sao mức độ sử dụng sản phẩm PSNH còn hạn chế và gần như chậm phát triển so với một số địa phương khác? Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát hai mẫu điều tra để tiếp tục tìm lời giải thích cho sự chậm phát triển sản phẩm này.
Phương pháp và kết quả nghiên cứu
Nghiên cứu tập trung đi tìm lời giải cho nghịch lý tồn tại trong thực tế ở địa bàn TP. Huế: mức độ sử dụng sản phẩm PSNH rất hạn chế trong khi hầu hết các NHTM trên địa bàn đều đã đưa sản phẩm này vào kinh doanh. Để có những thông tin đầy đủ và phản ánh đa chiều về thực trạng phát triển sản phẩm PSNH, nghiên cứu tập trung thu thập và khai thác ý kiến đánh giá từ các đối tượng liên quan đến sản phẩm này. Đối tượng nghiên cứu đã được phân tích đánh giá qua 2 chủ thể khác nhau: những nhà cung cấp sản phẩm (các NHTM) và những doanh nghiệp (DN) sử dụng dịch vụ trên địa bàn.
Có 35 nhân viên ngân hàng làm việc trực tiếp và có liên quan đến sản phẩm này và 25 DN trên địa bàn TP. Huế đồng ý tham gia phỏng vấn, trả lời cho câu hỏi nghiên cứu: “Vì sao sản phẩm phái sinh ngoại hối chưa được sử dụng nhiều trên địa bàn TP. Huế?”. Kế thừa các nghiên cứu trong và ngoài nước, hai mẫu bảng hỏi được thiết kế riêng, phù hợp với 2 nhóm đối tượng trên, bao gồm nhiều câu hỏi nhỏ và câu hỏi mở, tập trung khai thác thông tin nhằm xác định đâu là các yếu tố thúc đẩy, đâu là các yếu tố cản trở đối với việc phát triển sản phẩm PSNH trên địa bàn TP. Huế.
Kết quả nghiên cứu
Thứ nhất, sản phẩm phái sinh ngoại hối còn mới lạ trên địa bàn TP. Huế.
Có đến 12% các DN được hỏi đều không biết đến sản phẩm PSNH hoặc biết nhưng chưa sử dụng (52%), biết nhưng sử dụng ít là 32% và chỉ có 4% DN sử dụng thường xuyên. Vấn đề là 96% DN được hỏi đều có hoạt động liên quan đến ngoại hối, tuy nhiên các DN lại không quan tâm lắm đến bảo hiểm rủi ro tỷ giá, bởi chỉ 48% DN có nhận thức được rủi ro tỷ giá. Điều này cho thấy, còn nhiều rào cản để DN sử dụng sản phẩm PSNH. Lý do chính được nhiều DN chọn nhất để giải thích cho hiện tượng này là DN chưa nhận thức đủ về sản phẩm. Nhiều DN thậm chí còn chưa biết đến sản phẩm PSNH, cách thức giao dịch ra sao, điều này cản trở họ thực hiện các hợp đồng PSNH. Một lý do khác theo các DN là biến động tỷ giá, lãi suất không đủ lớn nên các DN cũng ít quan tâm đến bảo hiểm rủi ro tỷ giá, hoặc đầu cơ sinh lời.
Không những sản phẩm PSNH còn khá xa lạ đối với các DN mà còn xa lạ ngay đến các nhân viên ngân hàng. Thực tế tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn TP. Huế cho thấy, hầu hết các nhân viên ngân hàng đều chưa được đào tạo nghiệp vụ PSNH nên chính các nhân viên cũng không am hiểu về nghiệp vụ này, chưa biết cách sử dụng sản phẩm PSNH, do đó khó quảng bá và phổ biến dịch vụ đến khách hàng. Sản phẩm PSNH về cơ bản có lợi cho khách hàng tham gia nhưng để thu hút khách hàng tiềm năng, đòi hỏi phía các chi nhánh NHTM phải xác định rõ đối tượng khách hàng và có các biện pháp quảng bá, thu hút khách hàng.
Thứ hai, có sự khác nhau trong nhận định về nhu cầu giao dịch PSNH giữa ngân hàng và khách hàng.
Theo khảo sát, một trong những nguyên nhân khiến doanh số giao dịch PSNH tại các chi nhánh thấp theo nhân viên ngân hàng là do khách hàng chưa có nhu cầu nhưng qua khảo sát các DN thì có trên 68% có nhu cầu giao dịch PSNH. Do đó, hầu hết các chi nhánh vẫn chưa chú trọng tìm kiếm khách hàng, phát triển các sản phẩm PSNH đến khách hàng, mà chỉ thực hiện các giao dịch ngoại hối truyền thống như giao ngay. Thực tế này đòi hỏi các chi nhánh cần thay đổi nhận thức, chủ động tìm kiếm khách hàng.
Thứ ba, các chi nhánh chưa quan tâm và đầu tư đúng mức để triển khai sản phẩm PSNH có hiệu quả.
Hầu hết các chi nhánh chưa chú trọng đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên và quảng bá sản phẩm PSNH đến với khách hàng. Hơn nữa, Hội sở chính chưa đầu tư nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm PSNH mới với nhiều tiện ích hơn, chưa đa dạng sản phẩm, chỉ chủ yếu là các sản phẩm PSNH truyền thống, cơ bản.
Thứ tư, thiếu thông tin về sản phẩm PSNH.
Hầu hết thông tin về sản phẩm PSNH đều là từ khách hàng tự tìm đến nhân viên ngân hàng để tư vấn, chưa có một cổng thông tin chính thức nào về sản phẩm này được giới thiệu đầy đủ trên hệ thống các phương tiện truyền thông của các chi nhánh NHTM. Phần lớn các chi nhánh chưa chuẩn bị nguồn lực, công nghệ để triển khai công cụ PSNH.
Thứ năm, các chi nhánh chưa tạo điều kiện để khách hàng tham gia giao dịch PSNH.
Các ngân hàng không hỗ trợ mức ký quỹ, phí cho khách hàng và tỷ giá chưa được điều chỉnh linh hoạt. Nguyên nhân là do các chi nhánh vẫn phải chịu sự quản lý của hội sở chính, đa số các chi nhánh không được phép thay đổi tỷ giá, phí, mức ký quỹ… nên khó điều chỉnh cho phù hợp với khách hàng trên địa bàn.
Kết luận
Giao dịch PSNH tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn TP. Huế chưa thực sự được quan tâm. Chính thái độ này là một sự cản trở việc phát triển PSNH trên địa bàn. Nhóm nghiên cứu đã tập hợp được các yếu tố chính cản trở việc phát triển sản phẩm PSNH từ cả hai phía cả Ngân hàng và DN (bảng 2), tìm kiếm những vướng mắc trong việc triển khai sản phẩm này trên địa bàn, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển hơn nữa sản phẩm này.
Tóm lại, giao dịch PSNH tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn TP. Huế mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, đơn giản. Để phát triển sản phẩm PSNH hiệu quả, thời gian tới các chi nhánh NHTM trên địa bàn cần phải tăng cường hoạt động marketing quảng bá về sản phẩm PSNH, không chỉ hướng đến khách hàng DN mà cả khách hàng cá nhân có nhu cầu đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận; Tăng cường đào tạo về sản phẩm PSNH cho cả nhân viên và khách hàng; Xây dựng hệ thống thông tin về sản phẩm, tạo điều kiện để khách hàng dễ dàng tham gia giao dịch, hoàn thiện cơ chế hoạt động và cơ chế giao dịch; Phát triển hạ tầng công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm PSNH và tạo nhiều tiện ích hấp dẫn cho khách hàng.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo kết quả kinh doanh của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Huế từ 2014 đến 2017;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư số 15/2015/TT - NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối;
- Ngô Thùy Linh (2015), Thực trạng sử dụng công cụ tài chính phái sinh ở Việt Nam trong phòng ngừa rủi ro;
- Don M.Chance, Robert Brooks Anintroduction to Derivatives and Risk management, 9th edition, 2013, South-Western, Cengage Learning.