Vực dậy vùng đất “chín rồng”:

Phát triển theo nguyên lý “thuận thiên” có kiểm soát

Theo H.Thu - N.Hưởng/Báo Hậu Giang

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công cụ quan trọng hàng đầu cho sự phát triển của vùng, có thể được phê duyệt trong tháng 12/2021 đang được nhiều địa phương đồng tình, đánh giá cao.

Mô hình nuôi cá thát lát của nông dân Hậu Giang. Ảnh: H. Thu
Mô hình nuôi cá thát lát của nông dân Hậu Giang. Ảnh: H. Thu

Nâng tầm chiến lược

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đồ án quy hoạch có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của vùng. ĐBSCL chiếm khoảng 20% dân số, 12% diện tích cả nước, đóng góp 15,4% GDP, 50% sản lượng lúa và 95% lượng gạo xuất khẩu...

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 năm 2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó đặt ra nhiệm vụ xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp, đa ngành. Giao các cơ quan của Chính phủ huy động nguồn lực tăng thêm cho vùng ĐBSCL 2 tỉ USD để thực hiện các công trình trọng điểm, liên vùng, có sức lan tỏa cao.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, dù thời gian triển khai thực hiện chưa dài, nhưng đến nay Nghị quyết 120 đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng để phát triển mạnh mẽ vùng ĐBSCL theo hướng “thuận thiên” như mục tiêu mà Nghị quyết đề ra. Cụ thể, định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL.

Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành. Bên cạnh đó, hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm “thuận thiên” đã được chứng minh qua đợt hạn, mặn vừa qua khi nông dân vùng ĐBSCL chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. Thiệt hại riêng về diện tích lúa đợt hạn, mặn 2019-2020 vừa qua tại ĐBSCL chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn, mặn năm 2015-2016.

Đặc biệt, tăng trưởng GDP vùng ĐBSCL luôn ở mức cao. Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp đã khẳng định chủ trương đúng đắn thuận thiên khi chúng ta chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 kế thừa những nội dung trong Nghị quyết số 120 về phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, hài hòa dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường; tăng trưởng xanh, lấy con người làm trung tâm, thích ứng biến đổi khí hậu là yêu cầu tất yếu, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin: Mục tiêu của quy hoạch đến năm 2030 ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế, nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế, các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng cho rằng: Nghị quyết 120 là tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững ĐBSCL, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trong nước và quốc tế, đặc biệt là chuyển hóa được những thách thức lớn của biến đổi khí hậu thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất và kinh doanh. Việc triển khai Nghị quyết đã kế thừa, tích hợp kết quả của các chương trình khoa học công nghệ, các dự án đã và đang triển khai thực hiện trong những năm qua.

Đồng thời khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển bền vững ĐBSCL, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trên cơ sở kết hợp giữa sáng tạo, tri thức bản địa với các thành tựu khoa học và công nghệ thế giới; sự vươn lên mạnh mẽ và khát vọng phát triển của người dân cả nước và ĐBSCL để chuyển hóa các thách thức thành cơ hội phát triển mới...

Bàn đạp để phát triển

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính là sự đồng thuận cơ bản của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL, kế thừa quan điểm “thuận thiên” đã được xác định trong Nghị quyết số 120 của Chính phủ, hướng tới tầm nhìn một “nơi đáng sống - nơi đáng đến”.

“Đồng Tháp sẽ dần xây dựng và cụ thể hóa các chiến lược chuyển đổi từ quan điểm chủ động can thiệp sang phục hồi và chung sống, từ tối đa hóa sản lượng sang tập trung vào chất lượng và nâng cao tối đa giá trị, chuyển từ lối sống đô thị hóa sang sống xanh, sống khỏe; từng bước định hình một nền kinh tế mang tính bền vững và chống chịu cao hơn”, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, quy hoạch ĐBSCL kỳ này thể hiện nhiều đổi mới, mang tính đột phá. Để toàn diện và phát triển hơn nữa, cần liên kết cụm ngành công nghiệp và dịch vụ, xây dựng các trung tâm đầu mối, xem đây là khâu đột phá.

Về phát triển không gian vùng ĐBSCL, ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đề xuất: Cần chủ động trong liên kết với các vùng kinh tế khác, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu giảm tải cho giao thông đường bộ, logictics ở các tỉnh. Sản xuất nông nghiệp cần đồng bộ để điều phối, phát triển. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng thủy lợi, chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất và sinh kế.

Là một trong những địa phương được hưởng nhiều lợi thế khi quy hoạch vùng đi vào thực tế, đặc biệt là về giao thông, tỉnh Hậu Giang đang có những bước đi bám sát tinh thần của Nghị quyết 120 của Chính phủ và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng tính liên kết vùng thể hiện rất cao trong quy hoạch này. Riêng vấn đề đất lúa, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, đã xem phát triển công nghiệp là thế mạnh và cũng là cơ hội thì nên ưu tiên cho ĐBSCL giảm diện tích đất lúa nhiều hơn để tỉnh đầu tư cho công nghiệp và các lĩnh vực phi nông nghiệp khác.

Để quy hoạch đi vào chiều sâu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Bộ đang cùng các địa phương xây dựng ĐBSCL thành vùng nguyên liệu chủ lực lớn, chất lượng phục vụ trong nước và xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều dự án nạo vét, mở kênh lớn để trữ nước ngọt, trong đó có dự án cải tạo kênh, trục chính dẫn nước ngọt từ sông Hậu đến bán đảo Cà Mau.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng quy hoạch là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng, dẫn dắt đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch triển khai cũng rất quan trọng, bởi nếu không tổ chức thực hiện có hiệu quả thì sẽ trở thành quy hoạch “treo”.

Việc xác lập các cực tăng trưởng cần gắn liền với mục tiêu phát triển TP. Cần Thơ với chức năng là trung tâm của vùng. Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, nền tảng, đặc sắc của vùng ĐBSCL. Do đó, phải đưa ra được các giải pháp khả thi nhằm tăng cường quản lý và sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn nước ngọt; sử dụng hợp lý các nguồn nước lợ, nước mặn để phát triển kinh tế…

Theo dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2021-2030 phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức trung bình cả nước khoảng 7%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP khoảng 20%; công nghiệp, xây dựng đạt khoảng 32%; dịch vụ là 46%. Kinh tế nông nghiệp tập trung phát triển theo hướng kinh tế sinh học toàn diện với ba trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa.