Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp


Thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam đã từng bước hình thành đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hoàn thiện cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam ra đời với sản phẩm hợp đồng tương lai là sản phẩm phái sinh đơn giản nhất được triển khai đầu tiên với giao dịch 4 mã hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30.  Sau 7 năm hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh đã có sự tăng trưởng lớn mạnh, vượt cả kỳ vọng đặt ra và trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường tài chính trong nước và quốc tế nhiều biến động. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam vẫn chỉ là những bước đi sơ khai, hàng hóa trên thị trường rất hạn chế cả về số lượng và quy mô. Bài viết phân tích thực trạng phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, từ đó, đóng góp tiếng nói khoa học nhằm phát triển thị trường mới này để Việt Nam ngày càng thịnh vượng, xứng danh với bạn bè năm châu.

Những vấn đề cơ bản về thị trường chứng khoán phái sinh

Trong xã hội hiện đại ngày nay, thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Những biến động trên thị trường chứng khoán phái sinh nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung đều có thể tác động tới nền kinh tế và các nhà đầu tư. Đây là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế và là kênh đầu tư tiềm năng của công chúng.

Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 đã được Quốc hội khóa 14 phê duyệt ngày 26/11/2019 xác định: Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai. Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác theo quy định của Chính phủ được sử dụng làm cơ sở để xác định giá trị chứng khoán phái sinh.

Thị trường chứng khoán phái sinh bản chất là thị trường phòng ngừa rủi ro cho hoạt động đầu tư trên các thị trường khác, bao gồm cả thị trường chứng khoán cơ sở cũng như thị trường hàng hóa. Thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng phát huy vai trò là giải pháp hữu hiệu để giữ chân nhà đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư tháo chạy khi thị trường cơ sở sụt giảm, mà không phải hút nguồn tiền của thị trường cơ sở. Phần lớn các nước có thị trường tài chính phát triển đều ưu tiên xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh như một thành phần không thể thiếu trong cấu trúc thị trường tổng thể.

Hàng hóa trên thị trường chứng khoán phái sinh của các nước trên thế giới bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng hoán đổi.

Hợp đồng quyền chọn là loại chứng khoán phái sinh xác nhận quyền của người mua và nghĩa vụ của người bán để thực hiện một trong hai loại giao dịch: Thứ nhất, mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá thực hiện đã được xác định tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai; Thứ hai, thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh niêm yết, xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các loại giao dịch: Thứ nhất, mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai; Thứ hai, thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở vào ngày đã xác định trong tương lai.

Hợp đồng kỳ hạn là loại chứng khoán phái sinh giao dịch thỏa thuận, xác nhận cam kết giữa các bên về việc mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai.

Hợp đồng hoán đổi là loại chứng khoán phái sinh thỏa thuận về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính tại một thời điểm nhất định trong tương lai. Thời điểm hoán đổi lẫn phương pháp tính toán sẽ được quy định rõ trong hợp đồng hoán đổi.

Thị trường chứng khoán phái sinh là một bộ phận của thị trường chứng khoán. Nếu phát huy hiệu quả thị trường chứng khoán phái sinh sẽ thể hiện mức độ cao và chiều sâu của thị trường tài chính. Xét trên giác độ tổng thể nền kinh tế thì thị trường chứng khoán phái sinh đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế thông qua việc phát huy các chức năng là cầu nối giữa tiết kiệm và đầu tư, sàng lọc chuyển giao và phân tán rủi ro, giám sát doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản của các công cụ tài chính. Xét trên giác độ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể mua/bán chứng khoán phái sinh với mục đích phòng ngừa rủi ro, đầu cơ, tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Xét trên giác độ kinh doanh của các tổ chức tài chính thì có thể tăng quy mô hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, tăng nguồn thu từ phí với tư cách là nhà môi giới. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán phái sinh cũng tiềm ẩn những rủi ro rất lớn, thậm chí có thể làm cho doanh nghiệp khủng hoảng tài chính hay phá sản nếu hoạt động của doanh nghiệp và thị trường không hiệu quả.

Thực trạng thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam

Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu hoạt động theo Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11/7/1998 quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh thành lập theo Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg ngày 11/7/1998, chính thức khai trương ngày 20/7/2000. Trung tâm thực hiện giao dịch lần đầu tiên ngày 28/7/2000 chỉ với 2 mã cổ phiếu và 6 công ty chứng khoán thành viên. Ngày này đánh dấu sự ra đời chính thức của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thêm Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội khai trương ngày 8/3/2005 hoạt động theo mô hình thị trường phi tập trung, tổ chức thị trường thứ cấp cho các chứng khoán chưa niêm yết theo cơ chế thỏa thuận.

Ngay sau khi Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ban hành ngày 5/5/2015 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, ngày 21/7/2015 của Bộ Tài chính ban hành Thông báo số 448/TB-BTC giao Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tổ chức hoạt động giao dịch và thanh toán thị trường chứng khoán phái sinh.

Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh khai trương hoạt động, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hoàn thiện cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam ra đời với sản phẩm hợp đồng tương lai là sản phẩm phái sinh đơn giản nhất được triển khai đầu tiên với giao dịch 4 mã hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30.

Ngày 4/7/2019, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội triển khai giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm, nhằm cung cấp cho nhà đầu tư thêm sản phẩm và công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường trái phiếu chính phủ, tuy nhiên đối tượng giao dịch chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức.

Ngày 28/6/2020 tiếp tục đưa vào giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm nhằm đáp ứng hơn nữa nhu cầu phòng vệ trên thị trường trái phiếu cơ sở, ngoài các nhà đầu tư tổ chức còn bổ sung các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.

Sau 7 năm hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh đã có sự tăng trưởng lớn mạnh, vượt cả kỳ vọng đặt ra và trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường tài chính trong nước và quốc tế nhiều biến động. Theo Uỷ ban chứng khoán nhà nước, đến đầu tháng 2/2024, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh đạt 1.244.709 tài khoản, 23 công ty chứng khoán là thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh. Các công ty chứng khoán đều có vốn điều lệ tối thiểu 900 tỷ đồng trở lên và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định.[A1] 

Hàng hóa trên thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam cho đến nay vẫn chỉ có 3 sản phẩm là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm.

Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 mô phỏng kỳ vọng giá của chỉ số VN30 tại thời điểm đáo hạn, giao dịch với 4 mã tương ứng 4 tháng đáo hạn (tháng hiện tại, tháng kế tiếp, 2 tháng cuối 2 quý gần nhất). Chỉ số VN30 được tính dựa trên rổ 30 cổ phiếu có vốn hóa thị trường và tính thanh khoản cao nhất trên sàn HOSE.

Bảng. Danh sách các sản phẩm chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai VN30

STT

Mã Hợp đồng

Tên Hợp đồng

Giá

Tháng đáo hạn

Ngày giao dịch đầu tiên

Ngày ngày giao dịch cuối cùng

Ngày thanh toán cuối cùng

1

VN30F1M

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 1 tháng

1.263,0

4/2024

10/8/2017

17/4/2024

19/4/2024

2

VN30F2M

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 2 tháng

1.263,6

5/2024

10/8/2017

16/5/2024

17/5/2024

3

VN30F1Q

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 1 quý

1.264,2

6/2024

10/8/2017

20/6/2024

21/6/2024

4

VN30F2Q

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 2 quý

1.265,0

9/2024

10/8/2017

19/9/2024

20/9/2024

5

VN30F2409

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 9/2024

1.265,0

9/2024

19/1/2024

19/9/2024

20/9/2024

6

VN30F2406

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 6/2024

1.264,2

6/2024

20/10/2023

20/6/2024

21/6/2024

7

VN30F2405

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 5/2024

1.263,6

5/2024

22/3/2024

16/5/2024

17/5/2024

8

VN30F2404

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 4/2024

1.263,0

4/2024

16/2/2024

17/4/2024

19/4/2024

Nguồn: Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội

Kết quả giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 thời gian qua cho thấy các hợp đồng được giao dịch với đa dạng kỳ hạn, được đáo hạn và thanh toán theo đúng thời hạn của hợp đồng. Biến động giá tăng giảm không quá lớn đem lại sự an toàn cho các nhà đầu tư và thị trường.

Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là loại hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là trái phiếu chính phủ do Sở Giao dịch chứng khoán chuẩn hóa các điều khoản, bao gồm: số năm/tháng/ngày đáo hạn; lãi suất danh nghĩa; hình thức trả gốc, lãi; rổ trái phiếu được chấp nhận để chuyển giao; phương thức thanh toán khi đáo hạn.

Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm có tài sản cơ sở là trái phiếu giả định có những đặc điểm tương tự như một trái phiếu chính phủ với mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn. Việc lựa chọn kỳ hạn của trái phiếu là 5 năm dựa trên tính thanh khoản, cũng như tỷ trọng của loại kỳ hạn này trong cơ cấu kỳ hạn phát hành trên thị trường giao ngay.

Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm có tài sản cơ sở là trái phiếu giả định có những đặc điểm tương tự như một trái phiếu chính phủ với mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn 10 năm, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như sau: Hàng hóa trên thị trường phái sinh chưa đa dạng để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được giao dịch trên tài sản cơ sở là chỉ số VN30 mà chưa giao dịch những chỉ số chứng khoán khác có tính đại diện tốt hơn. Nhà đầu tư tham gia trên thị trường chứng khoán phái sinh chưa đa dạng, thị trường chỉ thu hút chủ yếu sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Các thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh cũng chưa sôi động. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh cũng bắt đầu gặp những thách thức đặt ra đối với sự tồn tại và phát triển trong tương lai như việc đánh thuế đối với chứng khoán phái sinh, hay việc quản lý, giám sát đối với thị trường nhằm bảo vệ tối ưu quyền và lợi ích của các nhà đầu tư.

Định hướng và giải pháp phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam

Bộ Tài chính đã xây dựng Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động thị trường chứng khoán nói chung và thị trường chứng khoán phái sinh nói riêng, phấn đấu thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20-30% mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện quán triệt 5 giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh. Hiện nay, phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam đối với giao dịch chứng khoán đã lạc hậu rất nhiều so với các quốc gia có thị trường tài chính phát triển. Luật Chứng khoán năm 2019 chưa cập nhật được các quy định quốc tế về chứng khoán phái sinh. Thời gian tới cần nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng luật riêng về chứng khoán phái sinh để thị trường này hoạt động ổn định, bền vững trong khuôn khổ các quy định của pháp luật.

Thứ hai, đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán phái sinh. Cơ quan quản lý thị trường cần nghiên cứu triển khai những sản phẩm chứng khoán phái sinh mới, cụ thể là hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu khác (VNX200). Triển khai hợp đồng quyền chọn trên chỉ số chứng khoán, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn trên cổ phiếu đơn lẻ, qua đó góp phần đa dạng các hàng hoá trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Thứ ba, thực hiện việc cải tiến chất lượng chỉ số hiện hành, sửa đổi bổ sung bộ quy tắc chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế. Phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho thị trường chứng khoán phái sinh.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát thị trường chứng khoán nhằm ngăn ngừa các hành vi thao túng, làm giá trên thị trường chứng khoán cơ sở để tác động xấu lên thị trường chứng khoán phái sinh.

Thứ năm, Nhà nước nên ban hành nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam. Những đối tượng này có vai trò quan trọng trong việc phát triển giao dịch và tăng tính thanh khoản của thị trường. Để thu hút các nhà đầu tư này cần tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin, không ngừng cải tiến công nghệ, kỹ thuật giao dịch và tăng cường quảng cáo về thị trường, đồng thời giảm chi phí giao dịch.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2019). Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, ngày 26/11/2019.

2. Bộ Tài chính (2023). Truy cập tại: www.mof.gov.vn

3. Cổng thông tin tài chính - chứng khoán Vietstock (2024). Truy cập tại: finance.vietstock.vn

4. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (2024). Truy cập tại: hnx.vn

5. Uỷ ban chứng khoán nhà nước (2024). Truy cập tại: www.ssc.gov.vn

Theo tapchicongthuong.vn