Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh mới
Trải qua chặng đường 20 năm không ngừng nỗ lực phấn đấu, vị trí và vai trò của ngành Chứng khoán Việt Nam đã từng bước khẳng định vị rõ nét trong nền kinh tế. Để đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 với không ít khó khăn, thách thức, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển ổn định, bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế được đẩy mạnh, Chính phủ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, xây dựng nền hành chính kiến tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì động lực tăng trưởng; kinh tế vĩ mô ổn định; tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng cải thiện. Các giải pháp tài chính và chính sách thúc đẩy cổ phần hóa (CPH), gắn CPH với niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc tăng nguồn hàng chất lượng cho TTCK.
Công tác tái cấu trúc TTCK đã đạt được những kết quả tích cực. Trên cơ sở đó, TTCK Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2016, TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, với các con số ấn tượng: Chỉ số VN-Index tăng 15%, mức vốn hóa thị trường đạt 1.947 nghìn tỷ đồng, tương đương 43,2% GDP năm 2016, tăng 43% so với cuối năm 2015.
Thanh khoản cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt 6.900 tỷ đồng/phiên, tăng 40% so với bình quân/phiên năm 2015. Tổng mức vốn huy động trên TTCK ước đạt 355 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015. Đáng chú ý, tổng giá trị thu được qua CPH thoái vốn trên TTCK đạt trên 22 nghìn tỷ đồng. Về hoạt động đầu tư, số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,69 triệu tài khoản, tăng 8% so với cuối năm 2015. Giá trị danh mục đầu tư nước ngoài (ĐTNN) duy trì ở mức cao, đạt 17,2 tỷ USD vào cuối tháng 11/2016 (tăng 17% so với cuối năm 2015).
Đến nay, quy mô của TTCK (gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) hiện đạt trên 70% GDP, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK ước đạt trên 2 triệu tỷ đồng, đóng góp bình quân 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và huy động được hơn 17 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Tính đến ngày 6/3/2017, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 716,29 điểm, mức cao nhất trong vòng 10 năm, tăng 7,7% so với cuối năm 2016. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 86,55%, tăng 8% so với cuối năm 2016. Mức vốn hóa thị trường đạt hơn 2.260 nghìn tỷ đồng (tương đương 50,3% GDP), tăng 16% so với cuối năm 2016 và là mức cao nhất từ khi thành lập thị trường.
Thanh khoản thị trường cải thiện, giao dịch bình quân 1 phiên đạt 7.365 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 6,6% so với bình quân năm 2016. Tổng mức huy động trên TTCK 2 tháng đầu năm 2017 ước đạt 40,7 nghìn tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trị huy động vốn tháng 2 đã tăng 79% so với tháng 1.
Qua 2 tháng đầu năm 2017, 2 sở giao dịch chứng khoán đã tổ chức cổ phần hóa cho 5 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với tổng giá trị đạt hơn 91 tỷ đồng; tổ chức đợt đấu giá thoái vốn nhà nước với tổng giá trị 168 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 99%.
Bên cạnh đó, công tác tái cấu trúc đã có những kết quả tích cực và đạt được mục tiêu đề ra, đã giảm được 8 công ty chứng khoán; 83/86 công ty chứng khoán có tỷ lệ an toàn tài chính từ 180% trở lên. Hiện còn 3 công ty chứng khoán đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, 1 công ty đang trong tình trạng kiểm soát.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp thực hiện CPH gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch. Ngoài ra, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính đề án sử dụng phương thức dựng sổ (bookbuilding) trong việc CPH DNNN và thoái vốn nhà nước tại DN. Về xây dựng thể chế, UBCKNN cũng đã tích cực hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách.
Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững thị trường chứng khoán
Để TTCK Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát. Trong năm 2017, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBCKNN xác định là triển khai xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, song song với việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ hướng dẫn Luật Chứng khoán theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế. UBCKNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý nhằm tạo cơ sở cho việc chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu, hướng đến việc minh bạch thông tin và xử lý tranh chấp, tạo điều kiện thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài vào TTCK, tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm mới, TTCK phái sinh (TTCKPS), thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác CPH, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; Áp dụng các phương thức mới trong việc CPH, thoái vốn; Hoàn thiện thị trường giao dịch dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết; Hoàn tất việc ban hành Nghị định về quản trị công ty; Tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng đối với vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty.
Thứ ba, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đưa TTCKPS đi vào hoạt động, trong đó có hệ thống giao dịch, hàng hóa, cơ chế quản lý giám sát… đảm bảo triển khai có hiệu quả và thành công; Triển khai hệ thống giao dịch sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, nghiên cứu để từng bước áp dụng trong năm 2018 nghiệp vụ bán khống và một số nghiệp vụ thị trường theo chuẩn mực quốc tế.
Thứ tư, hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu: Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu chính phủ; Triển khai đề án phát triển TPDN; Hoàn thiện phương án tổ chức thị trường TPDN và công tác chuẩn bị để có thể đưa thị trường giao dịch TPDN vào hoạt động trong năm 2018.
Thứ năm, phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và cải thiện sức cầu: Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam; Phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp.
Thứ sáu, phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường: Tiếp tục tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán để giảm số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ; Nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp nhân viên hành nghề kinh doanh chứng khoán thông qua việc chuẩn hóa các chương trình đào tạo; Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu để thực hiện công khai danh sách người hành nghề chứng khoán trên cổng thông tin điện tử.
Thứ bảy, tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ: Tiếp tục xây dựng mô hình, lộ trình cho tiến trình hợp nhất 2 Sở Giao dịch Chứng khoán; hoàn thiện mô hình đối tác bù trừ trung tâm; xây dựng và triển khai Đề án kết nối hệ thống thanh toán bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng.
Thứ tám, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch năm 2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Các website: www.ssc.gov.vn, www.nfsc.gov.vn;
2. Tu, W., & Han, L. (2010, December). Foreign ownership and stock return volatility. In Information Science and Engineering (ICISE), 2010 2nd International Conference on (pp. 261-264). IEEE;
3. Chen, Z., Li, D., & Wei, S. X. (2006). Foreign Ownership and Domestic Stock Return Volatility-Empirical Evidence in China.