Phát triển thị trường tiêu thụ nhằm thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp tại Nghệ An
Yếu tố thị trường đầu ra đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy, khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ở các địa phương. Câu chuyện "được mùa mất giá" đối với hàng nông sản không còn xa lạ với người nông dân và doanh nghiệp kinh doanh nông sản ở nước ta. Để giải bài toán “được mùa mất giá”, đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra trong thời gian qua, trong đó tìm thị trường tiêu thụ là giải pháp căn cơ nhất. Đây cũng là vấn đề đặt ra đối với phát triển lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Nghệ An từ nhiều năm nay.
Chính sách hỗ trợ phát triển thị trường nông sản tại Nghệ An
Nhằm giải quyết yếu tố đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, trong những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã chú trọng đầu tư phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Điều này được thể hiện từ việc ban hành cơ chế, chính sách đến việc triển khai thực tiễn. Cụ thể, bên cạnh việc vận dụng các chính sách của Nhà nước, Nghệ An đã ban hành các chính sách phát triển thị trường tiêu thụ nông sản như: Quyết định số 3396/QĐ-UBND ngày 6/8/2015 về phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến 2020, tầm nhìn đến 2030; Quyết định số 72/2015/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn xây dựng và phát triển thương hiệu giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh đó, Nghệ An chú trọng quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2014 – 2018, tổng mức kinh phí từ NSNN cho xúc tiến thương mại trong nông nghiệp là 4600 triệu đồng. Mặc dù, nguồn vốn hỗ trợ từ NSNN còn hạn chế nhưng Tỉnh đã tăng cường, linh hoạt tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó, tổ chức 06 cuộc hội chợ trên địa bàn Tỉnh; tham gia 26 hội chợ trong và ngoài nước; tổ chức 03 hội nghị kết nối cung cầu tại tỉnh Nghệ An, tham gia 06 hội nghị kết nối giao thương tại các tỉnh như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Hưng Yên... tạo điều kiện cho các DN, tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh quảng bá thương hiệu sản phẩm. Một số sản phẩm của tỉnh như: Cam Vinh, Tinh nghệ Hoa Sơn, Tương Nam Đàn, nước mắm Vạn Phần, miến dong Nam Đàn, Lươn đồng thành phẩm, thịt bò thành phẩm, rau sạch xứ Nghệ... đã được bày bán tại các hệ thống phân phối tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nghệ An đã tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch tại một số thị trường nước ngoài như: Nga, Đài Loan, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... qua đó một số sản phẩm hàng hóa được thị trường người nước ngoài ưa chuộng như: Sữa TH True milk, lạc nhân, chè, gạo...
Ngoài ra, để thúc đẩy quá trình tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá”, Nghệ An đã khuyến khích liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, thông qua các hình thức sau:
Thứ nhất, hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa DN với nông dân và hợp tác xã
Để khuyến khích liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, tỉnh Nghệ An đã có chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết từ ngân sách nhà nước với mức hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết; Hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường cho cán bộ quản lý hợp tác xã và nông dân tham gia liên kết theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề liên quan đến các hợp đồng, dự án liên kết.
Trong thời gian qua, mô hình liên kết này đã được áp dụng, nổi bật với sản phẩm là cây mía, cây chè và cây lúa với hình thức doanh nghiệp (DN) đầu tư nhà máy chế biến, hỗ trợ sản xuất cho nông dân và thu mua sản phẩm (Nhà máy đường NaSu, Công ty cổ phần mía đường sông Con, Công ty cổ phần mía đường sông Lam, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An, Tổng công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa, Công ty Giống cây trồng Trung ương...); chanh leo, dứa theo hình thức DN đầu tư chế biến, cung cấp đầu vào cùng dân trồng và thu mua sản phẩm; mô hình liên kết giữa DN và nông dân trong chăn nuôi bò sữa của TH Truemilk; Mối liên kết giữa DN, nông dân nuôi bò và thu mua sữa của Vinamilk...
Thứ hai, hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn
Sau thành công của những mô hình cánh đồng mẫu lớn do Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS) liên kết với nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Nghệ An cũng đưa ra một số chính sách hỗ trợ đầu tư cánh đồng mẫu lớn. Sản xuất mô hình cánh đồng mẫu lớn là cách thức sản xuất thể hiện rõ nhất sự tham gia của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN và nhà nông), trong đó DN được xác định có vai trò quan trọng, quyết định đến việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Để khuyến khích xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn, Tỉnh đã tiến hành hỗ trợ chi phí chỉnh trang đồng rộng sau khi dồn điền đổi thửa với mức hỗ trợ 300 triệu đồng/mô hình, hỗ trợ chi phí mua giống, vật tư, phân bón, hỗ trợ kinh phí để tập huấn kỹ thuật với mức 10 triệu đồng/cuộc, hỗ trợ kinh phí cho cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình với mức hỗ trợ 6 triệu đồng.
Sau 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, Nghệ An đã có 28 mô hình cánh đồng mẫu lớn, trong đó: sản xuất lúa 16 mô hình, với diện tích 995 ha; sản xuất ngô 06 mô hình, với diện tích 254 ha; sản xuất lạc 04 mô hình, với diện tích 163,2 ha và tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 6.753 triệu đồng. Tiếp nối những thành công đã đạt được, hiện nay, Nghệ An đang đẩy mạnh mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất nông nghiệp. Tính riêng năm 2018, UBND Tỉnh thực hiện 5 dự án cánh đồng lớn bao gồm: Cánh đồng lớn sản xuất rau an toàn quy mô 30 ha tại xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu; Cánh đồng lớn sản xuất mía quy mô 100 ha tại xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ; Cánh đồng lớn sản xuất giống lúa ADI 28 quy mô 70 ha tại xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu; Cánh đồng lớn sản xuất giống lúa QJ1 quy mô 100 ha tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành; Cánh đồng lớn sản xuất rau, củ, quả quy mô 100 ha tại xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu. Tổng kinh phí hỗ trợ năm 2018 cho 5 dự án là 1.535,592 triệu đồng.
Mặc dù, Nghệ An đã có biện pháp phát triển thị trường nông sản, tạo môi trường đầu tư thuận lợi khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập như: Việc cung cấp thông tin thị trường nông sản cho nhà sản xuất tại địa phương vẫn còn thiếu và yếu. Số lượng các nông sản tại tỉnh được đăng ký thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý còn ít; Liên kết 4 nhà trong sản xuất chưa tốt nên việc áp dụng chính sách còn nhiều hạn chế.
Giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển thị trường tiêu thụ nông sản tại Nghệ An
Khó khăn trong tiêu thụ nông sản là một trong những nguyên nhân cản trở nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn này, tỉnh Nghệ An cần tập trung vào một số giải pháp:
Một là, hỗ trợ nguồn vốn từ NSNN để xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản tỉnh Nghệ An, nhằm cung cấp các thông tin thị trường tiêu thụ nông sản như: tình hình thu mua, giá cả, cung cầu thị trường, tình hình sản xuất, thị trường nông sản tại tỉnh Nghệ An, cũng như của các tỉnh thành trên cả nước thông qua việc kết nối mạng với các chợ đầu mối, các tổ chức, các cá nhân kinh doanh nông sản; Thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện theo dõi phân tích, dự báo các thông tin thị trường nông sản.
Hai là, cần hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc, GAP, nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông sản, tạo niềm tin đối với khách hàng cho sản phẩm nông sản của tỉnh Nghệ An. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, chỉ dẫn địa lý về những nông sản gắn với vùng sản xuất mang địa danh Nghệ An như: Cam Vinh, lạc Nghệ An, chè Nghệ An, bò Mông miền Tây Nghệ An, nhung hươu Quỳnh Lưu, gà đồi Thanh Chương, tương Nam Đàn, trám đen Thanh Chương…
Ba là, hàng năm, cần bố trí ngân sách đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của Tỉnh (như các loại cây ăn quả có múi, cây chè, cao su, lạc...) đến các nước có trình độ khoa học kỹ thuật nông nghiệp phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...; Tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với các DN khác cả trong và ngoài nước trong việc phối hợp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tiết kiệm chi phí.
Thực hiện hỗ trợ các chủ thể giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Tỉnh, liên kết với các DN bán lẻ trong nước thông qua hệ thống siêu thị như: Big C, Metro, Intimex... hướng tới ổn định thị phần ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Tỉnh cần có cơ chế với các đơn vị bán lẻ có thể mua được hàng nông sản ngay tại địa bàn cung ứng cho toàn chuỗi hệ thống.
Bốn là, cần có chính sách khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ nông sản qua hợp đồng, thực hiện liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông và Nhà DN trong nông nghiệp. Hiện nay, Nghệ An đã có hình thức liên kết kinh tế 4 nhà tuy nhiên hình thức này trong tiêu thụ nông sản còn khá lỏng lẻo. Phần lớn các DN thu mua tiêu thụ nông sản thông qua các thương lái mà việc liên kết trực tiếp với nông dân còn ít. Vì vậy, nhằm tăng tính hiệu quả trong việc tiêu thụ nông sản qua hợp đồng thì cần có quy định rõ ràng và chặt chẽ giữa các bên liên quan. Trên thực tế đã xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng gây bất lợi đến cả người nông dân và DN do không có ràng buộc chặt chẽ. Do đó, để tạo cơ sở cho mối liên kết kinh tế giữa nông dân - DN, cũng như để tăng giá tăng giá trị cho hàng nông sản địa phương, cần có những chính sách hỗ trợ phát triển đối tượng DN hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sau:
- Thành lập một tổ chức quản lý nhà nước có chức năng điều phối liên kết sản xuất hoạt động bằng nguồn vốn NSNN. Việc phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong mối liên kết, hợp tác hợp đồng giữa nông dân/hợp tác xã và DN chính là điều tiết, đảm bảo các điều kiện hợp đồng hợp lý, đảm bảo quyền lợi đi cùng nghĩa vụ của mỗi bên, có lợi cho cả hai bên, đảm bảo tính thực thi hợp đồng. Với sự tham gia của đại diện cơ quan nhà nước, người nông dân sẽ cảm thấy an tâm, tin tưởng mối hợp tác liên kết, và tập trung vào sản xuất, chủ động, sáng tạo nâng cao sản lượng, chất lượng.
- Lựa chọn và chỉ định các DN có tiềm lực kinh tế, quy mô lớn, có kỹ thuật và công nghệ ký kết hợp đồng trực tiếp với nông dân ở những ngành hàng có đủ điều kiện thực hiện liên kết như mía, chè, dược liệu…
- Có cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể riêng và nhiều hơn nữa đối với các DN khi thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản qua hình thức hợp đồng bao tiêu, hình thành cánh đồng mẫu lớn: Cụ thể, hỗ trợ DN về đất đai khi các DN ở rộng quy mô chuyên canh, đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn... để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vận hành các nhà máy sơ chế, chế biến tinh; Hỗ trợ DN đẩy nhanh vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để xây dựng khu vực sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, đầu tư máy móc thiết bị cũng như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến.
Tài liệu tham khảo:
1. Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An (2018), báo cáo kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An;
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, Báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2014 – 2018, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An;
3. Trần Tú Khánh (2017), “Xây dựng chuỗi giá trị thích hợp cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh Nghệ An nhằm tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế”, Đề tài cấp Tỉnh;
4. Nguyễn Thị Minh Tú (2018), “Phát triển chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An“, Đề tài cấp tỉnh Nghệ An.