Phát triển trường đại học tư thục ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 9/2019

Phát triển trường đại học tư thục trở thành một xu thế tất yếu, các trường đại học tư thục ngày càng khẳng định vai trò trong hệ thống giáo dục thế giới. Với chủ trương hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Bài viết đưa ra một số quan điểm về trường đại học tư thục, đánh giá thực trạng phát triển các trường đại học tư thục tại Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao vai trò của các trường này trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Phát triển trường đại học tư thục trở thành một xu thế tất yếu tại Việt Nam.
Phát triển trường đại học tư thục trở thành một xu thế tất yếu tại Việt Nam.

Một số quan điểm về trường đại học tư thục

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã từng đưa ra nhận định về sự khác biệt giữa trường công và trường tư, cụ thể:

- Trường công là trường “được kiểm soát và quản lý trực tiếp bởi chính quyền hoặc một cơ quan phụ trách giáo dục công, hoặc trực tiếp bởi một cơ quan của Chính phủ, hoặc bởi một tổ chức lãnh đạo (hội đồng, ban...) mà phần lớn các thành viên của tổ chức đó được Nhà nước bổ nhiệm hoặc được cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của nhà trường tín nhiệm bình bầu ra.

- Trường tư là trường “được kiểm soát và quản lý bởi một tổ chức phi chính phủ (ví dụ như công ty hoặc doanh nghiệp) mà ở đó, phần lớn các thành viên của ban lãnh đạo do các tổ chức tư bổ nhiệm”. Như vậy, theo OECD, sự khác biệt giữa trường công và trường tư là chủ thể quản lý và cơ chế quản lý khác nhau; từ đó, dẫn đến cơ chế hình thành đội ngũ quản lý khác nhau.

Ở Việt Nam, quan niệm về trường công và trường tư được thể hiện trong Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) năm 2012. Khoản 2, tiết a và b, Điều 7, chương I của Luật này nêu rõ: “Cơ sở GDĐH công lập thuộc sở hữu nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất”; “Cơ sở GDĐH tư thục thuộc sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất.”

Như vậy, với Việt Nam, sự khác biệt giữa trường công và trường tư là chủ sở hữu; từ đó định hướng chính sách của Việt Nam là phân biệt rõ trường tư vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận. Điều này cho thấy, quan niệm của thế giới về phân biệt trường công và trường tư chủ yếu dựa vào cấu trúc quản trị; trong khi, quan niệm của Việt Nam dựa chủ yếu vào quyền sở hữu. Đây là khác biệt khá lớn của nền giáo dục Việt Nam so với thế giới.

Thực trạng phát triển đại học tư thục ở Việt Nam

Khung khổ pháp lý cho việc phát triển các trường đại học tư thục

Tại Việt Nam, việc phát triển các trường đại học tư thục có những điều kiện phát triển hơn khi gắn với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, năm 1988, Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề đã có Quyết định số 1687/KH-TV ngày 15/12/1988 thí điểm triển khai mô hình đại học tư thục tại Trường Đại học Thăng Long. Tiếp theo, năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 240/1993/QĐ-TTg về Quy chế đại học tư thục. Trong đó quy định: Sở hữu là tư nhân (cổ phần của các chủ đầu tư); quản trị dựa vào nhà đầu tư (2/3 Hội đồng Quản trị (HĐQT) là nhà đầu tư); HĐQT được tự chủ toàn diện về tổ chức và tài chính... Tuy nhiên, tại thời điểm đó xã hội vẫn chưa quen với việc tư nhân đầu tư vào giáo dục, nên Quyết định này chưa được quan tâm áp dụng. Quyết định số 196/1994/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ban hành “Quy chế tạm thời Đại học dân lập (ĐHDL)” cũng có nội dung chính tương tự Quyết định số 240/1993/QĐ-TTg. Sự khác biệt chính là thay cụm từ “tư thục” bằng cụm từ “dân lập”. Để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển GDĐH ngoài công lập, ngày 21/8/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/1997/NQ-CP về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao. Nghị quyết số 90/1997/NQ-CP đưa ra chủ trương: “Củng cố các trường  ĐHDL hiện có, cho phép lập thêm trường  ĐHDL ở một số địa phương có nhu cầu và khả năng quản lý… Cho phép một số trường đại học hoặc các tổ chức giáo dục nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài được mở trường tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam. Cho phép các trường đại học trong nước mời giáo viên nước ngoài, giáo viên là người Việt Nam sống ở nước ngoài vào giảng dạy.”

Năm 1998, Quốc hội ban hành Luật Giáo dục, và sau đó để hướng dẫn Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30/8/2000. Đây là những văn bản chính sách quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các trường đại học tư thục phát triển. Để hướng dẫn việc tổ chức và hoạt động cho các trường ĐHDL, ngày 18/7/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg kèm theo Quy chế trường  ĐHDL. Theo Luật Giáo dục 1998 và Nghị định số 73/1999/NĐ-CP thì hệ thống GDĐH bao gồm 4 loại hình: công lập, bán công, dân lập và tư thục. Cụ thể, Điều 13 Nghị định số 43/2000 của Chính phủ quy định các loại hình cơ sở giáo dục chi tiết tại Điều 44 của Luật Giáo dục được xác định như sau:

- Cơ sở giáo dục công lập: Do Nhà nước thành lập, bổ nhiệm cán bộ quản lý và giao chỉ tiêu biên chế; Nhà nước quản lý, đầu tư về cơ sở vật chất, cấp kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.

- Cơ sở giáo dục bán công: Do Nhà nước thành lập trên cơ sở huy động các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế cùng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

- Cơ sở giáo dục dân lập: Do các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, kinh tế xin phép thành lập và tự đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

- Cơ sở giáo dục tư thục: Do cá nhân hay một nhóm cá nhân xin phép thành lập và tự đầu tư.

Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg ban hành Quy chế Trường  ĐHDL về việc quy định Quy chế trường  ĐHDL. Quy chế này cơ bản giống Quyết định số 196/1993/QĐ-TTg nhưng có điểm mới là: Trường ĐHDL phải do “tổ chức” đứng ra xin thành lập; tài sản ĐHDL thuộc sở hữu tập thể; thành phần HĐQT là cộng đồng hẹp.

Năm 2005, khung khổ pháp lý cho việc phát triển các trường đại học tư thục tiếp tục có bước phát triển hơn khi Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục được ban hành tại Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17/1/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này đã quy định chi tiết việc tổ chức và hoạt động của các trường đại học tư thục. Tuy nhiên, với những quy định hiện hành ở giai đoạn này thì GDĐH chỉ tồn tại 2 loại hình trường công lập và tư thục. Do đó, ngày 29/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chuyển đổi 19 trường  ĐHDL sang loại hình đại học tư thục.

Từ năm 2009 cho đến nay, khung khổ pháp lý cho việc phát triển các trường đại học tư thục có bước phát triển hơn so với giai đoạn trước khi có nhiều chính sách quan trọng liên quan đến nguyên tắc, cơ chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục. Các chính sách này đã thiết lập những cơ chế để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các đối tượng tham gia vào quá trình phát triển các trường đại học tư thục, qua đó giúp cho hệ thống trường đại học tư thục dần dần đi vào hoạt động ổn định và phát triển.

Cụ thể, Quyết định số 07/2009/QĐ-TTg ngày 15/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện thành lập và cho phép thành lập, chia tách, giải thể, đình chỉ hoạt động các cơ sở GDĐH đã được thay thế bằng Quyết định số 64/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 với những quy định tăng dần vốn điều lệ và giảm yêu cầu về đất. Vốn điều lệ thành lập trường đại học tư thục từ mức 15 tỷ đồng lên mức 50 tỷ đồng và hiện nay là 250 tỷ đồng, trong khi diện tích đất giảm từ 15 ha xuống còn tối thiểu 5 ha. Tiếp đó, Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục” thay cho Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg. Về nội dung không có nhiều thay đổi, duy nhất nội dung quy định một số hoạt động của đại học tư thục được lấy theo mô hình công ty cổ phần; quy định điều kiện họp Đại hội đồng cổ đông và nguyên tắc thông qua nội dung họp là “đối vốn”; quy định cổ đông được “chuyển nhượng quyền sở hữu và rút vốn”… Trong quy chế này đã đưa ra khái niệm sở hữu chung và tài sản tăng thêm nhờ kết quả hoạt động của trường thuộc sở hữu chung.

Cả nước hiện có khoảng 60 trường đại học tư thục, chiếm 25,5% tổng số trường đại học trên cả nước, phân bố ở 29/63 tỉnh/thành. Số liệu báo cáo của 43 trường đại học tư thục cho thấy, khoảng 77% số trường có thu vượt chi, nộp ngân sách nhà nước 111 tỷ đồng; tỷ lệ tổng lợi nhuận trên tổng chi đạt đến 143%...

Năm 2011, Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục. Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg có những điểm mới là: (i) Đại hội đồng cổ đông có quyền quyết định cao nhất; (ii) Sở hữu chung hợp nhất bao gồm: Quà biếu tặng và kết quả hoạt động của ĐHDL chuyển sang đại học tư thục (nếu có) là tài sản chung hợp nhất không phân chia, còn tài sản tăng lên nhờ kết quả hoạt động của trường đại học tư thục thuộc sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Như vậy, văn bản này đã quy định cụ thể hơn về cơ chế tài chính, sở hữu tài sản của trường đại học tư thục, trong đó, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009 đều khẳng định “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”. Đặc biệt, năm 2012, Luật GDĐH ra đời, quy định ba nhóm nội dung tác động mạnh đến đại học tư thục, cụ thể:

Một là, đại học tư thục được coi là “hoạt động không vì lợi nhuận” nếu “các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ”.

Hai là, dành ít nhất 25% chênh lệch thu, chi để tái đầu tư, tài sản này “là tài sản chung không chia”.

Ba là, thành phần HĐQT đã có sự thay đổi so với những quy định tại Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg khi có các thành phần đương nhiên như hiệu trưởng, cơ quan quản lý địa phương, tổ chức đảng đoàn, đại diện giảng viên.

Bên cạnh đó, một điểm mới nữa trong chính sách phát triển các trường đại học tư thục ở Việt Nam là các văn bản ban hành sau này đều nhấn mạnh đến yếu tố “phi lợi nhuận” trong hoạt động giáo dục nên mang tính nhân văn cao. Cụ thể, Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GDĐH cũng nêu rõ: Cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở GDĐH mà phần lợi nhuận tích lũy hàng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở GDĐH; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ (Khoản 7- Điều 4). Do đó, các trường đại học tư thục hay đại học ngoài công lập, đặc biệt là HĐQT phải xem đây là nguyên tắc cơ bản để tổ chức và quản lý các hoạt động của cơ sở mình.

Tại Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg về việc ban hành Điều lệ trường đại học, áp dụng với các đại học tư thục cũng quy định rõ tại mục 4 “Tổ chức quản lý của trường đại học tư thục không vì lợi nhuận”. Theo đó, tài sản nhà trường là sở hữu tập thể, các thành viên làm việc trong nhà trường và nhà đầu tư ngang quyền.

Tình hình phát triển các trường đại học tư thục tại Việt Nam

Nếu như năm 1987 cả nước mới chỉ có 63 trường đại học và chưa có một trường đại học tư thục nào thì đến năm 1988 đã có trường  ĐHDL đầu tiên khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép thí điểm xây dựng Trung tâm ĐHDL Thăng Long (hiện nay là Đại học Thăng Long) ở Hà Nội. Từ đó đến nay, hành lang pháp lý cho các trường đại học tư thục đã được tạo lập nhiều hơn, các trường đại học tư thục cũng có một vị trí nhất định trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Từ một trường đại học ngoài công lập đến năm 1997 cả nước đã có 15 trường đại học ngoài công lập và đến tháng 9/2009 tăng lên 44 trường, chiếm tỷ lệ 29,3% trong tổng số 150 trường đại học trên cả nước.

Hiện nay, các trường đại học tư thục có khoảng 60 trường, chiếm 25,5% tổng số trường đại học trên cả nước, phân bố ở 29/63 tỉnh/thành. Trong đó, nhóm 1 gồm những thành phố lớn tập trung nhiều trường đại học tư thục là Hà Nội 13 trường, TP. Hồ Chí Minh 12 trường; Nhóm 2 - những tỉnh, thành phố có từ 2 đến 4 trường là: Đà Nẵng 4 trường, Đồng Nai 3 trường, Bình Dương 3 trường, Bắc Ninh 3 trường, Cần Thơ 2 trường, TP. Vinh 2 trường, Long An 2 trường; Nhóm 3, những tỉnh, thành phố chỉ có 1 trường là: Hậu Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận, Đăk Lắk, Đà Lạt, Nha Trang, Bình Định, Quảng Nam, Huế, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Quy mô đào tạo của các đại học tư thục là hơn 253 nghìn sinh viên (chiếm 13,16% sinh viên đại học trên cả nước), đội ngũ giảng viên là 20.500 người. Đến nay, nhiều trường đại học tư thục đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, trong đó một số trường đã xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ: Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học FPT... Theo Phạm Thị Huyền (2016), thống kê từ 45 trường cho biết: Tổng số phòng học lên tới 94.088, với tổng diện tích sàn là 8.598.868 m2, 43 trường có phòng thí nghiệm, 45 trường có xưởng thực hành. Giá trị đầu tư trung bình của một trường cho hệ thống phòng thí nghiệm là 8,6 tỷ đồng, cho xưởng thực hành là 6,5 tỷ đồng. Số liệu báo cáo của 43 trường đại học tư thục cho thấy khoảng 77% số trường có thu vượt chi, nộp ngân sách nhà nước 111 tỷ đồng. Tỷ lệ tổng lợi nhuận trên tổng chi đạt đến 143%...

Những hạn chế nhìn từ khung khổ pháp lý

Mặc dù các trường đại học tư thục ở Việt Nam đã có sự gia tăng về số lượng và chất lượng so với giai đoạn trước, nhưng việc phát triển các trường đại học tư thục ở Việt Nam vẫn còn bị giới hạn bởi khung khổ pháp lý, cụ thể:

Thứ nhất, chưa có những chỉ tiêu cụ thể để thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục.

Khung khổ pháp lý cho các trường đại học đều hướng đến mục tiêu chung “Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và GDĐH. Hướng tới có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư và bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ”. Tiến tới bình đẳng về quyền được nhận hỗ trợ của Nhà nước đối với người học ở trường công lập và trường ngoài công lập”.

Quy mô đào tạo của các đại học tư thục là hơn 253 nghìn sinh viên (chiếm 13,16% sinh viên đại học trên cả nước), đội ngũ giảng viên là 20.500 người. Nhiều trường đại học tư thục đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, một số trường đã xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế như: Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học FPT...

Tuy nhiên, các chủ trương này cần được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu chẳng hạn việc “ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận. Bên cạnh đó, ưu tiên cho phép thành lập cơ sở GDĐH tư thục có vốn đầu tư lớn” là một trong tám chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH. Tuy nhiên, trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 cũng như trong Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học giai đoạn 2006-2020 lại không nêu ra bất kỳ chỉ tiêu nào liên quan đến định hướng phát triển GDĐH tư thục. Mặc dù, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã có quy định “Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và GDĐH”, nhưng cụ thể tỷ lệ tăng là bao nhiêu, lộ trình tăng số trường ở các địa phương như thế nào chưa thực sự rõ ràng.

Thứ hai, cơ chế, chính sách vẫn còn thiếu bình đẳng giữa các trường đại học công lập và trường đại học tư thục.

Các trường đại học công lập và trường đại học tư thục đều làm nhiệm vụ như nhau. Tuy vậy, trường đại học công lập được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên. Trong khi đó, trường đại học tư thục không những không được quyền lợi như đại học công lập mà những quy định về “khuyến khích xã hội hóa đối với giáo dục” tại các nghị định của Chính phủ còn bộc lộ không ít sự không bình đẳng và thiếu khả thi, tạo nên gánh nặng trên vai sinh viên đại học tư thục...

Bên cạnh đó, quan hệ đối tác công – tư thể hiện tác động qua lại giữa Nhà nước và thị trường, trong đó khu vực công và khu vực tư là các đối tác bình đẳng với nhau trong phát triển GDĐH. Vì thế, quan hệ công - tư không chỉ giới hạn ở việc xây dựng và phát triển các cơ sở GDĐH tư thục mà còn bao gồm việc khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục đổi mới cơ chế hoạt động để tăng các khoản thu ngoài ngân sách.

Thứ ba, thiếu chính sách và những quy định cụ thể hóa, quán triệt quyền tài sản ở các trường đại học tư thục.

Việc đầu tư vào đại học tư thục rất đa dạng. Một số trường đại học tư thục có chủ thể góp vốn chỉ là một công ty hay một gia đình (tương tự công ty TNHH một thành viên), một số trường hợp được đầu tư bởi một số thành viên góp vốn (tương tự công ty THHH hai thành viên trở lên). Trong khi đó, mô hình quản trị đại học tư thục đang là “cái bóng” của công ty cổ phần. Điều này khiến chủ đầu tư phải “biến hóa” để nắm giữ quyền quản trị, đem đến nhiều hệ lụy phức tạp. Điều 4, khoản 7 Luật GDĐH năm 2012 quy định: “Cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở GDĐH mà phần lợi nhuận tích lũy hàng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở GDĐH; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ”. Thế nhưng, thực tế Nhà nước chưa có khoản tín dụng nào ưu đãi đại học tư thục. Vì thế, Nhà trường phải huy động vốn theo thỏa thuận cao hơn “lãi suất trái phiếu chính phủ” và hạch toán lãi suất vào chi phí. Hơn nữa, nhà đầu tư cũng phải tìm đủ cách để cổ tức “không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ”. Kết quả là, chưa ai xác định được cơ sở đại học nào là "không vì lợi nhuận", do không ít nhà đầu tư tự nhận cơ sở đại học do mình đầu tư là “không vì lợi nhuận”.

Một số khuyến nghị

Để các trường đại học tư thục ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong nền giáo dục Việt Nam, Nhà nước cần tiếp tục tạo lập khuôn khổ pháp lý nhằm tạo ra những tiền đề cần thiết cho một nền GDĐH có chất lượng. Trong thời gian tới, việc cải cách thể chế cho GDĐH tư cần tập trung giải quyết một số vấn đề trọng tâm sau:

Một là, cần xây dựng bộ tiêu chí với những chỉ tiêu cụ thể về đất đai, cở sở vật chất, thuế, tín dụng, đào tạo, cán bộ… để đưa được chủ trương xã hội hóa giáo dục đi vào cuộc sống. Tạo lập cơ chế để khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài phát triển những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thay đổi chương trình học phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Hai là, xây dựng môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng giữa các trường đại học công lập và trường đại học tư thục. Hệ thống pháp luật cần đồng bộ, cụ thể để các chủ thể tham gia vào hoạt động giáo dục hiểu rõ mình được làm gì, không được làm gì, nếu vi phạm các quy định sẽ bị các chế tài pháp luật xử lý như thế nào. Tạo lập cơ chế để các trường đại học tư thục, các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu liên kết được với nhau trong các khâu của quá trình đào tạo để đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc chuyển giao các kết quả khoa học và công nghệ.

Ba là, Nhà nước cần ban hành các văn bản dưới luật để cụ thể hóa, quán triệt quyền tài sản ở các trường đại học tư thục, trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các trường đại học tư thục. Tạo lập khung khổ pháp lý để khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Mở rộng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường đại học tư thục. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần nâng cao vai trò của mình trên các phương diện sau: Thiết lập cơ chế để giám sát sự phát triển của GDĐH; Xây dựng môi trường pháp lý để bảo đảm trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH; Bảo đảm sự công bằng trong GDĐH, gắn chất lượng GDĐH với đầu tư ngân sách; Tăng cường sự tham gia của cộng đồng xã hội vào giám sát và đánh giá chất lượng GDĐH.

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2012), Luật Giáo dục đại học 2012;
2. Thủ tướng Chính phủ (1993), Quyết định số 240/1993/QĐ-Ttg về Quy chế đại học tư thục;
3. Thủ tướng Chính phủ (2000), Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg về Quy chế trường đại học dân lập;
4. Thủ tướng Chính phủ (2001), Quyết định số 63/2001/QĐ-TTg 10/11/2011 sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục;
5. Thủ tướng Chính phủ (2004), Công văn số 231/CP-KG về việc thí điểm loại hình trường đại học tư thục;
6. Thủ tướng Chính phủ (2005), Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục;
7. Thủ tướng Chính phủ (2006), Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg, Chuyển loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục;
8. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục;
9. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), Báo cáo số 760/BC-BGDĐT ngày 29/10/2009 về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo;
10. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Thông tư số 20/2010/TT-BGDĐT và Thông tư số 45/2014/TT-BGDĐT ngày 17/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chuyển loại hình trường Đại học dân lập sang đại học tư thục;
11. Phạm Thị Huyền và đồng nghiệp (2017), Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu các trường đại học ngoài công lập;
12. Trần Phương (2011), Mô hình tư thục của Trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, NXB Khoa học kỹ thuật;
13. OECD (2011), L’enseignement supérieur à l’horizon 2030- Volume 2: Mondalisation, La recherché et l’innovation dans l’enseignement, Éditon OCDE.