Vai trò của liên kết đào tạo giữa các trường đại học với doanh nghiệp


Nhằm hạn chế tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm không đúng nghề đã được đào tạo, đã có nhiều công trình, giải pháp được đưa ra để góp phần giải quyết thực trạng này, trong đó có các công trình nghiên cứu đề cập tới hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghiên cứu về vai trò của việc liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp, bài viết mong muốn làm sáng tỏ thêm ảnh hưởng từ hoạt động hợp tác này tới chất lượng đào tạo cử nhân, góp phần đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn, của doanh nghiệp cũng như thị trường lao động.

Khái niệm về chất lượng đào tạo

Chất lượng đào tạo là một khái niệm mang tính tương đối, với mỗi đối tượng tham gia vào quá trình đào tạo và sử dụng lao động khác nhau lại có quan niệm về chất lượng khác nhau. Ở mỗi vị trí, nhìn nhận về chất lượng đào tạo trình độ đại học với khía cạnh khác nhau. Các sinh viên, nhà tuyển dụng, giảng viên, Chính phủ, các nhà chuyên môn đều có định nghĩa riêng, khái niệm riêng về chất lượng đào tạo đại học. Theo Tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học quốc tế, chất lượng đào tạo đại học là việc tuân theo các quy định và đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Chất lượng đào tạo có thể hiểu là kết quả của quá trình đào tạo được phản ánh ở các đặc trưng về phẩm chất, giá trị nhân cách và giá trị sức lao động hay năng lực hành nghề của người tốt nghiệp tương ứng với mục tiêu, chương trình đào tạo theo các ngành, nghề cụ thể (Trần Khánh Đức, 2010).

Bảng 1: Thang đo hoạt động hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

Chỉ báo

HTDN 1

Mời các nhà quản lý doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình

HTDN 2

Mời các nhà quản trị doanh nghiệp tham gia thẩm định chương trình đào tạo

HTDN 3

Mời các chuyên gia làm việc tại Doanh nghiệp Giảng dạy

HTDN 4

Kêt hợp với doanh nghiệp bố trí nơi thực tập cho sinh viên

HTDN 5

Kết hợp với doanh nghiệp bố trí việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp

 

Trong những thập kỷ gần đây, có nhiều tác giả tiếp cận chất lượng đào tạo đại học thông qua khách hàng, cách tiếp cận này làm thay đổi quan điểm về chất lượng đào tạo đại học (Ellis, 1993). Trước đây, theo cách tiếp cận truyền thống, chất lượng đào tạo đại học được thiết lập bởi các trường đại học hay các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục.

Nhiệm vụ của các trường đại học là quản lý theo kế hoạch nhằm đảm bảo sản phẩm đào tạo đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng đã thiết kế mà không lưu tâm đến nhu cầu của khách hàng, không tiến hành đánh giá, lấy ý kiến phản hồi của khách hàng về chất lượng sản phẩm đào tạo. Đây là cách tiếp cận chưa toàn diện, bởi vì khách hàng không chỉ đơn thuần mong chờ họ sẽ được cung ứng cái gì, mà họ còn mong muốn được cung ứng như thế nào.

Vai trò của liên kết đào tạo giữa các trường đại học với doanh nghiệp - Ảnh 1

Do đó, chất lượng đào tạo đại học cần được đề cập với cách tiếp cận mới toàn diện và phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển đào tạo trình độ đại học hiện nay, đó chính là cách tiếp cận chất lượng thông qua khách hàng. Cách tiếp cận chất lượng đào tạo thông qua khách hàng thể hiện khái niệm chất lượng đào tạo trong đó vấn đề đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của sinh viên và người sử dụng được ưu tiên hàng đầu.

Từ quan điểm giáo dục đại học là một loại hình dịch vụ, trường đại học là nơi cung cấp dịch vụ đào tạo, người sử dụng dịch vụ đào tạo là sinh viên, sản phẩm của dịch vụ đào tạo là các cử nhân, kỹ sư, do đó chất lượng đào tạo đại học là khối lượng các kiến thức, các kỹ năng sinh viên thu nhận được trong quá trình học tập tại trường, là khả năng tự tin tìm việc làm hoặc tự tạo ra việc làm, có kỹ năng tự học, tự nghiên cứu sáng tạo, có khả năng làm việc nhóm, có kỹ năng giao tiếp tốt, biết xử lý thông tin và giải quyết tốt những vấn đề phát sinh.

Thực trạng liên kết đào tạo giữa đại học với doanh nghiệp

Tại các nước phát triển, hoạt động hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp được đăc biệt chú ý, nổi bật nhất như Cộng hòa Liên bang Đức mô hình đào tạo kép - Vừa học trong nhà trường và thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp khá phát triển. Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp còn có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức khác như: mời chuyên gia trong các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tham gia thẩm định chương trình đào tạo, giảng dạy một số học phân, một số chuyên để sát với thực tế tại doanh nghiệp; nhà trường kết hợp với doanh nghiệp để bố trí nơi thực tập cho sinh viên và bố trí việc làm cho các cử nhân, kỹ sư mới ra trường.

Bảng 2: kiểm tra Cronbach’s Alpha của thang đo

Item-Total Statistics

 

Scale Mean if Item Deleted

Scale Variance if Item Deleted

Corrected Item-Total Correlation

Cronbach's Alpha if Item Deleted

HTDN1

13.92

3.399

.662

.559

HTDN2

13.60

3.811

.491

.637

HTDN3

13.68

3.194

.482

.727

HTDN4

13.32

3.707

.494

.635

HTND5

14.12

3.323

.484

.679

 

Để đánh giá mức độ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam, nghiên cứu sử dụng thang đo 5 biến, cụ thể, bảng hỏi được thiết kế theo thang likert 5 cấp độ: (1) Hoàn toàn không đồng ý; (2) Không đồng ý; (3) Bình thường/trung lập; (4) Đồng ý; (5) Hoàn toàn đồng ý. Số liệu phân tích được lấy thông qua sử dụng bảng hỏi cán bộ quản lý đào tạo tại 25 trường đại học đại diện cho 3 miền (Bắc, Trung, Nam). Mỗi trường phát 3 bảng hỏi cho cán bộ phòng đào tạo, phân bố mẫu tại các trường đại diện cho vùng miền (Hình 1).

 

Vai trò của liên kết đào tạo giữa các trường đại học với doanh nghiệp - Ảnh 2

Cronbach’s Alpha của thang đo là 0.70, các hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát trong thang đo đều lớn hơn 0.4 và không có trường hợp loại bỏ biến quan sát nào có thể làm cho Cronbach’s Alpha của thang đo này lớn hơn 0.70 (bảng 2). Vì vậy, tất cả các biến quan sát đều được chấp nhận và sẽ được sử dụng trong phân tích nhân tố tiếp theo.

Từ phương pháp phân tích thống kê mô tả nghiên cứu cho thấy, hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học tại Việt Nam còn khá hạn chế, trong đó việc kết hợp với doanh nghiệp để bố trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp còn tồn tại những hạn chế nhất định. Những trường đã có sự liên kết, kết hợp với doanh nghiệp cũng chỉ mới bố trí được nơi thực tập cho sinh viên, hoạt động mời chuyên gia doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình và giảng dạy còn rất hạn chế (Hình 2).

Tác động từ sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường tới chất lượng đào tạo

Để có thể so sánh, đánh giá tình hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, bài viết sử dụng bảng hỏi tương tự như bảng hỏi dành cho cán bộ đào tạo, dữ liêu được khảo sát tại 8 trường đại học đại diện cho 3 miền (Bắc, Trung, Nam) và có phân bố mẫu thể hiện tại hình 3, tổng số mẫu thu được và đạt tiêu chuẩn để phần tích là 966 quan sát.

Sử dụng phương pháp phân tích thống kê miêu tả nghiên cứu nhận thấy, sinh viên có đánh giá tương tự như cán bộ đào tạo tại một số trường cung cấp thông tin, cụ thể: Hầu hết các trường mới triển khai tới công đoạn giới thiệu sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp; việc mời chuyên gia tham gia xây dựng chương trình và giảng dạy chưa được các sinh viên đánh giá tích cực, đánh giá tiêu cực nhất là hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong bố trí việc làm cho các cử nhân, kỹ sư mới tốt nghiệp (Hình 4).

Từ kết quả phân tích có thể khẳng định, thời gian tới, các trường đại học Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo nhằm gắn kiến thức giảng dạy trong nhà trường gần hơn với tình hình thực tế, qua đó giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể thích nghi kịp thời với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, các trường đại học ở Việt Nam cần tích cực mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy một số học phần, một số chuyên đề sát với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là cần đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lưu Tiến Dũng (2015), Chất lượng giáo dục và đào tạo đại học khối ngành kinh tế - kinh doanh ở Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp;
  2. Nguyễn Ngọc Huyền (2009), Nhận diện chất lượng giáo dục/đào tạo theo quan điểm của bộ ISO 9000, Tạp chí Kinh tế phát triển, số 3/2009, tr.60-83;
  3. Phan Đình Nguyên (2013), Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh - Số 1 (29);
  4. Trần Quốc Toản và Nguyễn Kim Dung (2011), Giáo dục Việt Nam trong cơ chế thị trường, bài viết cho hội thảo về Giáo dục Việt Nam do Viện Khoa học Giáo dục tổ chức tại Hải Phòng ngày 24/03/2011;
  5. Trần Khánh Đức (2010), Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, NXB Giáo dục, Hà Nội;
  6. Cheng, Y. C. And W. M. Tam (1997), Multi-Models of Quality in Education, Assurance in Education, 5, 22-31;
  7. Cheng,Y.C (2003), Quanlity assurance in education: Internal, Interface and future, Quality Assurance in Education, Vol. 11 Iss: 4, pp.202-203;
  8. Edward Sallis (1993), Total Quality Management in Education, Kogan Page Educational Management Series, Philadelphia – London;
  9. Ellis (1993), Quanlity assurance for university teaching: Isues and approaches, Quality Assurance for University Teaching, London: Open University, 19(4), pp.126-187;
  10. Kwek, Lau & Tan (2010), Education Quality Process Model and Its Influence on Students Perceived service Quality, International Journal of Business and Management Vol. 5, No. 8; August 2010;
  11. Young MR, Klemz BR & Murphy JW (2003), Enhancing learning outcomes: The effects of instructional technology, learning styles, instructional methods, and student behavior, Journal of Marketing Education, 25(2), 130-42.