Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Ngành Tài chính giúp khơi thông các nguồn lực quốc gia”
“Tập trung tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tài chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, chủ động hội nhập với khu vực và thế giới; tích cực tham gia thực hiện ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành Tài chính và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực” - đó là đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh về ngành Tài chính nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam.
Phóng viên: Xin Phó Thủ tướng cho biết những đánh giá về sự đóng góp của ngành Tài chính đối với đất nước trong chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Nhìn lại chặng đường 70 năm qua của ngành Tài chính, các thế hệ cán bộ, người lao động ngành Tài chính luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.
Trong thời kỳ đầu Cách mạng tháng Tám 1945 và Kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành Tài chính đã tích cực triển khai cải cách hệ thống thuế, bãi bỏ các thứ thuế bất hợp lý, đồng thời huy động các nguồn lực khác đáp ứng nhu cầu chi tiêu khẩn cấp và quan trọng, góp phần bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng mới thành lập với ngân khố gần như trống rỗng.
Trong giai đoạn xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ngành Tài chính đã thực hành tiết kiệm đi đôi với thực hiện cân bằng thu chi bảo đảm ngân sách cho hoạt động của Nhà nước và phục vụ chi viện cho miền Nam. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước, ngành Tài chính đã thành công trong việc bảo đảm nguồn lực khôi phục kinh tế đất nước do bị chiến tranh tàn phá nặng nề, các hình thức thuế và thu quốc doanh đã dần được thống nhất phục vụ cải tạo XHCN ở miền Bắc và xây dựng CNXH ở cả hai miền.
Giai đoạn đổi mới, ngành Tài chính đã có những thay đổi phù hợp với chuyển đổi nền kinh tế của đất nước. Những đột phá trong cải cách chính sách thuế, phí, lệ phí và giá đã thúc đẩy sự cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó góp phần tăng thu nhanh cho ngân sách nhà nước.
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, ngành Tài chính đã tập trung tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tài chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, chủ động hội nhập với khu vực và thế giới. Hệ thống thuế mới, hiện đại từng bước được hoàn thiện như: Luật thuế Thu nhập cá nhân, Luật thuế Giá trị gia tăng; Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp; Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu...
Các luật, pháp lệnh về thuế, phí được sửa đổi, bổ sung phù hợp với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế, theo hướng minh bạch, đơn giản, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế. Các loại hình thị trường tài chính, thị trường vốn và dịch vụ tài chính được hình thành, phát triển đồng bộ, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ngành Tài chính tích cực tham gia thực hiện ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành Tài chính và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, với nhiều nỗ lực hiện đại hóa, ngành Tài chính đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạch định chính sách và thực thi các nghiệp vụ chuyên môn, góp phần hướng đến xây dựng một nền Tài chính điện tử hiện đại.
Thời gian qua, ngành Tài chính đang tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, xin Phó Thủ tướng đánh giá về hoạt động này của ngành Tài chính?
Cải cách hành chính, trong đó cải cách thủ tục hành chính luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong thời gian qua, ngành Tài chính đã nỗ lực trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan để tiến tới ngang bằng với các nước ASEAN-4. Từ chỗ thời gian kê khai, nộp thuế là 872 giờ (gồm cả 335 giờ cho bảo hiểm xã hội) năm 2012, đến nay thời gian kê khai, nộp thuế chỉ còn 117 giờ, vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 19/2015/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra.
Ngành Tài chính phấn đấu trong năm 2015 số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95% và số doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt hơn 90%. Có thể khẳng định rằng những cải cách thủ tục hành chính của ngành Tài chính trong thời gian gần đây đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, tiết kiệm thời gian, tiền bạc rất lớn khi phải thực hiện những công việc này. Công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành Tài chính còn giúp khơi thông các nguồn lực tài chính quốc gia, bảo đảm thực hiện tốt đường lối phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân để phát triển sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành Tài chính cũng là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia.
Tôi đánh giá cao quyết tâm của ngành Tài chính đã và đang xây dựng một nền Tài chính chính quy, hiện đại, minh bạch và hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của đất nước, cho sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân và cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, ngành Tài chính cần phải tập trung vào những việc gì để cùng với Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao, thưa Phó Thủ tướng?
Tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, thời gian tới, ngành Tài chính cần tập trung nghiên cứu xây dựng và hoàn thành đúng thời hạn với chất lượng tốt các đề án, chính sách thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ được phân công. Hoàn thành chương trình cải cách thuế theo hướng hiện đại, hội nhập, đảm bảo nguồn thu ổn định, vững chắc cho ngân sách nhà nước, đảm bảo yêu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Duy trì nợ công trong giới hạn an toàn, anh ninh tài chính quốc gia, quản lý nợ công chặt chẽ hiệu quả, từng bước giảm bội chi ngân sách nhà nước. Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp.
Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường bảo hiểm; triển khai đồng bộ các đề án tái cấu trúc và phát triển TTCK và các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, minh bạch và an toàn. Tiếp tục triển khai, hoàn thành việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt; khẩn trương triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đẩy nhanh tiến độ đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tạo bước đột phá trong tạo nguồn cải cách tiền lương của khu vực.
Bên cạnh những nhiệm vụ đó, ngành Tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa gắn với cải cách thủ tục hành chính đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan để phù hợp với việc hội nhập quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!