Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa - tiền tệ, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng

PV.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Tính đến hết tháng 9/2017, xuất khẩu tăng 20%. Nguồn: internet
Tính đến hết tháng 9/2017, xuất khẩu tăng 20%. Nguồn: internet

Sáng 23/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017.

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 khẳng định, trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Cụ thể, giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Đã thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế tại tất cả các địa phương. Tín dụng 9 tháng tăng 12%, chất lượng được nâng lên; Thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5-1%...

Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định; Đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Thời gian qua, ngành Tài chính cũng đã tập trung chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), chuyển giá, giảm nợ đọng thuế. Tính đến ngày 30/9/2017, đã đôn đốc thu nợ được 35.944 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 73,7% số tiền thuế nợ tại thời điểm ngày 31/12/2016 chuyển sang năm 2017, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016. Số truy thu thuế từ chống chuyển giá năm 2017 ước đạt khoảng 15 - 16 nghìn tỷ đồng.

Tăng cường kiểm soát, triệt để tiết kiệm chi; ước cả năm tổng thu NSNN tăng 2,3% so với dự toán và tăng 10,1% so với năm 2016; Bội chi 3,5% GDP, bằng mức Quốc hội thông qua. Kỷ luật tài chính - NSNN được tăng cường; Từng bước chấn chỉnh sai phạm trong sử dụng tài sản công. Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm. Trong đó, dư nợ công khoảng 62,6%, nợ Chính phủ 51,8%, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP.

Vốn FDI đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trong 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%. Thị trường chứng khoán vượt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008 (ngày 20/10/2017 đạt 826,84 điểm); mức vốn hóa đạt trên 93% GDP. Trong đó, thị trường cổ phiếu là 61%, thị trường trái phiếu đạt 32%. Thời gian qua, sau một thời gian chuẩn bị, thị trường chứng khoán phái sinh cũng đã được chính thức khai trương. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm khoảng 33,4% GDP, tăng 12,6%...

Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu tăng 20%, trong đó rau quả tăng 43,4%, hạt điều tăng 25,6%, thủy sản tăng 19,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 41,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 29,7%; điện thoại và linh kiện tăng 23,6%. Nhập khẩu tăng 22,7%; xuất siêu 328 triệu USD...

Trong 9 tháng có gần 94 nghìn DN thành lập mới, tăng 15,4%; Tổng vốn đăng ký tăng 43,5%; có trên 21 nghìn DN hoạt động trở lại. Tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 2,1 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Theo Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh quý III, quý IV/2017 của Tổng cục Thống kê, phần lớn DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới  xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2017 - 2018 tăng 5 bậc, lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, ưu tiên các dự án, công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế. Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tổ chức thực hiện Phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và Đề án tổng thể cơ cấu lại DNNN đến năm 2020. Quyết liệt xử lý 12 dự án, DN yếu kém, thua lỗ, thất thoát và đạt được kết quả bước đầu...

Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, tăng cường hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản. Ban hành và triển khai nhiều Đề án cơ cấu lại các ngành công nghiệp, dịch vụ. Cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch tích cực; tăng cường liên kết, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng vùng...

Qua thực tiễn chỉ đạo điều hành 9 tháng đầu năm, việc đạt kết quả tăng trưởng khả quan cho thấy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả. Chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) năm 2017 ước đạt 44,1%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011 - 2015 (33,6%). Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41% ước cả năm đạt 6,7%. Trong đó, GDP quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%, quý III tăng 7,46%...

Tuy nhiên, báo cáo do Thủ tướng Chính phủ trình bày cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao. Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp. Nợ công cao; xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn; Cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đạt thấp. Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của DNNN chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở một số vùng, địa phương triển khai chậm, lúng túng, chưa gắn với thị trường...