Phòng, chống tham nhũng - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam
Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) được đánh giá là một trong những trụ cột trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) thông qua vai trò giám sát tài chính công và đảm bảo sự minh bạch, trách nhiệm giải trình ở lĩnh vực công. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng tham nhũng của từng quốc gia và mô hình, tổ chức hoạt động của các SAI mà mức độ, quan điểm PCTN của mỗi SAI có sự khác nhau.
Phòng, chống tham nhũng - sự khác biệt giữa các SAI
Các nước khu vực Bắc Âu có mức độ tham nhũng thấp nhất thế giới. Về mặt tổ chức, các SAI Bắc Âu áp dụng mô hình Westminter của Anh với chức năng kiểm toán tài chính và đánh giá hiệu quả (tương tự kiểm toán hoạt động). Đây là những yếu tố chi phối mức độ PCTN của các SAI thuộc khu vực này. Chẳng hạn, SAI Đan Mạch không có bộ phận chuyên trách PCTN do hoạt động của SAI nặng về kiểm toán tài chính, mà lĩnh vực này có lịch sử lâu đời về né tránh việc phát hiện tham nhũng.
Trong khi đó, SAI Na Uy có sự cân bằng giữa kiểm toán tài chính và đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực của chi tiêu công. Quốc hội cũng tạo sức ép buộc SAI Na Uy phải thực hiện nhiều hơn nữa công tác PCTN. Năm 2004, Luật Kiểm toán tối cao ra đời đã yêu cầu kiểm toán viên phải chủ động tìm kiếm và phát hiện tham nhũng. Còn tại Thụy Điển, SAI sẽ thực hiện các cuộc điều tra khi có nghi ngờ hoặc nhận được báo cáo về tham nhũng. Tuy nhiên, hoạt động điều tra không vượt quá mức độ điều tra của cơ quan công an hoặc công tố.
Tại các nước khu vực Nam Âu, tham nhũng được đánh giá ở mức trung bình trên thế giới. Các SAI ở khu vực này, điển hình là SAI: Tây Ban Nha và Italia có mô hình, tổ chức theo dạng Tòa án (Tòa thẩm kế) với nhân sự là thẩm phán và luật sư, ngoài chức năng kiểm toán còn có thêm chức năng xét xử. Điểm mạnh của mô hình này là khả năng phán quyết và chế tài trực tiếp, tuy nhiên, toàn bộ đánh giá của Tòa thẩm kế phải dựa trên cơ sở pháp luật, do đó vai trò kiểm toán bị thu hẹp.
Cụ thể, Tòa thẩm kế Italia không có xu hướng và nhân sự tận tâm để thực hiện công việc chống tham nhũng; chỉ được truy tố tham nhũng khi có hành vi phạm pháp gây thiệt hại cho tài chính công. Tuy nhiên, một số vụ tai tiếng về tham nhũng gần đây đã gây sức ép lên các cơ quan công quyền nói chung và Tòa thẩm kế nói riêng. Đồng thời, Luật số 190 năm 2012 ra đời cũng tạo thêm sức ép PCTN lên Tòa thẩm kế Italia.
Theo đó, thực thi Luật này, Ủy ban Chống tham nhũng được thành lập với nhiệm vụ phát hiện tham nhũng và chuyển bằng chứng sang các cơ quan có quyền xét xử, trong đó có Tòa thẩm kế. Còn tại Tây Ban Nha, tham nhũng được đánh giá là vấn đề lớn thứ hai trong xã hội, chỉ sau thất nghiệp. Trước tình hình đó, trong cuộc họp nội bộ của Tòa thẩm kế, nhiều đề xuất đưa ra liên quan đến việc mở rộng quyền hạn của kiểm toán viên và gia tăng nhân sự trong công tác PCTN.
Khác với 2 khu vực trên, mức độ tham nhũng ở châu Phi được đánh giá cao nhất thế giới. Điển hình, tại Uganda và Zambia, công tác PCTN đang được định hình về tổ chức và phương pháp. Vốn là thuộc địa của Anh, Uganda và Zambia đều tổ chức SAI theo mô hình Westminter. Các SAI châu Phi đã thành lập những đội điều tra tham nhũng. Nếu nghi ngờ tham nhũng, các SAI sẽ mở cuộc điều tra và có thể chuyển vụ việc sang cơ quan khác có chức năng điều tra, truy tố như: Ủy ban Chống tham nhũng, Ủy ban Bài trừ ma túy và cơ quan công an. Đơn cử, SAI Zambia từng chuyển rất nhiều hồ sơ tài liệu, bằng chứng sang Uỷ ban Chống tham nhũng.
Một đặc thù trong công tác PCTN tại các SAI châu Phi là sự tham gia của truyền thông. Tại đây, truyền thông là nguyên nhân buộc SAI phải mở cuộc điều tra khi các bê bối tham nhũng được phản ánh. Nhân sự của các SAI ở châu Phi chủ yếu được đào tạo từ kiểm toán tài chính nhưng họ vẫn tiến hành công tác PCTN. Điều này bắt nguồn từ tình trạng tham nhũng thường xuyên của các quốc gia tại khu vực châu Phi.
Bài học kinh nghiệm cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam
KTNN Việt Nam có thể nghiên cứu kinh nghiệm PCTN của các SAI trên thế giới để rút ra bài học:
Một là, đào tạo nhân sự và bố trí nội dung kiểm toán cần cân đối giữa kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động. Bởi, các tiếp cận của kiểm toán tài chính không thực sự đi sâu vào phát hiện tham nhũng. Trong khi đó, kiểm toán hoạt động lại giúp khắc phục hạn chế này với chương trình kiểm toán thiết kế riêng cho từng cuộc, nội dung và phạm vi kiểm toán thường hẹp và chuyên sâu hơn, do đó có nhiều cơ hội để phân tích và thu thập bằng chứng. Nếu được thiết kế tốt, kiểm toán hoạt động có cơ hội phát hiện bằng chứng tham nhũng cao hơn.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác có chức năng PCTN như: Thanh tra Chính phủ, công an, tòa án. Hoạt động tham nhũng thường được che giấu rất tinh vi và có tổ chức. Do đó, các cơ quan này cần hợp tác với nhau để trau dồi nghiệp vụ, tận dụng thế mạnh đặc thù của từng cơ quan, đồng thời trao đổi thông tin về dấu hiệu tham nhũng, từ đó nâng cao khả năng phát hiện và củng cố bằng chứng tham nhũng để có thể truy tố trước pháp luật.
Ba là, để nâng cao năng lực PCTN, KTNN Việt Nam cần tham khảo các chuẩn mực kiểm toán quốc tế có liên quan của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (ISSAI) như: ISSAI 5700 - Hướng dẫn phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan công quyền, trong đó giới thiệu về những cơ chế khác trong kiểm soát tham nhũng; ISSAI 1240 - Trách nhiệm của kiểm toán viên đối với gian lận, trong đó giới thiệu về mô hình điều tra của kiểm toán viên khi phát hiện gian lận.
Bốn là, trách nhiệm PCTN của KTNN đã được luật hóa tại Luật PCTN năm 2018 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Việc luật định trách nhiệm này của KTNN là phù hợp với xu hướng của thế giới. Nhằm cụ thể hóa trách nhiệm PCTN của KTNN, KTNN cần tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để sớm xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn.
Cuối cùng, KTNN có thể cân nhắc hợp tác, chia sẻ và sử dụng thông tin từ các phương tiện thông tin truyền thông.