Phòng ngừa bạo lực gia đình từ cộng đồng

Theo Lê Thụy Anh/nhandan.com.vn

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn nạn xã hội ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. BLGĐ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Vấn đề xã hội này thêm một lần nữa được khuyến cáo nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống BLGĐ, ban hành nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp đến vấn đề này, nhất là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007. Những văn bản này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ. Tuy nhiên từ kết quả điều tra, khảo sát của các cơ quan chức năng cho thấy những quy phạm pháp luật này chậm đi vào cuộc sống, tình trạng BLGĐ ở nhiều địa phương có xu hướng gia tăng và xảy ra ở tất cả các nhóm xã hội cơ bản.

Theo kết quả thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), những năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta xảy ra hơn 30 nghìn vụ BLGĐ. Trong đó nhiều vụ gây án mạng mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Một dấu hiệu đáng mừng là cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã lên tiếng cảnh báo và đã có chương trình hành động cụ thể nhằm phòng, chống, ngăn chặn BLGĐ trên địa bàn. Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức tháng hành động về phòng, chống BLGĐ năm 2018, triển khai đề án “Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam” gắn với tuyên truyền “Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”. Tỉnh cũng triển khai, nhân rộng các mô hình phòng, chống BLGĐ tại các huyện, thành phố; thành lập ban quản lý đề án cấp xã và cấp thôn, bản...

Tại một cuộc hội thảo về bình đẳng giới mới đây, nhiều nhà lãnh đạo, quản lý và hoạt động xã hội nêu ý kiến: để nâng cao hiệu quả phòng, chống BLGĐ, trước hết, Đảng và Nhà nước cần xây dựng chương trình thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; gắn liền với đó cần có sự vào cuộc trách nhiệm và hiệu quả hơn của các cấp, các ngành với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong lĩnh vực này. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, vận động nâng cao nhận thức về phòng, chống BLGĐ; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội với những giải pháp như xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên; thực hiện tư vấn trợ giúp pháp lý chăm sóc sức khỏe nạn nhân; gắn liền nhân rộng các mô hình phòng, chống BLGĐ ở cộng đồng; bảo đảm phát huy vai trò dòng họ và cộng đồng thông qua nội dung trong quy ước, hương ước nhằm giữ gìn truyền thống tốt đẹp trong gia đình, dòng họ, cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc, không có bạo lực .