Phòng vệ thương mại - Tài liệu thiết yếu cho doanh nghiệp


Đây là những ấn phẩm được đánh giá là cần thiết để các doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường đối tác FTA.

Nội dung được doanh nghiệp quan tâm

Phòng vệ thương mại là một trong những nội dung quan trọng được doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt quan tâm khi xuất khẩu sang các nước thị trường FTA.

Bởi lẽ, tính đến hết tháng 8/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 234 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (129 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (34 vụ việc) và chống trợ cấp (24 vụ việc).

Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra - basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong...

Riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (3 vụ việc chống bán phá giá của Hoa Kỳ với máy xịt rửa chạy bằng gas áp lực cao, giá để đồ bằng thép, túi mua hàng bằng giấy và 1 vụ việc xem xét phạm vi sản phẩm đối với bánh xe kéo bằng thép; 1 vụ việc tự vệ của Philippines với vỏ bình gas bằng thép; 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của EU với thép không gỉ cán nguội; 1 vụ việc chống bán phá giá của Indonesia với nhựa Polypropylene Copolymer).

Trong bối cảnh đó, mặc dù Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài thông qua các hoạt động đa dạng. Đặc biệt, cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý và trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tăng cường tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, định hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tham gia cung cung cấp, giải trình các chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc trợ cấp; tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài; tiến hành các hoạt động giải quyết tranh chấp tại WTO; cũng như thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần nâng cao năng lực kháng kiện phòng vệ thương mại.

Phòng vệ thương mại: Chủ thể là doanh nghiệp

Tuy nhiên, doanh nghiệp là chủ thể trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, nên việc nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Chính phủ. Trong đó, việc cung cấp thông tin là một nội dung quan trọng. Bộ Công Thương đã biên soạn nhiều ấn phẩm về phòng vệ thương mại. Hiện trên cổng FTAP có cuốn Cẩm nang về các biện pháp phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP; và cuốn Cẩm nang về các biện pháp phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu và Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).

Đây là 2 cuốn sách quý. Chỉ nhìn vào mục lục mỗi cuốn sách cũng thấy những tài liệu được biên soạn hết sức thiết yếu với doanh nghiệp. Như cuốn Cẩm nang về các biện pháp phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, có 4 chương, 2 phụ lục. Trong đó, bên cạnh khái niệm chung về phòng vệ thương mại, pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về phòng vệ thương mại tại chương I, 3 chương sau là những chương đi vào nội dung cụ thể, chi tiết mà doanh nghiệp có thể vận dụng ngay được trong các kịch bản ứng phó của mình.

Đó là chương II: Hiệp định CPTPP và nội dung phòng vệ thương mại. Chương này trình bày chi tiết quy định về phòng vệ thương mại của tất cả các nước thành viên gồm: Pháp luật phòng vệ thương mại của Úc, Pháp luật phòng vệ thương mại của Brunei, Pháp luật phòng vệ thương mại của Chile, Pháp luật phòng vệ thương mại của Nhật Bản, Pháp luật phòng vệ thương mại của Canada, Pháp luật phòng vệ thương mại của Malaysia, Pháp luật phòng vệ thương mại của Mexico, Pháp luật phòng vệ thương mại của New Zealand, Pháp luật phòng vệ thương mại của Singgapore, Pháp luật phòng vệ thương mại của Peru.

Đặc biệt hữu ích là Chương IV: Hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước CPTPP ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại. Trong đó, có thông tin về đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp (Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương) và thông tin liên hệ với các thương vụ Việt Nam tại các nước thành viên CPTPP.

Chương này đưa ra 3 khuyến nghị với các doanh nghiệp: (i) Lưu ý các thông tin cảnh báo; (ii) Chủ động xây dựng chiến lược ứng phó; (iii) Hợp tác với các bên có cùng lợi ích.

Đây là những ấn phẩm  được đánh giá là cần thiết để các doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường đối

Theo Tạp chí Công thương