Phục hồi nền kinh tế, không thể nôn nóng

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Quý I/2014 - năm bản lề để xét khả năng phục hồi và tái cơ cấu nền kinh tế, tạo tiền đề cho những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn trong các năm tiếp theo đã đi qua. Gói hỗ trợ cho thị trường bất động sản (BĐS) từ phía Chính phủ đã được triển khai. Mức lãi suất cho vay đã hạ nhiệt và có xu hướng tiếp tục giảm… Điều đó đã tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? Cuộc trò chuyện cuối tháng 3 này với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương sẽ làm rõ vấn đề này.

Nếu tín dụng không lành mạnh sẽ mở ra một chu kì nợ xấu mới
 
Phóng viên: Thưa ông, thông tin về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho nhà đất do một số ngân hàng bắt tay nhau triển khai đang khiến thị trường "nổi sóng”. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
 
http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/hongnhung/2014_03_31/Le-dang-doanh_71a77.JPG
TS. Lê Đăng Doanh,
nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương
TS. Lê Đăng Doanh
: Điều đó cho thấy hiện nay nhiều ngân hàng Việt Nam đang thừa tiền, đang bí đầu ra. Họ phải trả lãi cho người cho vay, người gửi tiền nên phải tìm cách tiêu thụ số vốn đang có. Đấy là nguyên lý hoạt động của ngân hàng.
 
Nếu có việc một số ngân hàng quyết định dành 50.000 tỷ đồng để đầu tư vào thị trường BĐS thì đáng hoan nghênh. Họ rót tiền vào mà không sợ nợ xấu, tin rằng có thể thu hồi được. Niềm tin này sẽ tạo ra ảnh hưởng tốt đối với xã hội. Và bản thân thị trường BĐS đang thiếu vốn.

Khi được rót tiền vào có thể nói là được cứu nguy và thị trường có thể hồi phục. Kéo theo đó là thị trường vật liệu xây dựng sắt, thép, xi măng tiêu thụ được chứ không ế ẩm như bây giờ, công nhân có việc làm… Nhưng để khẳng định gói tín dụng này có thực sự giúp cho thị trường BĐS ấm lên hay không thì chưa thể biết được vì còn liên quan đến nhiều việc khác nữa như ai vay, ai mua, tín dụng đó có phải là tín dụng lành mạnh hay lại mở ra 1 chu kỳ tín dụng xấu mới…
 
Cho đến giờ tín hiệu phục hồi của nền kinh tế là có, nhưng rất mong manh. Số doanh nghiệp phá sản và dừng lại vẫn rất lớn và có chiều hướng tăng lên chứ chưa thấy giảm đi. Mặc dù có các gói cứu trợ và có thêm các gói tín dụng nhưng những khó khăn của BĐS cần nhiều nỗ lực hơn nữa và cũng cần thời gian chứ không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được. Tôi thấy không thể nôn nóng. Vấn đề bây giờ là phải giải quyết nợ xấu và giúp tiêu thụ các BĐS đang tồn đọng. Không nên hy vọng có một gói tín dụng mà BĐS ấm lên ngay mà phụ thuộc rất nhiều vào sức mua của người dân.
 
Thận trọng khi giải ngân vốn vào các dự án BĐS dang dở
 
Theo ông, trong việc giải ngân tín dụng BĐS cần lưu ý những điểm gì?
 
Điều cần nhắc nhở là các ngân hàng phải hết sức coi trọng kỷ luật về tài chính. Họ phải rút kinh nghiệm những sai lầm trước đây để tránh. Sai lầm trước đây là các nhà kinh doanh BĐS không dựa trên những nghiên cứu kỹ càng mà hùa theo nhau, tập trung vào một phân khúc họ thấy siêu lợi nhuận là phân khúc nhà ở cao cấp. Họ xin vay và các ngân hàng cho vay mà không biết rằng những dự án đấy tốt, xấu thế nào, không đánh giá đúng về dự án. Đến khi khủng hoảng sinh ra nợ xấu, cung thừa mà cầu vẫn thiếu. Người dân không mua loại căn hộ cao cấp, chủ đầu tư không có tiền thanh toán lại cho ngân hàng thành nợ xấu và tồn đọng.
 
Bây giờ nếu có gói tín dụng mới cấp cho những dự án triển khai dang dở để hoàn thành thì liệu bơm vốn vào có bán được không? Nếu không bán được thì chẳng phải nợ xấu lại càng tăng lên chứ nói gì đến chuyện trả nợ cũ? Vì vậy, phải xem xét cụ thể từng dự án, không thể cấp cho vay ồ ạt. Có những dự án dở dang có thể cấp tiếp nếu chứng tỏ được rằng thị trường có nhu cầu. Nên nhớ, nhu cầu của thị trường BĐS không phải là một nhu cầu tràn lan bởi BĐS gắn với đất. Chỗ này có thể người ta thiếu và có nhu cầu nhưng không có nhà. Ngược lại, chỗ khác có nhiều nhà nhưng người ta chẳng mua vì không phù hợp với điều kiện sống, sinh hoạt, học tập, làm việc…
 
Tóm lại, cần phải xem xét cụ thể từng dự án một. Nếu thấy mình không đủ kiến thức thì thuê các chuyên gia đánh giá các dự án khả năng tiêu thụ thế nào, nhu cầu thị trường ra sao... rồi mới quyết định có cấp vốn hay không.
 
Một điểm lưu ý nữa, theo tôi, cái mà xã hội đang cần, đang thiếu là phân khúc nhà ở phổ cập, tức nhà ở giá trung bình. Nhiều người không đủ tiền để mua căn hộ cao cấp nhưng họ có tiền trả ngay để mua căn hộ giá trung bình. Hiện nay tiền của họ gửi trong ngân hàng mà không đi mua nhà được vì không có loại nhà để cho họ mua. Vì thế, nếu số tiền này mà rót vào phân khúc nhà ở trung bình thì tôi tin rằng dự án sẽ bán hết ngay.
 
Cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống
 
Một động thái khác về phía ngân hàng thời gian qua là giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với một số lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 8%/năm. Đây cũng là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế, thưa ông?
 
Với tình hình lạm phát giảm, nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất là điều rất đáng ghi nhận. Nỗ lực đó làm cho các ngân hàng thương mại giảm được lãi suất cho vay. Tuy nhiên không thể trông đợi các ngân hàng thương mại có thể giảm ngay được lãi suất cho vay mà phải từ từ. Vì số vốn họ huy động được là từ các thời kỳ lãi suất còn cao. Nhưng xu thế sẽ giảm. Tôi tin rằng sắp tới đây sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, chúng ta cần phải kiên trì.
 
Với việc giảm lãi suất cho vay sẽ khiến người có tiền tiết kiệm bớt hăng hái trong việc gửi tiền vào ngân hàng, khuyến khích họ đi tìm các nguồn đầu tư khác, ví dụ như đầu tư vào chứng khoán, vàng, bất động sản… Đó là điều tích cực, vì trong một xã hội năng động thì không nên chỉ có một kênh đầu tư là kênh đầu tư tiền tiết kiệm… Tôi muốn lưu ý hai điều.

Thứ nhất, mặc dù đã giảm so với thời kì 21%/ năm, nhưng so với lãi suất bình quân của khu vực Đông Nam Á và của Trung Quốc thì lãi suất của chúng ta vẫn cao gấp đôi so với các nước khác. Điều đó đặt gánh nặng lên các doanh nghiệp nhưng xét cho cùng doanh nghiệp sẽ lại đẩy gánh nặng đó cho người tiêu dùng. Vì vậy, cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống nữa.
 
Thứ hai, giảm lãi suất là một trong những giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Nhưng là chưa đủ. Phải kết hợp với việc giải quyết được nợ xấu, tăng được niềm tin giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Muốn như vậy các bên tham gia cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
 
Doanh nghiệp cần chủ động tái cấu trúc
 
Những động thái như hạ lãi suất, công bố gói tín dụng "khủng” cho BĐS của các ngân hàng chính là cách tạo điều kiện để các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn. Có thể kỳ vọng vào sức khỏe của doanh nghiệp nhờ đó mà tốt lên, kéo theo nền kinh tế Việt Nam 2014 thực sự khởi sắc, thưa ông?
 
Cho đến giờ tín hiệu phục hồi của nền kinh tế là có, nhưng rất mong manh. Số doanh nghiệp phá sản và dừng lại vẫn rất lớn và có chiều hướng tăng lên chứ chưa thấy giảm đi. Mặc dù có các gói cứu trợ và có thêm các gói tín dụng nhưng những khó khăn của BĐS cần nhiều nỗ lực hơn nữa và cũng cần thời gian chứ không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được.

 Tôi thấy không thể nôn nóng. Vấn đề bây giờ là phải giải quyết nợ xấu và giúp tiêu thụ các BĐS đang tồn đọng. Không nên hy vọng có một gói tín dụng mà BĐS ấm lên ngay mà phụ thuộc rất nhiều vào sức mua của người dân.
 
Phải nhìn vào thực tế là hiện nay sức mua rất thấp. Muốn tăng lên cần khơi được dòng tín dụng để các doanh nghiệp có sức sống có thể có hợp đồng, tiếp cận với nguồn vốn, đi vào sản xuất để người dân có được thu nhập và sức mua sẽ tăng lên. Như vậy cần một vài vòng quay nữa mới có thể tiến lên được. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải có nỗ lực tái cấu trúc. Bởi vì tình hình kinh tế thay đổi, doanh nghiệp cũng cần phải chủ động thay đổi sản phẩm, cách tiếp cận đối với thị trường… chứ không thể mong chờ người khác thay đổi.
 
Trân trọng cảm ơn ông!