Phương án rút bảo hiểm xã hội một lần phải đảm bảo mục tiêu phấn đấu giữ chân người lao động
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, để có thể đưa ra phương án rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần cần hướng tới hai tới mục tiêu cơ bản: Đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là vẫn có quyền rút BHXH; Phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già là có lương hưu đảm bảo cuộc sống.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, sáng 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận về Luật BHXH (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến những nội dung xoay quanh vấn đề BHXH một lần. Các đại biểu đánh giá về sự cần thiết xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách hệ thống BHXH; đồng thời bổ sung một số quy định cụ thể về các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc với các biện pháp xử lý, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm…
Nêu ý kiến về 2 phương án rút BHXH một lần theo dự thảo Luật đề xuất, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho biết, nếu chọn phương án 1 sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia BHXH trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực.
Vì một trong những lý do chính khiến người lao động rút BHXH một lần thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế để lo cho cuộc sống trước mắt. Việc rút BHXH một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để người lao động duy trì bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ. Do vậy, quy định như phương án 1 dễ dẫn đến việc không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia BHXH .
Với việc lựa chọn phương án 2, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, người lao động có thể rút BHXH một lần với mức 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý, vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động cũng là tiền của người lao động. Đồng thời, đây chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn trước mắt.
Đại biểu này cho rằng, phương án này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt khá lớn về số tiền hưởng BHXH một lần của những người lao động hưởng BHXH một lần trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực. Chính sách cũng không thực hiện được mục tiêu xây dựng luật là mở rộng gia tăng quyền lợi ích tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH.
Vì thế, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm kiến nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng BHXH một lần.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên còn đề nghị Ban soạn thảo đánh giá cụ thể nguyên nhân dẫn tới xu hướng gia tăng của tình trạng rút BHXH một lần để có giải pháp căn cơ, đồng thời xem xét điều kiện giúp BHXH một lần thật thận trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Phải biểu giải trình về những nội dung các đại biểu đã nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, rút BHXH một lần là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Vì vậy, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động.
“Để có thể đưa ra phương án BHXH một lần cần hướng tới hai tới mục tiêu cơ bản: một là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là vẫn có quyền rút BHXH; hai là phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già là có lương hưu đảm bảo cuộc sống.”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, hiện rất khó có thể đưa ra một phương án tối ưu mà sẽ đi theo phương án nhiều ưu điểm hơn. Việc điều chỉnh hưởng BHXH sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng là người lao động có quyền vấn đề này nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau khi Luật có hiệu lực.
Liên quan đến nội dung mức rút BHXH, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo đưa ra phương án 2 là lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ.
“Thì ở đây 50% là thời gian đóng chứ không phải mức đóng; 50% là để lại cho người lao động và được ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi BHXH. Khi người lao động quay trở lại tham gia thì được cộng hưởng tiếp thời gian đóng. Còn nếu không tham gia thì khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hằng tháng”, Bộ trưởng nêu rõ.