Phương thức trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Việt Nam
(Tài chính) Phương thức trọng tài đề cao sự thỏa thuận giữa các bên trong việc chọn trọng tài viên, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài, thời gian và địa điểm mở phiên họp giải quyết tranh chấp.
Phiên họp giải quyết tranh chấp này tiến hành không công khai trừ trường hợp các bên có thỏa thuận nên ít tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp trên thương trường.
Thỏa thuận trọng tài
Để được giải quyết bằng phương thức trọng tài, các bên cần phải có thỏa thuận trọng tài trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp thương mại quốc tế. Các bên có thể lập một điều khoản trọng tài trong hợp đồng ngay từ đầu hoặc có một thỏa thuận riêng về trọng tài được ký kết sau khi phát sinh tranh chấp.
Căn cứ theo Luật Trọng tài thương mại 2010, tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc tranh chấp giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại thì thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài.
Khi thỏa thuận giải quyết tranh chấp trọng tài cần chú ý tới thẩm quyền của người xác lập thỏa thuận trọng tài đối với tổ chức, cụ thể là người xác lập thỏa thuận trọng tài có phải là người đại diện theo pháp luật hoặc là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng có vượt quá phạm vi được ủy quyền hay không.
Một điểm mà các bên cần chú ý là năng lực hành vi dân sự của cá nhân xác lập thỏa thuận trọng tài, người xác lập thỏa thuận trọng tài phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, người này phải không thuộc các trường hợp như chưa thành niên, mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Ngoài ra, thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu nếu hình thức của thỏa thuận trọng tài không đáp ứng quy định về hình thức của pháp luật.
Trong tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các bên có thể thỏa thuận ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng và có quyền được chọn luật áp dụng cho phương thức trọng tài tại các thời điểm có thể sớm hoặc muộn hơn quá trình tố tụng. Trường hợp chưa chọn luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài có thể chọn luật được cho là phù hợp nhất để giải quyết tranh chấp đang phát sinh.
Tuy đây là phương thức trọng tài, nhưng vẫn tồn tại sự hỗ trợ từ phía Tòa án như chỉ định trọng tài viên hay thu thập chứng cứ cần thiết khi yêu cầu trong một số trường hợp luật định.
Thủ tục tố tụng trọng tài
Thủ tục tố tụng trọng tài có những bước cơ bản và ít phức tạp hơn so với tố tụng tòa án. Bên khởi kiện sẽ nộp đơn kiện, trung tâm trọng tài sẽ gửi bản sao đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo từ phía nguyên đơn cho bị đơn trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện.
Trong vòng 30 ngày, bên bị đơn gửi bản tự bảo vệ cho trọng tài. Bên cạnh đó, bên bị đơn cũng có quyền kiện lại bên nguyên đơn những vấn đề liên quan tới tranh chấp và đơn kiện này phải được gửi lại cùng bản tự bảo vệ trong thời gian luật định. Trong giai đoạn bắt đầu tố tụng trọng tài này, các bên có thể tự hòa giải và chấm dứt việc giải quyết tranh chấp.
Các bên có quyền được lựa chọn trọng tài viên và thành lập hội đồng trọng tài với một hoặc nhiều trọng tài viên, hoặc trường hợp mà Tòa án có thể tham gia chỉ định trọng tài viên nếu các bên có yêu cầu. Giai đoạn chuẩn bị và giải quyết vụ việc tiếp theo Hội đồng trọng tài có thể tự xác minh, thu thập chứng cứ hoặc triệu tập người làm chứng, sử dụng các biện pháp khẩn cấp nhờ sự hỗ trợ từ phía Tòa án để đưa ra quyết định cuối cùng.
Quyết định trọng tài
Vì quyết định trọng tài có giá trị (giá trị hiệu lực cuối cùng) cho nên các bên chỉ có thể yêu cầu Tòa án hủy phán quyết của trọng tài. Tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết có thẩm quyền chỉ định một Hội đồng xét đơn yêu cầu, tuy nhiên Tòa án sẽ không xét lại nội dung vụ việc.
Các tài liệu có tiếng nước ngoài cần được dịch sang tiếng Việt, có chứng thực hợp lệ để gửi kèm theo đơn yêu cầu tới Tòa án. Hội đồng trọng tài vẫn có một khoảng thời gian hợp lý để khắc phục sai sót tố tụng là căn cứ hủy quyết định trọng tài khi có yêu cầu của một bên và Hội đồng xét đơn yêu cầu xét thấy phù hợp.
Việc hủy quyết định trọng tài phải dựa vào các căn cứ luật định như không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận vô hiệu; thành phần, thủ tục tố tụng trọng tài không đúng với thỏa thuận của các bên hoặc trái với quy định của pháp luật; tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài;... Sau khi phán quyết bị hủy, các bên có thể tự thỏa thuận giải quyết vụ án, lập một thỏa thuận trọng tài mới hoặc đưa vụ tranh chấp ra Tòa án.