PVcomBank bao giờ mới niêm yết cổ phiếu?
Trong khi rất nhiều ngân hàng đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chính thức hoặc UPCoM thì PVcomBank vẫn “bình chân như vại”.
Ngân hàng lần lượt niêm yết, PvcomBank “bình chân như vại”
Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" đã đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức (HOSE, HNX) hoặc sàn UPCoM.
Trong giai đoạn từ 2021 tới nay, đã có rất nhiều cổ phiếu ngân hàng “chào sàn” thành công. Tuy nhiên, vẫn còn một vài nhà băng vẫn giao dịch trên thị trường OTC. Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) là một trong số đó.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã từng thống nhất với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ kiên quyết yêu cầu các ngân hàng phải lên sàn, muộn nhất là trong quý I/2021, trừ 3 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc. Nếu ngân hàng nào không tuân thủ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật. Tuy nhiên, hiện tại, không có thông tin nào cho thấy PVComBank bị kỷ luật vì cổ phiếu chưa niêm yết.
Ở một diễn biến khác, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra trong ngày 22/4/2022 của PVcomBank, trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề niêm yết cổ phiếu, ông Nguyễn Khuyến Nguồn - Thành viên HĐQT cho biết, PVcomBank đã trình Ngân hàng Nhà nước cho phép PVcomBank chủ động lựa chọn thời điểm niêm yết để bảo vệ cao nhất lợi ích của cổ đông.
Hiện tại, cổ phiếu của PVcomBank vẫn chưa được niêm yết trên HOSE, HNX hoặc giao dịch trên UPCoM.
Giá trên thị trường OTC chỉ bằng một nửa mệnh giá
Khi chưa lên sàn chứng khoán, cổ phiếu PVcomBank được chào bán, chào mua khá sôi động trên thị trường OTC. Tuy nhiên, mức giá đưa ra chỉ bằng nửa mệnh giá.
Cụ thể, trên website Sanotc.com - một trong những “kênh” giao dịch cổ phiếu OTC phổ biến nhất, một thành viên đăng tin bán 700.000 cổ phiếu PVcomBank với mức giá rất thấp, chỉ 5.500 đồng/CP. Trước đó, mức giá được chào bán thấp hơn nhiều, chỉ từ 4.800 đồng/CP.
Cần phải nhấn mạnh, trong khoảng thời gian cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giá chào bán PVcomBank dao động từ 4.800 đồng/CP tới 5.500 đồng/CP. Trong khi đó, hồi cuối năm 2022, con số này cao hơn khá nhiều, từ 6.000 đồng/CP tới 7.300 đồng/CP. Điều đó có nghĩa sau khoảng 1,5 năm, giá cổ phiếu PVcomBank trên thị trường OTC giảm khoảng 34%.
Ở chiều chào mua, mức giá được đưa ra cũng rất thấp. Trong một tin rao vặt đăng gần đây nhất (ngày 12/3/2024), con số được đưa ra chỉ là 5.000 đồng/CP với khối lượng 500.000 đơn vị. Hồi cuối năm 2023, có thời điểm người mua sẵn sàng trả giá cao hơn, từ 5.400 đồng/CP tới 6.000 đồng/CP.
Có thể thấy, trên thị trường OTC, giá PVcomBank không những chỉ bằng một nửa mệnh giá mà đang có xu hướng giảm dần.
Khối nợ xấu khổng lồ
Nhà đầu tư không "mặn mà" với cổ phiếu PVcomBank khi nhà băng này kinh doanh èo uột và sở hữu nợ xấu khổng lồ.
Báo cáo tài chính gần đây nhất được PVcomBank công bố công khai chính là năm 2022. Theo đó, tại ngày 31/12/2022, Nợ xấu tại PVcomBank lên tới 3.064 tỷ đồng, chiếm 2,84% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng từ 1.551 tỷ đồng lên 2.009 tỷ đồng.
Ngoài nợ xấu nội bảng, PVcomBank còn ghi nhận 7.953 tỷ đồng Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Do nợ xấu quá cao nên hàng năm PVcomBank phải dành ngân sách rất lớn cho dự phòng. Trong năm 2022, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của PVcomBank dù đã cắt giảm nhưng vẫn lên đến 581 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế năm 2022 của PVcomBank giảm từ 87,8 tỷ đồng xuống 84,7 tỷ đồng.
Bên cạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao, sự xuống dốc của hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng kéo lùi lãi ròng dù đa số hoạt động khác đều tăng mạnh.
Trong năm 2022, lỗ thuần từ hoạt động chứng khoán đầu tư giảm 1.453 tỷ đồng, tương đương 95,8% xuống chỉ còn 64,3 tỷ đồng. Chính vì vậy, thu nhập lãi thuần tăng từ 1.704 tỷ đồng lên 3.057 tỷ đồng nhưng cũng không đủ bù đắp được sự hao hụt của chứng khoán đầu tư.