Quan điểm quản lý, sử dụng Bitcoin trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam


Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã kéo theo sự bùng nổ của các loại tiền điện tử, tiền ảo... trong khi đó, cơ quan quản lý của hầu hết các nước đều khá lúng túng và khó khăn trong việc xây dựng khung khổ pháp lý cũng như cách thức quản lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam chưa chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán, nhưng trong tương lai, vị thế của Bitcoin trong hệ thống tài chính tiền tệ có thể sẽ có những thay đổi, từ đó vấn đề quản lý tiền điện tử kỹ thuật số cũng được đặt ra.

Tổng quan về các loại tiền tệ thời đại công nghệ số

Hiện nay, trên thế giới xuất hiện một số thuật ngữ mới liên quan đến tiền như: tiền điện tử, tiền ảo, tiền kỹ thuật số hay tiền di động. Điều đáng nói là hiện nay vẫn có những tranh luận, thậm chí sự nhầm lẫn khái niệm liên quan đến tiền điện tử, tiền ảo, tiền điện tử kỹ thuật số...

Tiền điện tử

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mô tả: tiền điện tử là giá trị tiền tệ được lưu trữ trên một thiết bị điện tử được sử dụng phổ biến để thực hiện giao dịch thanh toán cho các tổ chức khác không phải là tổ chức phát hành.

Trong khi đó, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) định nghĩa, tiền điện tử là giá trị được lưu trữ hoặc sản phẩm trả trước, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng.

Tiền ảo

ECB định nghĩa tiền ảo như sau: “Đồng tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không chịu sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm đồng thời là người kiểm soát hệ thống; được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định”. 

Tiền điện tử kỹ thuật số hay tiền mã hóa

Tiền điện tử kỹ thuật số hay tiền mã hóa được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp, được giao dịch, trao đổi hoàn toàn trên môi trường Internet và hiện nay chưa chịu sự quản lý của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào (trừ khi được Ngân hàng Trung ương trực tiếp phát hành). Thí dụ điển hình của tiền kỹ thuật số là Bitcoin, Ethereum... Một loại tiền khác cũng thường bị hiểu nhầm đó là tiền di động (mobile money).

Theo định nghĩa của Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA), Mobile money có thể được hiểu ngắn gọn là tiếp cận dịch vụ tài chính qua điện thoại di động. Theo đó, với bản chất là tiền pháp định, tiền di động có thể hiểu là một dạng thức tiền điện tử do tổ chức (thường là nhà mạng) cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Dạng thức này chính là ví điện tử trên thuê bao di động, không cần liên kết với tài khoản ngân hàng.

Tiền điện tử kỹ thuật số Bitcoin và điều kiện trở thành phương tiện thanh toán

Theo số liệu của Tradingview (2021), tính đến tháng 8/2020, trên thế giới phát hành hơn 800 loại tiền điện tử như: Bitcoin, Ethereum, Rippo, Bitcoin Cash, Litecoin… với tổng giá trị vốn hoá thị trường gần 360 tỷ USD, trong đó, đồng Bitcoin đang dẫn đầu, chiếm tỷ lệ 62,09% giá trị vốn hoá thị trường tiền điện tử.

Trong thực tế, để trở thành phương tiện thanh toán, Bitcoin phải được xác định và phân biệt rõ ràng với 4 đặc điểm chính:

- Phải là tiền pháp định và phải có đầy đủ 3 chức năng của tiền là dự trữ, trao đổi và hạch toán. Đồng thời, Bitcoin phải được thể hiện dưới dạng giá trị của tiền pháp định của một quốc gia (thí dụ VND, USD, SGD...). Bên cạnh đó, Bitcoin phải được Ngân hàng Trung ương (NHTW) bảo đảm.

- Có cơ chế đảm bảo tiền tệ của NHTW. Theo đó, Bitcoin do các ngân hàng phát hành sẽ được đảm bảo bằng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc tại NHTW, còn Bitcoin do các tổ chức phi ngân hàng phát hành sẽ được đảm bảo bằng cơ chế ký quỹ tại hệ thống ngân hàng (với một tỷ lệ ký quỹ nhất định).

Tỷ lệ ký quỹ tại một số quốc gia theo cách tiếp cận thận trọng ở mức 100%. Đây là điểm khác biệt mấu chốt giữa tiền ngân hàng với Bitcoin.

- Chỉ được lưu trữ trong các sản phẩm điện tử gồm 2 loại: (i) phần cứng như thẻ chíp, điện thoại thông minh gắn chíp và (ii) dữ liệu dựa trên phần mềm.

Quan điểm quản lý và sử dụng Bitcoin như phương tiện thanh toán trên thế giới

Quan điểm các tổ chức quốc tế lớn

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lo ngại tiền điện tử KTS như Bitcoin có thể gây ra rất nhiều rủi ro. Hội đồng ổn định tài chính quốc tế (FSB) cho rằng, các đồng tiền điện tử KTS hiện tại vẫn chưa thay thế cho tiền tệ truyền thống, do việc sử dụng còn hạn chế đối với kinh tế và các giao dịch tài chính.

Tuy nhiên, nếu loại tiền này được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch hoặc liên kết chặt chẽ hơn với hệ thống tài chính, thì các nhà quản lý cần phải tính tới việc phối hợp quốc tế trong quản lý loại tiền tệ này.

Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho rằng, các loại tiền điện tử và công nghệ Blockchain cơ bản đều pha trộn giữa cơ hội và rủi ro. Để giảm thiểu các rủi ro của tiền điện tử, các quốc gia cần tăng cường phối hợp để giảm thiểu các rủi ro và gian lận qua không gian mạng.

Quan điểm của các quốc gia

Quan điểm quản lý và sử dụng Bitcoin như phương tiện thanh toán của các quốc gia trên thế giới có thể chia thành các nhóm như sau:

- Nhóm nước dung hòa: Đây là nhóm chiếm số lượng đông nhất, đồng thời cũng là nhóm có những quốc gia đi đầu về công nghệ thông tin trên thế giới. Nhìn chung, phản ứng của nhóm này là không cổ vũ giao dịch tiền điện tử KTS cũng không cấm đoán tiêu cực mà chỉ đưa ra các chính sách để truy thu thuế và các biện pháp nhằm giám sát, giảm thiểu khả năng buôn lậu hay rửa tiền thông qua tiền KTS. Tiêu biểu như: Nhật Bản, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Phillipinnes, Newzealand…

- Nhóm nước từ chối tiền điện tử KTS: Tại các quốc gia thuộc nhóm này, dù không cấm hay coi hành vi giao dịch tiền điện tử KTS là bất hợp pháp, nhưng các chính phủ có quan điểm thiếu thiện cảm với loại tiền này.

Theo đó, các chính sách được đưa ra trên cơ sở giảm thiểu hoạt động giao dịch tiền điện tử KTS. Tiêu biểu như: Nga, Trung Quốc, Ấn độ, Brazil và các nước thuộc khu vực Nam Á, Trung Đông.

- Nhóm nước cấm triệt để: Hiện nay, có 6 quốc gia trong danh sách cấm triệt để việc sử dụng tiền điện tử KTS gồm: Iceland, Bolivia, Ecuador, Bangladesh, Kyrgyzstan và Việt Nam. Điểm chung của các quốc gia này là tiền điện tử KTS không được coi là một loại tiền tệ và lý do cấm hầu hết đều nhằm bảo hộ đồng tiền quốc gia. Tuy nhiên, mức độ cấm ở các quốc gia cũng không giống nhau.

Chẳng hạn, Iceland cấm mua tiền điện tử KTS nhưng không cấm đào tiền. Tại Việt Nam, tiền điện tử KTS không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp và việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 150 - 200 triệu đồng, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Biện pháp quản lý tiền điện tử  kỹ thuật số của các nước

Từ thực tế tồn tại của một số loại tiền điện tử KTS như Bitcoin cho thấy, sự phát triển của các loại tiền điện tử KTS là xu hướng tất yếu. Dù chấp nhận hay không thì các quốc gia vẫn phải đưa ra các cách thức quản lý nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính – tiền tệ và lợi ích của người dân. Có thể hệ thống hóa một số biện pháp quản lý tiền điện tử KTS của các nước hiện nay:

Thứ nhất, có các cơ quan chuyên trách để quản lý tiền điện tử trong bộ máy hành chính quốc gia: Để có thể quản lý, thường xuyên cập nhật, bám sát công và đưa ra thông báo, cảnh báo liên quan tới rủi ro, do loại tiền này đem lại.

Chẳng hạn, tại châu Á, Trung Quốc đã thành lập Ủy ban chuyên gia kỹ thuật an ninh tài chính internet quốc gia chuyên kiểm soát và quản lý các hoạt động tài chính công nghệ. Tại Mỹ, Cục Phòng chống tội phạm tài chính Mỹ lập những quy định, hướng dẫn pháp lý cho đồng tiền điện tử KTS; đồng thời, kết hợp cùng với Sở Thuế vụ thực hiện quản lý các giao dịch tiền điện tử…

Thứ hai, xây dựng các quy định pháp lý đối với tiền điện tử KTS: Tại hầu hết các quốc gia có quan điểm chấp nhận tiền điện tử KTS hoặc là có quan điểm điều chỉnh hiện nay đã, đang thiết lập khuôn khổ pháp lý riêng cho tiền điện tử và các hoạt động liên quan.

Thứ ba, sử dụng chính sách thuế đối với các hoạt động giao dịch tiền điện tử: Theo đó, Trung Quốc sử dụng biện pháp giảm khấu trừ thuế và thắt chặt các chính sách liên quan tới tiêu thụ điện, quyền sử dụng đất, thu thuế bảo vệ môi trường nhằm tăng chi phí hoạt động đào Bitcoin, gây sức ép buộc các hoạt động đào Bitcoin phải chuyển ra khỏi lãnh thổ.

Nhật Bản đánh thuế vào các hoạt động liên quan tới tiền điện tử KTS từ năm 2014, bao gồm thuế chuyển nhượng vốn, thuế thu nhập DN, thuế cư trú và thuế tiêu dùng. Tại Đức, các sàn giao dịch có thể được hưởng ưu đãi thuế đối với hoạt động kinh doanh tiền điện tử KTS và khai thác công nghệ chuỗi, khối.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Để quản lý, giám sát hiệu quả tiền điện tử KTS và hạn chế tác động tiêu cực của nó tới thị trường tiền tệ, đồng thời thúc đẩy quá trình thanh toán không sử dụng tiền mặt, thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng tới một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền điện tử KTS tại Việt Nam.

Thứ hai, tận dụng thế mạnh của công nghệ đằng sau tiền điện tử KTS, thay vì tập trung nhiều vào việc thắt chặt loại tiền này.

Thứ ba, có các chính sách nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia tài chính, chuyên gia mã hóa và bảo mật; nâng cao nhận thức của người dân về bản chất của Bitcoin cũng như các loại tiền điện tư khác.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân, DN cảnh giác khi được mời chào tham gia các hoạt động liên quan đến tiền điện tử KTS, tiền ảo… 

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát đối với các giao dịch liên quan tới tiền điện tử KTS xuyên biên giới.  

Tài liệu tham khảo:

1. Cấn Văn Lực và Cộng sự Tiền điện tử khác gì so với tiền ảo, tiền kỹ thuật số?. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, http://thitruongtaichinhtiente.vn/tiendien-tu-khac-gi-so-voi-tien-ao-tien-ky-thuat-so-28184.html;

2. Phan Hoài Dương (2014), Tiền điện tử, rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố, Tạp chí Ngân hàng số 3, tháng 2/2014;

3. https://vn.tradingview.com/markets/cryptocurrencies/global-charts/;

4. FSB (2018), Chair’s letter to G20 Finance Ministers and Central Bank Governors. Available at http://www.fsb.org/wp-content/uploads/ P180318.pdf.

*ThS. Phạm Thị Thái Hà - Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

**Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.