Quản lý chặt giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát thời điểm cuối năm
Cuối năm là thời gian sẽ có nhiều yếu tố tác động đến mặt bằng giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Để quản lý chặt giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp.
Chủ động phối hợp bình ổn giá cả thị trường
Từ đầu năm đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, có những thời điểm một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và các mặt hàng là đầu vào cho hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đẩy giá lên cao.
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ, tích cực để bình ổn giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng do Nhà nước định giá. Một số mặt hàng có chính sách giảm giá kịp thời hỗ trợ các đối tượng tiêu dùng; một số mặt hàng không xem xét tăng giá dù các yếu tố chi phí đầu vào có xu hướng tăng. Qua đó, góp phần giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ sự phục hồi của sản xuất, kinh doanh.
Giá xăng, dầu được theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh phù hợp với biến động giá xăng, dầu thế giới, kết hợp với việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá linh hoạt, góp phần giúp giá xăng, dầu trong nước không tăng đột biến trong những thời điểm giá xăng, dầu thế giới biến động thất thường.
Đồng thời, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh kiểm tra chấp hành pháp luật về giá trong các hoạt động kê khai, tham vấn giá, xử lý các sai phạm trong quản lý, điều hành giá...
Nhờ các giải pháp điều hành giá cả thị trường phù hợp với diễn biến thực tế, sau khi tăng mạnh trong quý I/2020, từ tháng 4/2020 đến nay, chỉ số CPI đã giảm dần và đến nay được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội quyết định (dưới 4%).
Quản lý chặt chẽ giá cả hàng hóa thời điểm cuối năm
Trong thời gian tới, đặc biệt là thời điểm cao điểm sản xuất, chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp lễ, Tết Nguyên đán Tân Sửu và những rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi dự báo sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá và chỉ số CPI.
Để tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao và dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, trong đó có giá cước vận tải hành khách các dịp lễ, Tết; thông báo giá một số mặt hàng như: sách giáo khoa, than, khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc xin dùng cho gia súc gia cầm... Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.
Tại Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường, tăng cường công tác phân tích, dự báo, kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp, kiểm soát lạm phát, nhất là vào thời điểm cuối năm.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá; kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá...