Quản lý sức khỏe gắn với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân
Hồ sơ quản lý sức khỏe (HSQLSK) cá nhân là hồ sơ lưu trữ thông tin toàn diện về sức khỏe và hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của một công dân. Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân đối với người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) gắn với mục tiêu BHYT toàn dân nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân.
Hồ sơ sức khỏe cá nhân là cần thiết
Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được một số thành tựu quan trọng, tình trạng sức khỏe của người dân đã có nhiều cải thiện; tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi hệ thống y tế phải có những thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng các dịch vụ.
Trong khi đó, cơ chế tài chính y tế chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội, chi tại y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp, chưa động viên được toàn dân tham gia bảo hiểm y tế. Vì thế, việc thiết lập hệ thống quản lý sức khỏe cá nhân gắn với mục tiêu BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân là rất cần thiết.
Việc lập HSQLSK cá nhân bảo đảm hồ sơ sức khỏe cá nhân là duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia để theo dõi, quản lý sức khỏe của người dân trong suốt cuộc đời. Một bộ hồ sơ sẽ được xác lập đầy đủ thông tin về nhân thân của người dân, những tiêu chí căn bản về tình trạng sức khỏe bao gồm cả cân nặng, chiều cao, giới tính, nhóm máu và một số thông tin khác về tiền sử, lịch sử bệnh.
Một kỳ vọng nữa mà HSQLSK cá nhân hướng tới là mỗi người dân sẽ đều được quản lý, được chăm sóc sức khỏe một cách trực tiếp, cụ thể, toàn diện với một nhóm bác sĩ hoặc một bác sĩ ở gần nhất thông qua HSQLSK.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Bùi Thanh Mai, khi mỗi người dân có một HSQLSK, toàn bộ dữ liệu trong hồ sơ sẽ được cập nhật trên hệ thống thông tin giám định của BHXH Việt Nam, được chia sẻ trên toàn quốc. Đồng thời, mỗi người dân sẽ giữ một bộ hồ sơ giấy tương tự như quyển y bạ. Cũng thông qua đây, các nhà quản lý có thể dễ dàng nắm bắt được xu hướng bệnh tật của Việt Nam trong từng thời điểm.
100% người dân có hồ sơ quản lý sức khỏe
Việc lập HSQLSK cá nhân đã được triển khai thí điểm tại 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Bắc Ninh và Phú Thọ. Theo đó, tỉnh Phú Thọ đã triển khai thí điểm tại huyện Yên Lập, hiện khám và lập hồ sơ sức khỏe cho hơn 62.000 người, đạt 67%.
Dự kiến từ tháng 3 đến hết tháng 6/2017, Phú Thọ đặt mục tiêu khám và lập hồ sơ sức khỏe cho trên 90% dân số trên địa bàn. Tương tự, Bắc Ninh thí điểm triển khai tại 2 xã thuộc huyện Quế Võ, đã khám và lập hồ sơ cho trên 15.000 người. Dự kiến, trong tháng 5 - 6/2017, Bắc Ninh sẽ triển khai trong toàn toàn tỉnh.
Còn tại Hà Nội, từ năm 2014 đã triển khai mô hình bác sỹ gia đình và đã thực hiện quản lý trên 35.000 hồ sơ sức khỏe. Hiện Sở Y tế Hà Nội đang xây dựng kế hoạch triển khai quản lý hồ sơ cá nhân để trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự kiến từ tháng 3 đến tháng 9/2017 sẽ hoàn thành mục tiêu. Sau khi rút kinh nghiệm từ việc thực hiện thí điểm, trong năm 2017 ngành BHXH sẽ tập trung lập HSQLSK cho 100% người dân và cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu, cơ bản, phục vụ khám chữa bệnh thông thường nhất cho người dân.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam Bùi Thanh Mai, khi người dân có HSQLSK cá nhân, việc quản lý sức khỏe sẽ được thực hiện toàn diện, liên tục, phối hợp giúp hầu hết các bệnh thông thường sẽ được phát hiện sớm và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh tật nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực đối với ngành y tế.
Mặt khác, khi thông tin người bệnh thông suốt sẽ giúp giảm bớt chi phí xã hội cho việc khám, chữa bệnh và giúp bảo đảm sức khỏe cho mỗi người dân, cũng như việc quản lý chi phí bảo hiểm dễ dàng hơn, hạn chế gian lận bảo hiểm y tế.
Đây cũng được coi là cơ hội để toàn ngành y tế tiến hành tái cấu trúc lại hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng có lợi vì khi tăng cường y tế dự phòng chính là tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, cơ hội kết nối giữa bảo hiểm thương mại với bảo hiểm nhà nước.