Quản lý tài sản công để liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp y tế công lập như thế nào?

Minh Hoá

Thực tiễn triển khai hoạt động liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập hiện nay còn nhiều tồn tại, vướng mắc, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Điều này đặt ra yêu cầu cần sớm hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản công để liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Hoạt động liên doanh, liên kết đã góp phần giúp các đơn vị y tế công lập tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Hoạt động liên doanh, liên kết đã góp phần giúp các đơn vị y tế công lập tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Theo tổng hợp báo cáo của 55 Sở Y tế và 26 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tính đến tháng 12/2020, ngành Y tế đã triển khai 729 đề án liên doanh, liên kết, với tổng số vốn 5.686,38 tỷ đồng. Về hình thức liên doanh, liên kết chủ yếu là đơn vị sự nghiệp y tế công lập hợp tác với các nhà đầu tư để đầu tư xây dựng cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế công và nhà đầu tư cùng quản lý, hoặc để cho nhà đầu tư đầu tư máy móc, thiết bị tại các phòng khám của bệnh viện, cơ sở y tế và hai bên cùng khai thác. Hầu hết theo hình thức này là liên doanh, liên kết mà không thành lập pháp nhân mới, các bên tự quản lý tài sản hoặc cùng nhau quản lý tài sản trong quá trình liên doanh…

Tính đến tháng 12/2020, ngành Y tế đã triển khai 729 đề án liên doanh, liên kết, với tổng số vốn 5.686,38 tỷ đồng.

Đánh giá chung cho thấy, hoạt động này đã góp phần giúp các đơn vị sự nghiệp y tế công lập huy động nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong quản lý tài sản công để liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Theo đó, đơn vị sự nghiệp y tế công lậ có xu hướng thực hiện sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết dựa trên nhu cầu mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh phục vụ cho các đối tượng khám chữa bệnh tự nguyện, theo yêu cầu nhằm thu tiền dịch vụ hơn là mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh cho đối tượng bảo hiểm và chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Điều này dẫn đến thực trạng có sự phân biệt giữa khám chữa bệnh theo yêu cầu và theo bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, việc xây dựng đề án sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập chưa được quan tâm đúng mức, chưa phân tích, đánh giá kỹ về sự cần thiết, tính phù hợp và các phương án sử dụng tài sản công, các chỉ tiêu kinh tế, tài chính chưa đảm bảo độ tin cậy để đánh giá tính khả thi của đề án.

Sau khi đề án sử dụng tài sản công được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì việc tổ chức thực hiện đề án hoàn toàn do đơn vị thực hiện, từ tổ chức lựa chọn đối tác, ký kết hợp đồng, thực hiện quản lý hoạt động liên danh liên kết... Nếu không có sự tham gia, phối hợp, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước rất dễ nảy sinh các vi phạm, gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc quản lý và thực hiện các đề án sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết thiếu tính chuyên nghiệp. Qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều sai sót, vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các đề án sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết.

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản công để liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Cụ thể, cần ban hành mới các cơ chế chính sách đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao hiệu quả của tài sản công, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển hệ thống y tế, nhất là các bệnh viện.

Trong đó, quy định cụ thể các nội dung phù hợp với lĩnh vực y tế như: Về mục đích sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết; về tài sản để liên doanh, liên kết; Về hình thức liên doanh, liên kết; Về phương án tài chính; Về xác định giá trị thương hiệu; Về xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tài sản gắn liền với đất góp vốn liên doanh, liên kết; Về phân chia kết quả; Về thẩm quyền phê duyệt đề án…