Quản lý thông tin người nộp thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, chính sách và công tác quản lý thuế nói chung và thuế giá trị gia tăng nói riêng đối với hoạt động thương mại điện tử cần có sự thay đổi toàn diện để bắt kịp xu hướng phát triển luôn thay đổi của hoạt động này nhằm quản lý thu thuế đúng và đủ cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thương mại điện tử phát triển. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp đối với việc quản lý thông tin người nộp thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.
Đặt vấn đề
Các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) diễn ra với số lượng ngày càng nhiều và giao dịch ngày càng phức tạp, sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) chuyên sâu, trong khi đó công tác quản lý thuế đối với hoạt động này ở Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu, cơ quan thuế còn hạn chế về trình độ quản lý, nguồn nhân lực, công nghệ để có thể quản lý thuế các giao dịch TMĐT hiệu quả và đảm bảo công bằng như đối với giao dịch thương mại truyền thống.
Thực tế, Sách trắng Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2022, do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, ước tính số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chạm mốc 60 triệu, chiếm tới gần 74,8% số người sử dụng Internet; Quy mô thị trường TMĐT bán lẻ (B2C) năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, cao gấp 4 lần so với năm 2015.
Theo dự báo Google, Temasek và Brain & Company về hoạt động TMĐT các nước Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam giai đoạn 2015-2025 trung bình là 29%. Dự báo đến năm 2025, quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN. Chính vì lẽ đó, bài viết phân tích thực trạng về quản lý thông tin người nộp thuế, căn cứ tính thuế, từ đó đề xuất các giải pháp triển khai trong thời gian tới hiệu quả hơn.
Kết quả nghiên cứu
Thực trạng quản lý thông tin người nộp thuế
Trong năm 2023, các đối tượng được phân loại để quản lý thành 5 nhóm cơ bản, gồm có:
(i) Nhóm có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook… Cục Thuế TP. Hà Nội đã đưa vào danh sách quản lý đối với 465 cá nhân có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước với số thuế đã nộp là 56 tỷ đồng và trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai rà soát 503 người nộp thuế có doanh thu lên tới 498 tỷ đồng, dự kiến số thu thuế là 35 tỷ đồng.
(ii) Nhóm kinh doanh bán hàng trực tuyến (online): Cục Thuế TP. Hà Nội đang quản lý dữ liệu của 32.085 địa chỉ bán hàng online qua thu thập thông tin từ trung gian vận chuyển, trong đó 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu/năm. Cục thuế đã tiến hành rà soát đưa vào quản lý 1.332 người nộp thuế với số thuế GTGT phải nộp là nộp 12 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Cục Thuế tiếp tục triển khai rà soát đối với 2.056 cơ sở bán hàng online còn lại để thực hiện truy thu số thuế GTGT phải nộp.
(iii) Nhóm kinh doanh cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng: Cục Thuế đang quản lý dữ liệu của 756 chủ cơ sở với 2.307 địa chỉ cho thuê nhà qua ứng dụng thu thập từ trung gian cho thuê nhà, trong đó có 49 chủ cơ sở có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, doanh thu ước tính đạt 10 tỷ đồng, dự kiến số thu thuế GTGT là 1 tỷ đồng.
(iv) Nhóm tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài: Cục Thuế đã thu thập và quản lý dữ liệu phát sinh chi trả cho các nhà thầu nước ngoài của 1.447 cá nhân, tổ chức với số tiền chi trả khoảng 46 tỷ đồng, dự kiến số thuế GTGT phải nộp là 4,6 tỷ đồng.
(v) Nhóm doanh nghiệp điều hành sàn giao dịch TMĐT. Điều hành sàn giao dịch TMĐT như Sendo, Lazada, Shoppe.., điều hành các App trung gian thanh toán, App trung gian vận chuyển, Cục Thuế TP. Hà Nội đã hoàn thành thanh kiểm tra tại 6 doanh nghiệp, với tổng số tiền truy thu, phạt đạt 1,9 tỷ đồng; giảm lỗ 66 tỷ đồng. Ngoài ra, kể từ ngày 21/3/2023, với việc chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế đã có 57 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, trong đó có các nhà cung cấp nước ngoài lớn trên thế giới như: Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft...
Ngoài năm 2022 trên, kể từ ngày 21/3/2023, với việc chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế đã có 57 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, trong đó có các nhà cung cấp nước ngoài lớn trên thế giới như Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft...
Một số ý kiến của các nhà kinh doanh khi quản lý thông tin thuế qua sản TMĐT như sau: Theo ông Hà Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Vinalink: “Hiện quản lý thuế hoạt động TMĐT gặp nhiều khó khăn do các sàn TMĐT chưa có khả năng biết được mã số thuế, mức thuế ưu đãi của từng mặt hàng trên thị trường. Thêm nữa, chưa có hệ thống kết nối với cơ quan thuế để khai báo và nộp hộ, cũng như kiểm tra giao dịch có phát sinh doanh thu hay không”.
Theo ý kiến của bà Lại Việt Anh - Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số: “Hiện nay, các sàn TMĐT mong muốn phân định trách nhiệm, giới hạn phạm vi trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc kê khai nộp thuế. Các sàn phải cung cấp thông tin là bước trung gian trước khi thực hiện trách nhiệm kê khai và nộp thuế. Việc cung cấp thông tin là hợp lý, bởi vì các sàn nắm giữ, quản lý và họ thu thập thông tin của những người bán. Họ sẽ cung cấp thông tin ở mức độ trực tiếp và cụ thể nhất, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, cũng như yêu cầu về bảo mật thông tin” (Hữu Tuấn, 2023). Như vậy, số tổ chức và cá nhân phát sinh doanh thu từ hoạt động TMĐT ngày càng đa dạng, điều đó khiến cho công tác quản lý thông tin NNT càng khó khăn (Bảng 1).
Bảng 1: Tình hình quản lý thông tin Người nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội năm 2023 |
|||||
Chỉ tiêu |
Nhóm có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook |
Nhóm kinh doanh bán hàng trực tuyến (online) |
Nhóm kinh doanh cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng |
Nhóm tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài |
Nhóm doanh nghiệp điều hành sàn giao dịch TMĐT |
Số cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức có nghĩa vụ nộp thuế (người, tổ chức) (1) |
1.161 |
4.065 |
60 |
1.736 |
8 |
Số cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức đã nộp thuế (người, tổ chức) (2) |
545 |
1.585 |
60 |
1.447 |
8 |
Số thuế phải nộp NSNN (tỷ đồng) |
42 |
14 |
1,3 |
5,5 |
2,3 |
Tỷ trọng (2) / (1) (%) |
47 |
39 |
100 |
100 |
100 |
Nguồn: Cục Thuế TP. Hà Nội (2023)
Bảng 2: Tình hình quản lý thông tin người nộp thuế tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh năm 2023 |
||
Chỉ tiêu |
Tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT trên các trang web, Facebook,… |
Tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới |
Số tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng chịu thuế (người) |
1.310 |
5.487 |
Số tổ chức, cá nhân tự giác kê khai (người) |
72 |
4.279 |
Số tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ nộp thuế (người) |
697 |
122 |
Số tiền thuế nộp bổ sung (tỷ đồng) |
2,19 |
42,2 |
Số thuế truy thu và xử phạt vi phạm (tỷ đồng) |
20,3 |
14,5 |
Tỷ trọng số tổ chức, cá nhân tự giác kê khai/số tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng chịu thuế (%) |
5,5 |
78 |
Nguồn: Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh (2023)
Có thể thấy, tỷ trọng thưc hiện nghĩa vụ thuế ở nhóm có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook và nhóm kinh doanh bán hàng trực tuyến (online) có mức độ nộp thuế thấp nhất, lần lượt là 47% và 39%. Các nhóm còn lại có mức độ tuân thủ nghĩa vụ thuế cao hơn, đều đạt 100%. Trên cơ sở nắm bắt được thông tin các cá nhân, tổ chức phát sinh doanh thu từ hoạt động TMĐT có nghĩa vụ phải nộp thuế GTGT, Cục Thuế Hà Nội đã tiến hành rà soát, phối hợp các đơn vị có liên quan thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân này làm căn cứ chắc chắn xác định số thuế truy thu phải nộp. Đồng thời, cơ quan thuế cũng chủ động đề nghị 45 ngân hàng thương mại cung cấp dữ liệu thông tin để xây dựng dữ liệu quản lý thuế. Theo dữ liệu do các ngân hàng cung cấp, số lượng tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại các ngân hàng là 18.304. Tổng số thu nhập ghi nhận từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube là hơn 1.462 tỷ đồng.
Đối với Cục thuế TP. Hồ Chí Minh, công tác quản lý thông tin NNT được tiến hành với hai nhóm đối tượng là: (i) Tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT trên các trang web, Facebook… (ii) Tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới được diễn ra thường xuyên và chặt chẽ nhằm đảm bảo kiểm soát hết mọi đối tượng phát sinh hoạt động TMĐT có nghĩa vụ phải nộp thuế GTGT (Bảng 2).
Trong năm 2023, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã rà soát 14.951 trang web, từ đó xác định 1.310 chủ trang web thuộc đối tượng chịu thuế. Ngoài ra, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành rà soát 5.487 tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Trong đó, qua tuyên truyền vận động, đã có 4.279 DN và cá nhân tự giác khai bổ sung với số thuế tự kê khai và số tiền chậm nộp là 42,2 tỷ đồng. Qua kiểm tra, cơ quan thuế đã truy thu và phạt vi phạm hành chính đối với 122 trường hợp với tổng số tiền là 14,5 tỷ đồng (Cục thuế TP. Hồ Chí Minh, 2023).
Ngoài ra, việc quản lý thông tin NNT còn có sự tham gia của sản giao dịch TMĐT. Nghị định số 91/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế) quy định trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Theo đó, tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn. Trong năm 2023, đã có 258 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT với thông tin chi tiết về 14.883 tổ chức và 53.212 cá nhân đăng ký bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT.
Hạn chế và nguyên nhân hạn chế
Hạn chế
Một là, quy mô thị trường TMĐT tại Việt Nam từ năm 2015 trở lại đây có sự phát triển bứt phá và doanh thu gia tăng liên tục song số thuế GTGT thực tế thu được từ các hoạt động TMĐT không tương xứng với sự gia tăng doanh thu đó. Kết quả khảo sát cán bộ công chức thuế cho thấy phần lớn (40,3%) ý kiến cho rằng số thuế GTGT bị thất thu trong hoạt động TMĐT là từ 15-30%. Điều đó cho thấy có những kẽ hở nhất định trong quản lý các hoạt động TMĐT nằm ngoài vòng kiểm soát của các cơ quan thuế.
Hai là, cơ quan thuế chưa xác định được hết bản chất của các giao dịch TMĐT để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý người nộp thuế (NNT).
Nguyên nhân của hạn chế
- Nguyên nhân khách quan: Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều hình thức hoạt động TMĐT mới, khiến cho chính sách thuế phải luôn luôn cập nhật để bắt kịp với xu hướng mới. Trong khi đó, chính sách và các văn bản pháp luật tại Việt Nam lại có độ trễ nhất định, nên chưa thể điều chỉnh kịp với những giao dịch TMĐT mới phát sinh như giao dịch tiền điện tử, tiền áo, mô hình kinh tế chia sẻ…
Nguyên nhân chủ quan: Cơ sở vật chất ngành thuế chưa đáp ứng được tốc độ phát triển và sự thay đổi nhanh chóng của các hình thức hoạt động TMĐT. Hoạt động TMĐT xét về bản chất là hoạt động thương mại diễn ra bằng phương thức điện tử trên môi trường có kết nối internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Đối tượng được các chủ thể giao dịch trong TMĐT là hàng hóa hoặc dịch vụ… Do vậy, xu hướng thay đổi mô hình kinh doanh của hoạt động này là tất yếu.
Một số giải pháp đề xuất
Thứ nhất, xây dựng dữ liệu thông tin NNT trong hoạt động thương mại điện tử.
- Thông tin ban đầu từ NNT cung cấp có được thông qua việc tự giác khai báo của NNT. Để kiểm chứng tính xác thực của các thông tin do NNT cung cấp, cơ quan thuế có thể đối chiếu như sau:
+ Thông qua NHTM và đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán kiểm tra số tài khoản được công bố trên trang điện tử hoặc thực hiện một đơn đặt hàng giả và sau đó tiến hành xác minh giao dịch tài chính, cơ quan thuế có thể xác định được liệu doanh thu có kê khai sai hay không.
+ Sử dụng dữ liệu trên Máy chủ (Database Server): Hầu hết các DN có doanh thu từ TMĐT đều có máy chủ lưu trữ cơ sở dữ liệu nhằm kết nối giữa thông tin về hàng hóa tồn kho và lượng hàng hóa tiêu thụ. Dữ liệu tính thuế gồm thông tin về người sử dụng TMĐT, lịch sử mua hàng và thông tin thanh toán như thẻ tín dụng, chi tiết về hàng tồn kho và việc giao hàng được tích hợp và quản lý bởi máy chủ, do đó cơ quan thuế cần kiểm tra dữ liệu trên máy chủ của NNT (Lý Phương Duyên, 2015).
- Trong nhiều trường hợp NNT thường không dễ dàng chia sẻ thông tin hoặc chia sẻ thông tin không xác thực thì cơ quan thuế phải lấy thông tin từ các bên có liên quan khác như: NHTM, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc từ các tổ chức quốc tế và những nguồn khác. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc quản lý thông tin NNT bằng cách xây dựng một hệ thống dò tìm tự động trên mạng internet để thu thập thông tin từ các trang điện tử. Hệ thống dò tìm tự động trên mạng internet cho phép người dùng tìm được tên và địa chỉ URL của các trang điện tử dựa trên các từ khóa tìm kiếm cụ thể và thu thập hình ảnh, đường dẫn và thông tin khác trên trang điện tử một cách tự động nhằm nhận diện những NNT không rõ ràng. Hệ thống này giúp nâng cao hiệu quả và giảm nguồn lực thu thập thông tin thông qua việc thực hiện các thao tác thủ công như sử dụng Yahoo, Google và các trang tìm kiếm khác. Giai đoạn đầu, trước khi có thể xây dựng được hệ thống dò tìm tự động như của Nhật Bản, Việt Nam có thể tiến hành mua cơ sở dữ liệu từ một số tập đoàn, doanh nghiệp trong nước như VC Corp, VNG, các sàn giao dịch TMĐT.
Thứ hai, thay đổi công cụ quản lý thuế thông qua hiện đại hóa cơ sở vật chất ngành Thuế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thuế, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động TMĐT.
- Nâng cấp hệ thống cung cấp dịch vụ thuế điện tử bởi hệ thống này đôi khi bị quá tải, nghẽn mạng hoặc xử lý chậm. Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp các dịch vụ thuế điện tử phải tiếp nhận và xử lý một lượng giao dịch rất lớn tập trung vào các thời kỳ cao điểm.
- Ngành Thuế chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT; áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ người nộp thuế theo hình thức điện tử. Trước mắt, ngành Thuế có thể xem xét đàm phán với một số quốc gia phát triển có ứng dụng CNTT tiến tiến trong quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc để đặt mua các ứng dụng này về triển khai, áp dụng.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Công Thương (2014), Thông tư số 47/2014/TT-BCT, ngày 5/12/2014 về quy định về quản lý website;
- Bộ Công Thương (2010 -2021), Báo cáo TMĐT Việt Nam 2010-2021;
- Cục Thuế Hà Nội (2022), Báo cáo tình hình thu thuế;
- Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh (2022), Báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động TMĐT;
- Lý Phương Duyên (2015), Trốn thuế TMĐT: Nhận diện các hành vi và giải pháp xử lý, Tạp chí Tài chính kỳ I, tháng 7/2015;
- Phương Nga (2023), “Kinh doanh qua thương mại điện tử: Thu "khủng", đóng thuế vẫn "hẻo"”, https://kinhtedothi.vn/kinh-doanh-qua-thuongmai-dien-tu-thu-khung-dong-thue-van heo.html;
- Tổng cục Thuế (2018-2022), Báo cáo công tác quản lý thuế;
- Hữu Tuấn (2023), “Dồn lực chống thất thu thuế thương mại điện tử”, Báo Đầu tư, https://baodautu.vn/don-luc-chong-that-thu-thue-thuongmai-dien-tu-d183827.html.