Quản trị doanh nghiệp cần nỗ lực theo thông lệ quốc tế
(Taichinh) - Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998, nhu cầu vốn cho phát triển là rất lớn. Trong khi ở nước ta, thị trường vốn còn chưa phát triển, tín dụng ngân hàng - nguồn vốn chủ yếu cho phát triển sản xuất - kinh doanh - tăng nhanh.
Quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, năng lực quản trị của nhiều tổ chức tín dụng và doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, hiện một số trường hợp vi phạm pháp luật.
Cùng với tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, không trả được nợ, dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Việt Nam xếp thứ 22 về quản trị doanh nghiệp
Trong báo cáo “Cân bằng giữa nguyên tắc và sự linh hoạt” đề cập tính minh bạch khả năng thực thi và một số công cụ trong quản trị doanh nghiệp đang được áp dụng tại 25 thị trường, trong đó có Việt Nam, do Công ty Kiểm toán và Tư vấn KPMG và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) công bố vào cuối tháng 01/2015, bộ công cụ quản trị doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 22/25, chỉ đứng trên Myanmar, Brunei, Lào và thấp hơn Campuchia (thứ 20) cũng như cách biệt khá xa so với Thái Lan (thứ 11).
Xét số lượng các quy định về quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, ngoài Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 quy định về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng mang tính bắt buộc và hướng dẫn thực thi quản trị doanh nghiệp theo nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mang tính tự nguyện, Việt Nam còn có những hoạt động, dự án liên quan đến quản trị doanh nghiệp như xuất bản “Sổ tay quản trị công ty”, dự án “Báo cáo thẻ điểm quản trị công ty” (2009 - 2012) của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)…
Tuy nhiên, ông John Dity, Giám đốc Tư vấn của KPMG ở Việt Nam đánh giá, so với mức trung bình (4 quy định) và luật về quản trị doanh nghiệp ở 25 nước tham gia khảo sát, Việt Nam có rất ít quy định liên quan đến quản trị doanh nghiệp. Bà Anh Đào thừa nhận: “Quản trị công ty của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần cải thiện”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá, mức độ cập nhật quy tắc quản trị doanh nghiệp của Việt Nam còn chậm so với biến động thực tế. Trong khi các nước đều cập nhật quy tắc quản trị doanh nghiệp hàng năm thì Việt Nam vẫn sử dụng các quy định ban hành từ 2 - 3 năm trước đó.
Báo cáo của KPMG và ACCA tập trung vào 4 yếu tố chính, gồm: Lãnh đạo và văn hóa công ty, chiến lược tạo hiệu quả, giám sát và tuân thủ, sự tham gia của các bên liên quan.
Báo cáo cũng lấy bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp của OECD làm cơ sở so sánh, tham chiếu, đánh giá việc thực thi. Kết quả, dù các chỉ số nghiên cứu cho thấy, Việt Nam đã và đang thực hiện khá tốt một số yếu tố then chốt như tính độc lập của giám đốc, vai trò của ban quản trị và quyền lợi của cổ đông, nhưng vẫn còn một số lĩnh vực cần cải thiện.
Cụ thể, ở yếu tố lãnh đạo và văn hóa công ty, nhóm cổ đông lớn vẫn tác động mạnh đến công ty. Quy tắc hành xử của các thành viên hội đồng quản trị vẫn còn nhiều điểm phải điều chỉnh; hay mức độ tuân thủ nguyên tắc của OECD của Việt Nam trong vấn đề thù lao cho hội đồng quản trị, lương, hệ thống đánh giá hiệu quả công việc hầu như rất thấp, ở mức 4%. Việt Nam cũng không có nhiều hướng dẫn để đảm bảo việc tuân thủ quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, quản trị rủi ro luôn là điểm yếu của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam.
Một đánh giá chung từ các chuyên gia quốc tế về quản trị doanh nghiệp cho thấy, quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 8% ở tuân thủ, 20% là tự nguyện, trong khi các nước tỷ lệ này khoảng 50 - 50%.
Ngay tại những doanh nghiệp niêm yết lớn trên thị trường chứng khoán được xem là đi đầu về quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam, việc thực hiện quản trị doanh nghiệp tốt theo thông lệ quốc tế mới chỉ bắt đầu. Tuy nhiên, những nỗ lực cải thiện tình hình quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, đang dần trở thành một động lực cho những doanh nghiệp khác.
Doanh nghiệp nỗ lực đạt chuẩn theo thông lệ quốc tế
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, nhiều tài liệu chứng minh quản trị doanh nghiệp liên quan chặt chẽ hoạt động của công ty, triển vọng phát triển. Bởi chỉ riêng việc minh bạch, công khai sẽ có thể giúp nhà đầu tư rót tiền vào doanh nghiệp thay vì gửi ngân hàng.
Nguồn vốn chỉ đổ vào những nơi thuận lợi, thiết chế minh bạch mà quản trị doanh nghiệp tốt đóng vai trò quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, để tăng cơ hội hợp tác với các tập đoàn thì vấn đề quản trị doanh nghiệp sẽ càng được đặt nặng hơn. Trong khi đó, với nhiều doanh nghiệp, sự minh bạch chưa phải nhu cầu tự thân.
Bà Ngô Thị Thu Trang, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành tài chính Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết: Là doanh nghiệp niêm yết sớm trên thị trường chứng khoán Việt Nam nên công ty đã ý thức được về quản trị doanh nghiệp, trước hết là tuân thủ các quy định và sau này với sự tham gia của các cổ đông nước ngoài, chúng tôi nhận được nhiều khuyến nghị về những thông lệ quản trị tốt nhất trên thị trường. Những thay đổi này đã tạo ra nhiều tác động tốt cho hoạt động doanh nghiệp.
“Thực sự chúng ta có nhiều quy định quy chế về quản trị doanh nghiệp nhưng việc tuân thủ còn thấp, phải nỗ lực từ nhiều phía: Nhà nước, cơ quan quản lý, cổ đông lớn, những người đưa ra quyết định có ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp”, bà Trang chia sẻ.
Theo các chuyên gia, dù quản trị doanh nghiệp không phải là lời giải cho mọi vấn đề về quản trị công ty nhưng việc nhìn nhận đúng đắn và thực thi nghiêm túc các quy chuẩn trong quản trị doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch, tạo sự tin tưởng nơi nhà đầu tư, thu hút dòng vốn và chiếm lĩnh thị trường kinh doanh.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG, nhấn mạnh: “Nếu không quản trị doanh nghiệp tốt, công ty sẽ khó phát triển bền vững, khó vươn ra thế giới, khó cạnh tranh toàn cầu và khó đạt mức lợi nhuận tối đa”.
Để cải thiện quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần thay đổi những khiếm khuyết về quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam như: Báo cáo tài chính chất lượng kém, chưa phản ánh đúng thực trạng - thậm chí có gian lận; năng lực giám sát tài chính kém; cam kết của hội đồng quản trị về quản trị doanh nghiệp chưa đủ mạnh; các giao dịch cổ phiếu của hội đồng quản trị chưa minh bạch; giao dịch với các bên liên quan chưa minh bạch; một số chưa tuân thủ luật; các chính sách của doanh nghiệp chưa phù hợp; đối xử với các cổ đông kém; có sự sở hữu chéo và thống lĩnh sở hữu.
Bà Anh Đào cho biết, do bộ quy chuẩn về quản trị doanh nghiệp chưa hoàn thiện, vì vậy, trong năm 2015 và các năm tiếp theo, HOSE nói riêng và phía quản lý sẽ thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các quy định, quy chế về quản trị doanh nghiệp nhằm tăng cường áp dụng các thông lệ tốt trên thế giới về quản trị công ty cho các doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp không ý thức và từng bước tự hoàn thiện vì sự phát triển lâu dài, thì sẽ khó tự nguyện triển khai quản trị doanh nghiệp tốt. Doanh nghiệp sẽ chỉ thực hiện quản trị doanh nghiệp theo cách đối phó, dừng ở mức độ tuân thủ tối thiểu các quy định bắt buộc. Khi đó, theo các chuyên gia, quản trị doanh nghiệp trong công ty không còn nhiều ý nghĩa và không đạt được hiệu quả.
Ông Chris Razook, phụ trách quản trị doanh nghiệp của IFC, khu vực Đông Á Thái Bình Dương khuyến nghị, Việt Nam cần làm nhiều hơn vào thời điểm này vì quá trình hội nhập châu Á đang đến gần. “Dù đang ở đâu, thực trạng doanh nghiệp như thế nào thì đều có thể đặt vào thang đo quản trị doanh nghiệp và chúng ta muốn hướng đến mức cao hơn tuân thủ. Khi có lợi ích cụ thể thì công tác thực hiện quản trị doanh nghiệp sẽ cán đích”, ông Chris nói.