Bảo hiểm Việt Nam:
Vươn tầm chuẩn mực quốc tế
(Tài chính) Mục tiêu chiến lược của Đảng và Chính phủ đã chỉ rõ, trong thời gian tới Việt Nam đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Thực hiện chỉ đạo đó, lĩnh vực bảo hiểm đã không ngừng hoàn thiện về cơ chế chính sách nhằm đáp ứng quá trình hội nhập, tiến tới các chuẩn mực quốc tế đồng thời đẩy mạnh hoạt động hội nhập quốc tế phát triển trên mọi phương diện.
Góp phần xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh
Năm 2014, cùng với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong nước, thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội; cải thiện môi trường đầu tư; giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy hội nhập, tăng trưởng kinh tế - xã hội...
Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 10,5%; bảo hiểm nhân thọ tăng 17,9%. Bên cạnh kết quả tích cực về tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm, các chỉ tiêu quan trọng khác của thị trường cũng đạt kết quả khả quan.
Cụ thể, theo thống kê từ các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cho thấy, tổng số tiền đầu tư của các DNBH đạt 131.371 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, trong đó, các DNBH nhân thọ đạt khoảng 102.968 tỷ đồng (tăng 18,2%), DNBH phi nhân thọ đạt khoảng 28.403 tỷ đồng (tăng 7%); Bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước khoảng 18.552 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ, trong đó các DNBH nhân thọ ước khoảng 8.199 tỷ đồng (tăng 3,9%), các DNBH phi nhân thọ ước khoảng 10.353 tỷ đồng (tăng 4,2%).
Trong những năm qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ duy trì tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 21%/năm) đã huy động trên 85.000 tỷ đồng vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, phần lớn thông qua hình thức phí bảo hiểm vào các hợp đồng bảo hiểm tiết kiệm và đầu tư dài hạn (thời hạn trên 10 năm), qua đó góp phần kiềm chế lạm phát, tăng tích lũy tiết kiệm cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chính sách tài khóa.
Nhờ vào tốc độ tăng trưởng vượt bậc, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã góp phần bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư vơi tất cả các loại hình tài sản bao gồm công trình xây dựng, tài sản của mọi thành phần kinh tế từ Nhà nước, tư nhân đến đầu tư nước ngoài; mọi ngành kinh tế từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; với đa dạng loại hình bảo hiểm từ bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm hàng hải cho đến bảo hiểm bảo lãnh, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản...
Trước yêu cầu và thách thức của xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng đã chủ động tích cực hội nhập trên mọi phương diện . Tiến trình hội nhập đã tạo điều kiện cho các công ty tái bảo hiểm quốc tế thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với thị trường bảo hiểm trong nước, qua đó không chỉ cung cấp các giải pháp bảo vệ tài chính cho các DNBH mà còn thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý rủi ro và bồi thường cho người tham gia bảo hiểm trong nước.
Cùng với đó, việc tham gia thị trường của các công ty bảo hiểm nước ngoài (26 DNBH có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào các DNBH trong nước không chỉ nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, nghiệp vụ chuyên môn bảo hiểm cho thị trường bảo hiểm mà còn góp phần xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực liên quan khác.
Đối với các hiệp định tự do hoá thương mại song phương và đa phương, lĩnh vực bảo hiểm luôn cam kết với lộ trình và mức độ mở cửa thị trường cao, tạo điều kiện thúc đẩy hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...
Vươn tầm chuẩn mực quốc tế
Mục tiêu phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2015-2020 là phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế - xã hội và tài chính quốc gia trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viê; tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt mức cao và ổn định (trên 10%/năm); tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ luật pháp về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, năng lực cạnh tranh của các DNBH…
Để thị trường bảo hiểm tiến sâu vào sân chơi quốc tế, Bộ Tài chính đã đặt mục tiêu phát triển toàn diện các nhân tố thị trường với sự đa dạng hoá sở hữu, loại hình các DNBH trên thị trường; các tiêu chí cấp phép được qui định công khai, minh bạch và được lượng hoá (về năng lực tài chính và năng lực quản trị điều hành của chủ đầu tư). Nhìn chung, các tiêu chí và thủ tục cấp phép hiện tại đã đảm bảo sàng lọc, lựa chọn các chủ đầu tư thực sự có uy tín, có năng lực tài chính và tiềm năng phát triển mạnh, cam kết làm ăn lâu dài tại Việt nam.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ưu tiên các cơ chế, chính sách để tạo sự bình đẳng cho các chủ đầu tư góp vốn thành lập DNBH, DNMGBH (nhà nước, tư nhân, nước ngoài,…) thông qua xoá bỏ các rào cản, phân biệt đối xử. Các công ty bảo hiểm trong nước và nước ngoài đều được điều chỉnh bởi cùng một khung pháp lý. Các quy định về gia nhập thị trường như vốn tối thiểu, đặt cọc, thủ tục cấp phép, các quy định về đảm bảo khả năng thanh toán đều được áp dụng chung cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Một số lĩnh vực, nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế hơn nhà đầu tư trong nước quy định tại các văn bản trước đây đã được xóa bỏ sau khi Việt Nam gia nhập WTO (hạn chế về phạm vi hoạt động, đối tượng khách hàng, số lượng nghiệp vụ bảo hiểm được triển khai, tái bảo hiểm bắt buộc...).
Đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo hiểm từng bước hoàn chỉnh theo hướng ngày càng chi tiết, rõ ràng, minh bạch, cụ thể hoá các quy định đối với từng lĩnh vực bảo hiểm (thậm chí đến từng loại hình nghiệp vụ, sản phẩm bảo hiểm đặc thù), phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về KDBH là nền tảng cơ bản để TTBH hội nhập quốc tế.
Cụ thể là, trên cơ sở của Luật sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12, Nghị định 123/2011/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 124/2012/TT-BTC, Thông tư số 232/2012/TT-BTC; Sửa đổi quy định về chế độ kế toán áp dụng cho các DNBH phù hợp với các chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam; Xây dựng quy định về việc thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, cho phép cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo đúng lộ trình cam kết.
Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm luôn được phát triển an toàn và lành mạnh thông qua các quy định về tài chính như: vốn điều lệ phải phù hợp với quy mô và mức độ rủi ro hoạt động của DNBH; nguồn vốn chủ sở hữu phải luôn duy trì không thấp hơn vốn pháp định trong suốt quá trình hoạt động, hoạt động đầu tư vốn cũng được quy định chặt chẽ về hạn mức đầu tư; biên khả năng thanh toán phải loại trừ các tài sản có tính thanh khoản thấp. Nhìn chung, các quy định về chế độ tài chính của DNBH đảm bảo hạn chế được các ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế tài chính tác động lên các DNBH.
Nhờ vào những nỗ lực của toàn ngành Bảo hiểm mà trong thời gian qua, các hoạt động hợp tác quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, Việt Nam đã trở thành thành viên Diễn đàn các cơ quan quản lý bảo hiểm Đông Nam Á (AIRM) và Hiệp hội quốc tế của các nhà quản lý bảo hiểm (IAIS). Cơ quan quản lý nhà nước về KDBH đã từng bước tuân thủ một phần hoặc tuân thủ hoàn toàn các chuẩn mực quản lý, giám sát bảo hiểm của IAIS. Tính đến năm 2014, trong số 26 chuẩn mực được IAIS ban hành thì Việt Nam đã tuân thủ hoàn toàn 11 chuẩn mực, tương đối tuân thủ 11 chuẩn mực, tuân thủ một phần 4 chuẩn mực.
Các chính sách về quản trị doanh nghiệp, hệ thống cảnh báo sớm đã được hình thành thông qua cơ chế tham vấn, chia sẻ thông tin qua diễn đàn Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM). Hợp tác song phương với các tổ chức, đối tác quốc tế đã và đang hỗ trợ cơ quan quản lý, giám sát xây dựng chính sách về bảo hiểm thiên tai (WB, ADB), bảo hiểm năng lượng nguyên tử (Pool bảo hiểm năng lượng nguyên tử Nhật Bản); phát triển hệ thống công nghệ thông tin (WB), đào tạo tăng cường năng lực (FSS Hàn Quốc, FSA Nhật Bản)...