Quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong quản trị quốc gia đã và đang trở thành xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới. Với Việt Nam, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Chính phủ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Trên thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Sáng 29/11/2021, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ (Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng) đã phối hợp với Khoa Chính trị – Hành chính (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và Tạp chí Quản lý Nhà nước (Học viện Hành chính Quốc gia) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế trực tuyến: “Quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số”. Hội thảo là nơi trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong quản trị số và xây dựng chính phủ số, qua đó cung cấp, hệ thống hóa luận cứ khoa học về quản trị nhà nước, tham vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản trị nhà nước dưới tác động của chuyển đổi số trong các cơ quan thuộc khu vực công, từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo tập trung vào 5 nội dung chính, gồm: (1) Lý luận và phương pháp nghiên cứu về quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số; (2) Hoạt động quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước ở Việt Nam; (3) Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số; (4) Cơ hội, thách thức đối với hoạt động của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số; (5) Kinh nghiệm quốc tế trong nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhấn mạnh, thế giới đã trải qua rất nhiều mô hình quản trị, từ những năm 1950 đã biết đến quản trị dự án, năm 1980 biết đến quản trị chất lượng và từ năm 2010 đến hiện nay là quản trị chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đây là những xu hướng mà các cơ quan chuyên môn đã tiếp cận và tạo ra các diễn đàn để mở ra cơ hội tiếp cận các xu hướng mới. Chuyển đổi số trong quản trị quốc gia hay nói một cách khác là chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước đã và đang trở thành xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới. Với Việt Nam, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Chính phủ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Phụ trách điều hành Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, quản trị nhà nước tốt đã khó, quản trị trong bối cảnh chuyển đổi số lại càng nhiều thách thức, hội thảo lần này vừa thể hiện niềm tin vừa là tinh thần trách của các bên liên quan đối với việc đóng góp tiếng nói giải pháp, kinh nghiệm của các lĩnh vực khác nhau của quản trị nhà nước.
Phó Giám đốc Phụ trách điều hành Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới và hiện nay việc chuyển dịch này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, giống như công cuộc khai phá kinh tế diễn ra trong thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, không gian mạng được mở rộng sẽ tạo môi trường và không gian phát triển mới cho đất nước.
Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ, kinh tế số và xã hội số. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và công dân số trên địa bàn của địa phương đó. Ở cấp độ cá nhân, chuyển đổi số là chuyển đổi cách tư duy về vai trò của công dân, chuyển đổi về cách hợp tác với cơ quan nhà nước để bảo đảm quyền và lợi ích của cả hai phía.
"Quản trị nhà nước không phải là quá trình tác động một chiều từ phía nhà nước, cơ quan quản lý đến đối tượng quản lý. Đó là quá trình tương hỗ nhiều chiều giữa nhà nước, thị trường và xã hội, quá trình đó dưới sự hỗ trợ của chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ đề ra đột phá cả về lượng và chất" , Phó Giám đốc Phụ trách điều hành Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh.
Trên góc nhìn học thuật, PGS., TS. Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Hội thảo này là một diễn đàn học thuật có chất lượng của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia trao đổi, chia sẻ với mong muốn có những đóng góp thiết thực trong công tác quản lý nói chung, đặc biệt là quản lý nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Quang Vinh - Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước khẳng định: Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam đã chỉ rõ: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội”. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với 3 nhiệm vụ chính là: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Chính vì vậy, chuyển đổi số hiện đang là yêu cầu bắt buộc mà các bộ, ngành địa phương, tổ chức doanh nghiệp cần thực hiện. Trên thực tế, các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp đang rất tích cực trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số.
Hội thảo đã lắng nghe tham luận: “Quản lý chuyển đổi kỹ thuật số” của 2 chuyên gia TS. Cherry và Rob England, CEO of Teal Unicorn; Tham luận: “Cuộc cách mạng bứt phá đến Chính phủ thông minh CĐS của Việt Nam” của TS. Lê Dương Lâm – Nhà sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần Crowdbiz Việt Nam; Tham luận: “Để phát triển đất nước, Việt Nam cần có chiến lược như thế nào trong thời gian tới” của ông Lâm Việt Tùng – Chuyên gia tư vấn Công nghệ thông tin – Viễn Thông cho Vodafone Ziggo (Hà Lan)...
Ngoài ra, Hội thảo đã nhận được những chia sẻ dưới góc nhìn của các chuyên gia, nhà quản lý, như: TS. Amkha Vongmeunka - Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào); ông Nguyễn Xuân Bình - nguyên Phó Chủ tịch TP. Hải Phòng; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng ban Kinh tế (Ngân sách HĐND tỉnh Vĩnh Long); ông Phan Trung Hiếu - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm Hoàn Cầu; ThS. Lê Hồng Hạnh – Học viện Hành chính Quốc gia; ThS. Trần Trương Gia Bảo – NCS của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Đồng chủ trì và điều hành Hội thảo gồm: bà Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2; TS. Phạm Huỳnh Minh Hùng, Trưởng khoa Chính trị – Hành chính, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Quang Vinh - Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia. Tham dự Hội thảo có hơn 200 nhà quản lý, các đại biểu đến từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các sở, ngành địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế; các nhà khoa học, diễn giả trong và ngoài nước; các cơ quan thông tấn, báo chí dự và đưa tin qua các điểm cầu trực tuyến.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 100 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia đến từ 38 trường đại học, học viện, trường đào tạo, bồi dưỡng, trường chính trị; 7 sở, ngành địa phương, 5 doanh nghiệp, tập đoàn; 5 cơ quan báo chí, truyền thông. Hội thảo nhận được sự quan tâm của các diễn giả, chuyên gia quốc tế, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại các nước, như: Hà Lan, NewZealand, Hoa Kỳ, Anh, Australia... các nhà khoa học đã gửi các tham luận và gợi mở, đề xuất các ý kiến tâm huyết, đóng góp vào chủ đề hội thảo.