Quảng Trị: Cần xây dựng các quy chuẩn để triển khai hiệu quả hoạt động khuyến công

Yến Tâm

Để tiếp tục phát huy vai trò của khuyến công là “chiếc cầu nối” cho doanh nghiệp đến thành công và tăng thêm hiệu quả sử dụng nguồn vốn khuyến công, cần xây dựng những quy chuẩn để triển khai, thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Hệ thống máy cắt chia khổ carton tự động được hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn vốn khuyến công quốc gia giúp Công ty Cổ phần Bao bì Carton Quảng Trị nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hệ thống máy cắt chia khổ carton tự động được hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn vốn khuyến công quốc gia giúp Công ty Cổ phần Bao bì Carton Quảng Trị nâng cao chất lượng sản phẩm.

Xây dựng kế hoạch khuyến công gắn liền thực tế

Trong thời gian qua, Sở Công Thương Quảng Trị đã tham mưu HĐND, UBND Tỉnh ban hành Nghị quyết số 38/2020/NQ-HĐND ngày 23/7/2020 về quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Chương trình Khuyến công tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 3849/QĐ-UBND ngày 29/12/2020.

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Trị đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và liên tục về chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chính sách khuyến công.

Hằng năm, Sở Công Thương Quảng Trị ban hành các văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch khuyến công bám sát mục tiêu phát triển công nghiệp nông thôn của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Trị đề ra để triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai, Sở Công Thương chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động khuyến công trên địa bàn Tỉnh.

Cùng với đó, Tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công năm 2023 tại các tỉnh Bình Định, Đắk Nông, Kon Tum. Qua đó trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác quản lý, triển khai thực hiện các nội dung chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công và quản lý cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

Cần có những hướng dẫn cụ thể trong hoạt động khuyến công

Có thể nói, nhờ sự quan tâm từ Trung ương và Bộ Công Thương cũng như các cấp chính quyền địa phương nên hoạt động khuyến công  tại tỉnh Quảng Trị luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện, kinh phí khuyến công năm sau luôn cao hơn năm trước.

Kết quả là, tỉnh Quảng Trị đã tạo nên một phong trào mới trong khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, tăng cường thu mua nguyên liệu cho bà con nông dân, hàng hoá ngày được làm ra nhiều hơn, chất lượng cao hơn và mẫu mã đẹp hơn. Đồng thời, thị trường ngày càng rộng mở, một số sản phẩm đã vươn ra thị trường nước ngoài…

Tuy nhiên, để đảm bảo việc thực thi có hiệu lực, hiệu quả các nội dung hoạt động khuyến công thì cần có những hướng dẫn cụ thể. Các hướng dẫn càng chi tiết (đến từng đề án, từng nhiệm vụ) sẽ giúp tạo ra một quy chuẩn để thực hiện, lúc đó sẽ thuận lợi hơn cho cả đơn vị thực hiện, đơn vị quản lý và đơn vị giám sát.

Thời gian vừa qua, các hướng dẫn như: Thông tư số 36/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia; Thông tư số 17/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2013/TT-BCT; Thông tư số 28/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công; Thông tư số 26/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về việc tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… đã dần cụ thể hoá việc thực thi các hoạt động khuyến công. Tuy nhiên, các nội dung hướng dẫn này cũng chưa đầy đủ, toàn diện trong điều kiện hiện nay. Điều này dẫn đến khi triển khai áp dụng các địa phương có sự khác nhau. Do đó, việc xây dựng, chuẩn hoá, hướng dẫn lại chi tiết từng nội dung của hoạt động khuyến công là rất cần thiết trong giai đoạn tiếp theo.