Quảng Trị giải ngân vốn đầu tư: Rốt ráo phấn đấu hoàn thành kế hoạch
Năm 2016, Quảng Trị có tổng vốn đầu tư khá cao từ ngân sách nhà nước, chính vì vậy, việc thực hiện giải ngân các nguồn vốn này được lãnh đạo tỉnh cũng như các đơn vị sở, ngành, chủ đầu tư rất chú trọng thực hiện.
Chủ động phối hợp
Số liệu từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) Quảng Trị cho biết, tính đến ngày 31/8/2016, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) do tỉnh quản lý năm 2016 được giao kế hoạch là trên 2.054 tỷ đồng; trong đó, riêng nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương (NSĐP), ngân sách trung ương (NSTW), chương trình mục tiêu (CTMT), trái phiếu chính phủ (TPCP) có tổng vốn trên 1.470 tỷ đồng.
Với số vốn đầu tư lớn như vậy, để công tác giải ngân đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Trị cho biết, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn (NSNN), TPCP và khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Tất cả các dự án đầu tư năm 2016 đều thực hiện theo mức vốn Trung ương giao, ưu tiên bố trí cho các dự án hoàn thành, các dự án chuyển tiếp, góp phần giảm nợ. Công tác thanh toán vốn đầu tư cũng được KBNN tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư rút ngắn thời gian kiểm soát hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Mọi khoản chi được kiểm soát chặt chẽ theo Luật NSNN và các văn bản của cấp có thẩm quyền. Điều quan trọng là một số chủ đầu tư đã chủ động hơn, phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan đẩy nhanh thanh toán vốn đầu tư của công trình, tích cực chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Tuy nhiên, theo ông Tân, mặc dù tỉnh đã tập trung cho công tác giải ngân từ đầu năm, song tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn vẫn đạt thấp so với yêu cầu đề ra. Tính đến ngày 31/8/2016, giải ngân vốn đầu tư từ NSNN của tỉnh đạt 983,464 tỷ đồng; trong đó, giải ngân từ NSĐP, NSTW, CTMT, TPCP là 878,250 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch. Nguyên nhân cơ bản của việc giải ngân chậm, ông Tân lý giải là do vướng mắc trong thực thi Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng…
Nguyên nhân ông Tân chỉ ra cũng đã từng được nhiều tỉnh khác phản ánh với Bộ Tài chính và Chính phủ trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư. Thực tế từ đầu tháng 7/2016, Chính phủ đã có giải pháp tháo gỡ vướng mắc qua việc ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP. Ngay sau khi có nghị quyết, ông Tân cho biết, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn và ban hành Chỉ thị triển khai Nghị quyết 60, đồng thời chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành, chủ đầu tư trên toàn địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp mà tỉnh đã nêu rõ trong chỉ thị.
Xử lý nghiêm việc gây khó cho công tác giải ngân
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, mục tiêu giải ngân các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2016 phải đạt tỷ lệ trên 90% và hết thời gian kéo dài thời hạn giải ngân phải đạt tỷ lệ 100%. Vì vậy, UBND tỉnh không chỉ đốc thúc các đơn vị, các chủ đầu tư thực hiện giải ngân qua hình thức ban hành chỉ thị, mà liên tục thường xuyên tổ chức họp bàn yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư báo cáo tình hình tiến độ để UBND tỉnh có phương án chủ động xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để công tác giải ngân thuận lợi.
“Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký và các nhà thầu không đủ năng lực”, ông Chính nói.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Chính, tại cuộc họp chỉ đạo công tác giải ngân gần đây nhất của tỉnh ngày 15/9, trực tiếp ông đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, KBNN tỉnh, các địa phương cùng các ban quản lý, chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án có số giải ngân thấp dưới 50% và một số dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 10% như: Xử lý các nút giao thông nguy hiểm, tạo cảnh quan đô thị TP. Đông Hà; dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt, sạt lở bờ sông Thạch Hãn; dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2014 - 2020...
Ngoài ra, vấn đề giải phóng mặt bằng cho một số dự án tiếp tục triển khai quyết liệt, trong đó ưu tiên tập trung chỉ đạo hoàn thành dứt điểm việc giải phóng mặt bằng tại TP. Đông Hà và huyện Hướng Hóa để ưu tiên các công trình thuộc Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông.
“Chúng tôi đã giao Sở Tài chính tỉnh tham mưu UBND tỉnh sửa đổi quyết định ban hành đơn giá các loại tài sản là nhà, vật kiến trúc và các loại cây trồng áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong tháng 9 này, làm cơ sở đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư trong thời gian tới, đảm bảo quy định của Nhà nước và tình hình thực tế địa phương”, ông Chính nhấn mạnh.