Quốc gia "mong manh nhất" trước sự tấn công của Tổng thống Trump trên mặt trận thương mại
Để "dỗ dành" Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ phải bớt "nuông chiều" nông dân nước này.
Canada là một trong những nền kinh tế dễ tổn thương nhất trước sự công kích của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mặt trận thương mại.
Quốc gia láng giềng phía nam này là đối tác trong 2/3 hoạt động thương mại của Canada. Các mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm mà Mỹ áp đặt đối với Canada, cũng như Liên minh châu Âu (EU) và Mexico, sẽ tác động đến nhiều ngành của nước này với số lao động lên tới 30.000 người. Viện nghiên cứu C.D. Howe Institute, dự đoán rằng các mức thuế này sẽ "cướp" đi của Canada 6.000 việc làm và 0,11% GDP.
Và những thiệt hại này sẽ còn kinh khủng hơn nếu Tổng thống Trump hiện thực hóa lời đe dọa đánh thuế 25% đối với mặt hàng ô tô. Ngành ô tô của Canada tạo công ăn việc làm cho khoảng 130.000 người và xuất khẩu 85% sản phẩm sang thị trường Mỹ.
Giới chuyên gia dự đoán rằng đầu tư doanh nghiệp sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của Canada, thay vì chi tiêu tiêu dùng, khi nợ của người tiêu dùng đã ghi nhận các mức cao kỷ lục.
Thế nhưng, giới đầu tư vốn đang không chắc là liệu họ còn có thể tự do xuất khẩu sang Mỹ nữa hay không, lại đang tỏ ra ngập ngừng. Ngân hàng trung ương Canada đã cho đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định không nâng lãi suất vào cuối tháng Ba vừa qua.
Ban đầu, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã từng hy vọng rằng có thể "lay động lòng trắc ẩn" của Tổng thống Mỹ, nhưng chiến thuật này đã thất bại sau hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong hai ngày 8-9/6 vừa qua ở La Malbaie, Quebec.
Khi ông Trudeau bảo vệ những hành động đáp trả của Canada đối với các mức thuế nhôm thép của Mỹ tại một cuộc họp báo cuối hội nghị, thì Tổng thống Trump đã đăng trên trang Twitter cá nhân của mình rằng vị thủ tướng Canada rất "yếu kém và không thành thật", đồng thời cáo buộc ông Trudeau đã có những "phát biểu sai sự thật".
Canada đã lập luận một cách dũng cảm rằng Mỹ cũng sẽ bị tổn thương trong một cuộc chiến thương mại, khi Canada là thị trường lớn nhất đối với hàng xuất khẩu từ 36/50 bang của Mỹ.
Kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương của hai quốc gia Bắc Mỹ này cũng khá "khủng": 674 tỷ USD năm 2017. Và hoạt động thương mại của hai nước cũng khá cân bằng, thậm chí năm ngoái, Mỹ còn ghi nhận thặng dự nhẹ 8,4 tỷ USD với Canada. Tuy nhiên, lợi thế đàm phán của Thủ tướng Trudeau lại khá yếu.
Không chỉ có thuế nhôm thép mà Canada và Mỹ còn có nhiều bất đồng trong đàm phán NAFTA. Canada và Mexico đang phản đối yêu cầu về "điều khoản hoàng hôn" của Mỹ. Theo điều khoản này, NAFTA sẽ tự động hết hiệu lực sau mỗi 5 năm nếu ba nước không tái chấp thuận hiệp định này, do đó nó cản trở hoạt động đầu tư dài hạn.
Ông Trudeau hồi tháng trước đã hủy một cuộc gặp với Tổng thống Trump vì Mỹ đặt ra điều kiện tiên quyết là phải chấp nhận điều khoản hoàng hôn. Thủ tướng Canada cũng bảo vệ những quy định về giải quyết tranh chấp của NAFTA, trong khi vẫn nỗ lực đảo ngược quyết định đánh thuế nhôm thép và chặn trước kế hoạch đánh thuế ô tô của Washington.
Tuy nhiên, để "bảo toàn" đầu tư và việc làm, bà Laura Dawson, người đứng đầu Viện Canada của Trung tâm Woodrow Wilson ở Washington, DC cho rằng Canada sẽ phải có những nhượng bộ.
Trong đó, Canada có thể sẽ nâng ngưỡng đánh thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ từ 20 CAD lên khoảng 1.000 CAD. Canada cũng có thể phải chấp nhận những điều kiện "khó nhằn" hơn trong vấn đề ô tô của NAFTA, bao gồm các điều kiện về tiền lương và tỷ lệ nội địa hóa của Mỹ.
Và để "dỗ dành" Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Trudeau còn có thể phải bớt "nuông chiều" nông dân nước này. Mỹ từ lâu đã không vừa ý với hệ thống quản lý nguồn cung của Canada, khi lượng nhập khẩu các mặt hàng trứng, gia cầm và các sản phẩm từ sữa, một khi vượt mức trần cho phép, sẽ phải chịu thuế trừng phạt, lên đến 298% đối với sản phẩm bơ.
Tổng thống Mỹ đã rất phẫn nộ với quy định này. Khi từ chối thỏa thuận với các nước G7 khác trong bài đăng trên trang Twitter cá nhân của mình, ông đã đổ lỗi một phần cho "các mức thuế cao khủng khiếp" của Canada mà nông dân Mỹ đang phải chịu.
Canada chỉ ra rằng các mức trợ cấp nông nghiệp của Mỹ cũng gần bằng Canada, nhưng cho đến nay thì những lý lẽ này không lay chuyển được Tổng thống Trump. Vì vậy, ông Trudeau đã phát đi tín hiệu rằng Canada có thể "linh hoạt" đối với các sản phẩm từ sữa.
Trong các cuộc đàm phán với các đối tác thương mại khác, Canada đã đề xuất mở rộng hơn một chút khả năng tiếp cận với các thị trường này và sẽ bù đắp cho nông dân. Các nhà đàm phán của Canada cũng hết lần này đến lần khác đưa ra những nhượng bộ tương tự với Mỹ, nhưng Washington vẫn cho là chưa đủ.
Sự "hung hăng" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cho Canada đoàn kết lại. Hạ viện nước này đã đồng lòng nhất trí thông qua một bản kiến nghị, trong đó ủng hộ quyết định của Thủ tướng Trudeau trong việc trả đũa thuế nhôm thép của Mỹ.
Ông Doug Ford, thủ hiến tỉnh Ontario, cho biết ông sẽ kề vai sát cánh với Thủ tướng Trudeau trong việc bảo vệ tỉnh này. Thế nhưng, nếu ông Trudeau có những nhượng bộ với Mỹ để cứu nền kinh tế nước này nhưng lại gây tổn hại cho người nông dân, thì sự đoàn kết này có lẽ sẽ sớm trở nên rời rạc.