Quốc hội thông qua Luật Hải quan (sửa đổi) với số phiếu tán thành cao
(Tài chính) Ngày 23/6, với 453 đại biểu Quốc hội, bằng 91,16% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật Hải quan (sửa đổi). Trước đó, với số phiếu tán thành cao, Quốc hội đã thông qua một số điều khoản quan trọng trong dự thảo Luật. Luật Hải quan sửa đổi được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 104 điều, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Trước đó, đọc Báo cáo Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, thảo luận của Quốc hội trước đó, cơ bản các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình. Những đóng góp của đại biểu Quốc hội vào một số nội dung, điều, khoản cụ thể đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội.
Về thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc áp dụng phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ông Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một số biện pháp nghiệp vụ mà Hải quan đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua để tạo cơ sở pháp lý cho Hải quan hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc liệt kê các biện pháp nghiệp vụ hải quan trong Luật sẽ không đầy đủ, vì vậy đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng bổ sung vào khoản 6 Điều 88 giao Chính phủ quy định chi tiết biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan.
Có ý kiến cho rằng các biện pháp kiểm soát hải quan quy định tại khoản 2 Điều 89 chưa thống nhất với giải thích khái niệm kiểm soát hải quan tại khoản 11 Điều 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý lại khoản 11 Điều 4, khoản 2 Điều 89 cho phù hợp.
Về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 90), ông Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung chức danh Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu vào khoản 1 Điều 90 của dự thảo Luật cho phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý như trong dự thảo Luật.
Về trang bị và sử dụng trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 92), Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Có ý kiến cho rằng việc trang bị và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ liên quan đến bảo đảm về quyền con người, quyền công dân, đề nghị tách nội dung này để quy định riêng. Ý kiến khác đề nghị quy định khái quát theo hướng các trang thiết bị, phương tiện này được sử dụng cho lực lượng hải quan khi làm nhiệm vụ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng đoạn cuối khoản 1 Điều 92 đã xác định rõ: “Việc trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phải theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, vì vậy đề nghị không quy định lại nội dung này trong Luật Hải quan để tránh chồng chéo, trùng lặp.
Quy định về kiểm tra sau thông quan (Điều 77), ông Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến cho rằng thời gian kiểm tra sau thông quan 5 năm là quá dài, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ý kiến khác đề nghị quy định thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan đối với doanh nghiệp thuộc khoản 1 Điều 78; đối với doanh nghiệp thuộc khoản 2 Điều 78, thời hạn kiểm tra sau thông quan là 2 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo về vấn đề này như sau: Xuất phát từ việc thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, kiểm tra sau thông quan sẽ là khâu chủ yếu và có vai trò hết sức quan trọng nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật của người khai hải quan. Vì vậy, việc xác định thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan là phù hợp với phương thức quản lý hải quan hiện đại cũng như năng lực thực hiện kiểm tra sau thông quan của tổ chức bộ máy hải quan. Với tinh thần đó, đề nghị Quốc hội cho được giữ nội dung này như dự thảo Luật”, ông Phan Trung Lý nói.