Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế

PV.

(Tài chính) Sáng 20/11/2012, với 92,57% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013.


Luật giữ nguyên quy định hiện hành về ân hạn đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng có phân loại doanh nghiệp để áp dụng ân hạn. Cụ thể, doanh nghiệp muốn được áp dụng quy định ân hạn nộp thuế 275 ngày đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đủ 4 điều kiện. Một là, có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam. Hai là, có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất hai năm liên tục tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế; nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt. Ba là, tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê; và bốn là, thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không đáp ứng các điều kiện nêu trên nhưng được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh nhưng không quá 275 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn bảo lãnh. Trường hợp không đáp ứng các điều kiện nêu trên hoặc không được tổ chức tín dụng bảo lãnh thì phải nộp thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa

Luật cũng quy định hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải nộp thuế trước khi hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập khẩu hàng hóa. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập, tái xuất và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn bảo lãnh

Hàng hóa không thuộc các điều khoản như trên thì phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế theo quy định tại khoản 32, Điều 1 của Luật này. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Các trường hợp đã được tổ chức tín dụng bảo lãnh nhưng hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp (nếu có), thì tổ chức nhận bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý Thuế cũng quy định cụ thể 7 trường hợp thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau, chậm nhất là sáu ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế theo đề nghị của người nộp thuế; trường hợp không đáp ứng điều kiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về việc chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau hoặc thông báo lý do không hoàn thuế.

Về thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau, Luật sửa đổi, bổ sung quy định việc kiểm tra sau hoàn thuế phải được thực hiện trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế đối với 4 trường hợp: Một, cơ sở kinh doanh kê khai lỗ hai năm liên tục hoặc có số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu. Hai, cơ sở kinh doanh được hoàn thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản; kinh doanh thương mại, dịch vụ. Ba, cơ sở kinh doanh thay đổi trụ sở từ hai lần trở lên trong vòng mười hai tháng kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước. Bốn, cơ sở kinh doanh có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn trong giai đoạn mười hai tháng, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước.

Đối với trường hợp không thuộc quy định như trên, việc kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế. Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì chậm nhất là bốn mươi ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế hoặc thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế lý do không hoàn thuế. Quá thời hạn quy định, nếu việc chậm ra quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi theo quy định của Chính phủ.

Đối với các khoản tiền thuế nợ, tiền phạt còn nợ không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007, Chính phủ tổ chức thực hiện xoá nợ và báo cáo Quốc hội kết quả đối với các trường hợp: Tiền thuế nợ, tiền phạt của hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn, không thanh toán được nợ thuế, đã ngừng kinh doanh; Tiền thuế nợ, tiền phạt của doanh nghiệp nhà nước đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền; tiền thuế nợ, tiền phạt của doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ thuế này.