Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020)
Với 93,52% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020).
Theo đó, mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn này được Quốc hội nhất trí đó là: "Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Trong nhóm các chỉ tiêu về kinh tế, Quốc hội nhất trí: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5 - 7%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 khoảng 4% GDP...
Để thực hiện được các chỉ tiêu về kinh tế- xã hội đề ra, Quốc hội đã đưa ra nhóm 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là:
Thứ nhất,phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội
Theo đó, tiếp tục cụ thể hóa và triển khai Hiến pháp 2013, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại. Đánh giá và xây dựng lộ trình trình tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch từng lĩnh vực, từng ngành nghề. Phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Quản lý chặt chẽ thu, chingân sách nhà nước, giảm thất thu, nợ thuế. Cơ cấu lại thu, chingân sách nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm các giới hạn nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vay bảo lãnh Chính phủ, vay để cho vay lại; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc ngân sách.
Chuyển phương thức quản lý đầu tư công theo kế hoạch hằng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. Bố trí nguồn lực tài chính nhà nước phù hợp để tham gia và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ đầu tư vào các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia. Điều chỉnh phân bổ vốn đầu tư nhà nước gắn với phân cấp phù hợp giữa Trung ương và địa phương, đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng XDCB và thu hồi các khoản vốn ứng trước.
Bảo đảm tập trung, có hiệu quả tránh phân tán, chú trọng đầu tư thủy lợi nhằm xử lý, khắc phục tình trạng khô hạn ở các tỉnh Nam Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có chuyển biến rõ rệt ngay trong năm 2016.
Thứ hai,tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư đạt chỉ số trong nhóm nước đầu khu vực Đông Nam Á. Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả, thực chất và thực hiện nghiêm các quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Nghiên cứu, hình thành cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp tình hình mới. Triển khai đồng bộ chính sách phát triển doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, mọi nguồn lực...
Thứ ba,tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại
Thứ tư,nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ.
Thứ năm,phát triển bền vững văn hoá, xã hội trên cơ sở gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân
Thứ sáu,chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thứ bảy,phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thiết lập cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân. Phát huy vai trò và trách nhiệm của cơ quan thông tin truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Thứ tám,nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ chín,tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và môi trường hoà bình để phát triển đất nước.
Thứ mười,nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.
Các chỉ tiêu về kinh tế:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5 - 7%/năm.
GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200 - 3.500 USD.
Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP.
Bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 khoảng 4% GDP.
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%.
Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm.
Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm.
Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%.