Quốc tế đánh giá cao các ưu tiên Việt Nam đề xuất trong năm APEC 2017

PV.

Phần lớn các ý kiến cho rằng, các ưu tiên cho năm APEC 2017 do Việt Nam đề xuất đã phản ánh được những quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên, để APEC tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Quang cảnh đối thoại APEC với doanh nghiệp với chủ đề “Tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết APEC”.
Quang cảnh đối thoại APEC với doanh nghiệp với chủ đề “Tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết APEC”.

Chia sẻ bên lề Hội thảo về các ưu tiên của năm APEC 2017, đại biểu từ các nền kinh tế APEC tỏ rõ sự ủng hộ và tin tưởng vai trò dẫn dắt của nước chủ nhà Việt Nam. Đặc biệt là đánh giá cao các ưu tiên của Việt Nam đề xuất trong năm APEC 2017.  

Những nội dung ưu tiên do Việt Nam đề xuất bao gồm: Liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo; Tăng cường sự sáng tạo và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.

“Các ưu tiên cho năm APEC 2017 do Việt Nam đề xuất đã phản ánh được những quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên, để APEC tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, đại biểu từ các nền kinh tế APEC nhận định.

Các vấn đề ưu tiên đã phản ánh được những quan tâm chung

Quốc tế đánh giá cao các ưu tiên Việt Nam đề xuất trong năm APEC 2017 - Ảnh 1

Ông Valery E. Sorokin - Trưởng phái đoàn các quan chức cấp cao APEC của Nga

Các ưu tiên Việt Nam đề xuất cho năm 2017 đã phản ánh được những quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên, đó là chú trọng tăng trưởng bền vững và bao trùm để mỗi người dân, mỗi nền kinh tế thành viên đều được hưởng lợi từ quá trình liên kết.

Các nền kinh tế thành viên APEC dành ưu tiên hàng đầu cho việc thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, trước hết là xây dựng chương trình nghị sự thực chất cho việc thúc đẩy thương mại tự do.

Một ưu tiên quan trọng khác là bảo đảm tính liên tục của các hoạt động của APEC, tập trung vào các lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế thành viên. Tuy nhiên, bên cạnh hội nhập khu vực, APEC cũng cần xem xét mở rộng hợp tác với các khu vực kinh tế khác, trong đó có Liên minh kinh tế Á-Âu, vì điều đó mang lại lợi ích cho các bên.

Tính kế thừa là cần thiết để đem lại lợi ích chung

Quốc tế đánh giá cao các ưu tiên Việt Nam đề xuất trong năm APEC 2017 - Ảnh 2

Ông luis Quesada - Chủ tịch SOM APEC Peru - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Peru

Những ưu tiên và chủ đề mà Việt Nam chọn lần này dựa trên một sốvấn đề quan trọng mà APEC chú trọng trong những năm gần đây và đặc biệt là trong năm 2016. Tính kế thừa là cần thiết để đi đến những kết quả và đem lại lợi ích cho các nền kinh tế thành viên.

Do vậy, Peru ủng hộ các ưu tiên do Việt Nam đề xuất, trong đó có việc thúc đẩy các nền kinh tế thành viên mở cửa hơn nữa đối với các mặt hàng thực phẩm. Ngoài ra, các nền kinh tế APEC cần tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, vì đó là cách tốt nhất để tạo cơ hội cho tất cả mọi người trong quá trình phát triển bao trùm, đồng thời để nguồn nhân lực có thể đáp ứng với yêu cầu của thị trường trong thế kỷ 21.

Các vấn đề ưu tiên Việt Nam đề xuất đều nằm trong lộ trình APEC cố gắng thực hiện

Quốc tế đánh giá cao các ưu tiên Việt Nam đề xuất trong năm APEC 2017 - Ảnh 3

Ông Alan Bollard - Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC

Chủ đề “tạo động lực mới để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng” của APEC 2017 là rất phù hợp với bối cảnh phát triển của khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Bốn hướng ưu tiên chính của Năm APEC 2017 đều quan trọng, tập trung vào tăng trưởng, hội nhập kinh tế khu vực, nông nghiệp, lương thực, sáng tạo, các doanh nghiệp nhỏ.

Những hướng ưu tiên này đều nằm trong lộ trình mà các thành viên APEC đang cố gắng thực hiện, cũng như tiếp tục công việc đã đạt được tại APEC ở Peru vừa qua. Trong đó, vấn đề lớn được đặt ra là tự do thương mại trong nhóm các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, giữ vững tốc độ phát triển và giúp các thành viên đối phó với sự đa dạng của toàn cầu hóa.

Cách tốt nhất để phát triển đó là trao cơ hội cho tất cả

Quốc tế đánh giá cao các ưu tiên Việt Nam đề xuất trong năm APEC 2017 - Ảnh 4

Ông Raúl Salazar - Trưởng phái đoàn các quan chức cao cấp (SOM) của Peru

Cho đến nay, động lực mới cho phát triển kinh tế toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vẫn chưa được tìm thấy. Vì vậy, Việt Nam đã chọn đúng chủ đề của APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Cách duy nhất để thúc đẩy kinh tế phát triển đó là trao cơ hội cho tất cả mọi người thông qua các quy định và chính sách nghiêm túc, giải quyết các đòi hỏi đặt ra của thế kỷ 21, đó là ứng dụng công nghệ mới và sự sáng tạo.

Việt Nam cũng đã chính xác khi chọn việc tiếp tục phát triển các chính sách về lương thực, sản xuất lương thực và thị trường lương thực. Chúng tôi rất hài lòng với việc Việt Nam đi theo hướng mở cửa thị trường thực phẩm với tính cạnh tranh cao, một vấn đề rất quan trọng ở các thị trường mới nổi.