Quốc tế hóa thương hiệu Việt
Đã qua cái thời doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng bằng mọi giá mang thương hiệu quốc tế.
Với độ mở vô cùng rộng của nền kinh tế hội nhập, thương hiệu Việt Nam cần được khẳng định mạnh mẽ hơn nữa trên bản đồ kinh tế thế giới, và khẳng định bằng chất lượng, tầm vóc quản trị.
“Có gì đó sai trong định hướng phát triển doanh nghiệp mang thương hiệu Việt Nam, quản trị theo chuẩn quốc tế mà ông đặt ra”, một CEO doanh nghiệp trong một buổi chia sẻ và tư vấn chiến lược hoạt động của tôi với họ, đã nêu ý kiến ngược lại khi tôi đặt mệnh đề này.
“Dấu vân tay” của thương hiệu Việt
Đây là mệnh đề mở và có lẽ đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của nhiều doanh nghiệp Việt những năm gần đây, khi không ít doanh nghiệp đã định hướng cần ra thế giới với tư thế của một doanh nghiệp quốc tế, một tập đoàn đa quốc gia.
Thực tế rằng, một doanh nghiệp quốc tế, dù được quốc tế hóa tới đâu vẫn luôn có “xuất xứ” của họ. Samsung tại Việt Nam cho dù có những nhà máy hiện đại và sản lượng có giá trị kim ngạch thu về lớn tới đâu, thì thực tế họ vẫn là thương hiệu của người Hàn. Và dĩ nhiên Samsung mang dấu ấn quản trị của người Hàn, trong sự hòa nhập để vươn đến chuẩn hóa quốc tế.
Do đó, cá nhân tôi luôn có cảm xúc tự hào với các doanh nghiệp thương hiệu Việt khi được vinh danh trên các bảng xếp hạng kinh tế thế giới. Chúng ta có một Vinamilk thương hiệu Việt Nam và tầm vóc châu Á, một VinFast rất mới mẻ nhưng khiến cả thế giới phải dõi theo từng động thái và nỗ lực để thay đổi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, dù đâu đó có thể có một phần hàm lượng nguyên vật liệu nhập khẩu từ bất kỳ quốc gia nào để cấu thành sản phẩm, hay một phần công nghệ, dây chuyền, thiết kế mẫu… được “đặt hàng” hoặc sản xuất thiết bị gốc ban đầu từ một địa bàn thuộc vùng lãnh thổ khác… thì để làm nên thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam, hẳn nhiên phải có bàn tay, khối óc, dấu ấn trí tuệ và sáng tạo Việt Nam ở đó. Và cũng như “dấu vân tay” Việt Nam in trên các thương hiệu doanh nghiệp Việt, quản trị mang tinh thần người Việt ở các doanh nghiệp này cũng phải chuẩn hóa, quốc tế hóa. Tôi tin rằng không có chuyện quản trị theo kiểu “ngồi trong xó nhà bàn chuyện thế giới” mà các doanh nghiệp có thể lớn lên, vươn ra bên ngoài.
Quản trị theo chuẩn quốc tế
Vậy tại sao tôi muốn nhấn mạnh đễn yếu tố quản trị mà không phải là câu chuyện số hóa hay ứng dụng công nghệ số để hưởng ứng và hòa nhập một kỷ nguyên kết nối không giới hạn trên nền tảng chính là internet và các thiết bị thông minh?
Xin thưa, là vì chúng ta đã hô hào quá nhiều về công nghệ 4.0 và thực tế diễn biến hoạt động tại các doanh nghiệp đã chủ động số hóa theo nhu cầu của từng đơn vị.
Ngày hôm nay, một doanh nghiệp gia nhập vào nền tảng thương mại điện tử của Amazon để dễ dàng tiếp cận hơn nữa khách hàng trên mọi thị trường thì ngày hôm sau, một doanh nghiệp cùng ngành hàng cùng lĩnh vực khó có thể tính chuyện “bịt tai trộm chuông” mà khước từ lời mời hiện diện trên nền tảng của Alibaba hoặc bất kỳ một trang thương mại điện tử tầm cỡ nào tương tự.
Do đó, không cần hô hào, nhu cầu tồn tại và phát triển sẽ tự thúc đẩy các doanh nghiệp phải hòa nhập kỷ nguyên mới. Doanh nghiệp tiên phong và chủ động hơn, doanh nghiệp đó có lợi thế hơn.
Còn với yếu tố quản trị, ở đây không chỉ câu chuyện của công nghệ hay quy trình quản lý, nó là câu chuyện của tư duy, của ý thức, thậm chí của tiềm thức và cả sự chi phối của văn hóa - tâm tính con người.
Với hàm nghĩa rất rộng, thay đổi tư duy kinh doanh, tư duy quản trị là nhìn nhận đúng đắn hơn về vai trò của các chiến lược kinh doanh, tầm nhìn kinh doanh, công việc nghiên cứu thị trường, tìm hiểu khách hàng, các hoạt động tiếp thị, quan hệ công chúng, xây dựng và phát triển nhân sự, khả năng thu hút người giỏi, giữ chân nhân tài, đối đãi đối tác… và trên cơ sở đó quyết định sự tồn tại và phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Nhìn chung, để lớn trong bất kỳ kỷ nguyên kinh doanh nào và môi trường biến động ra sao, doanh nghiệp Việt phải tư duy, suy nghĩ quốc tế. Cùng với đó, phải có những con người thực thi theo chuẩn quốc tế.
Để làm được điều này, không chỉ đọc sách mà (lãnh đạo và nhân viên) phải đi, phải đến những nơi được gọi là chuẩn quốc tế để tận mắt chứng kiến, học hỏi, từ đó biết chất lọc, và sáng tạo ra cái tốt hơn, phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Những mô hình mới, công nghệ mới... phải được ươm mầm và tạo mọi điều kiện để nẩy lộc.