Quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán
(Tài chính)Hệ thống tài chính Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt nhiều hơn với những hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi và mang tầm quốc tế. Năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật số 07/2012/QH13 về phòng, chống rửa tiền nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền. Luật có hiệu lực từ năm 2013, trong đó có các quy định về về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán
Quy định của Luật về các giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán
Khoản 5 Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền quy định 8 dấu hiệu đáng ngờ của một giao dịch trong Lĩnh vực chứng khoán, gồm:
(i) Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện;
(ii) Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý;
(iii) Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán;
(iv) Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam;
(v) Khách hàng thường xuyên bán danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc;
(vi) Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán bằng tiền mặt hoặc séc trong khoảng thời gian ngắn hoặc sẵn sàng đầu tư vào các danh mục chứng khoán không có lợi;
(vii) Tài khoản chứng khoán của khách hàng không hoạt động trong một thời gian dài nhưng đột nhiên được đầu tư lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng;
(viii) Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ các quỹ đầu tư được mở ở các vùng lãnh thổ được các tổ chức quốc tế xếp loại là có nguy cơ rửa tiền cao.
Theo Khoản 3 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền, các tổ chức được cấp phép tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán, làm đại lý phân phối chứng khoán, quản lý danh mục vốn đầu tư hoặc quản lý tiền mặt hay chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác sẽ phải có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ khi phát hiện những dấu hiệu cơ bản chung cũng như 8 dấu hiệu cơ bản trong lĩnh vực chứng khoán nêu trên. Như vậy, không phải chỉ có các công ty chứng khoán thuộc đối tượng báo cáo mà còn có các quỹ đầu tư, các trung tâm lưu ký chứng khoán, các tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ quản lý chứng khoán thay cho khách hàng.
Hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán
Sau khi Luật Phòng chống rửa tiền ra đời, nhiều Nghị định, Thông tư đã ra đời nhằm xây dựng, hoàn thiện và củng cố khung pháp lý và cơ chế thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền. Có thể kể đến Nghị định 116/2013/NĐ-CP (Nghị định 116) của Chính phủ ngày 4/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền; Thông tư 35/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền...
Đối với lĩnh vực chứng khoán, trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 148/2010/TT-BTC (Thông tư 148) ngày 24/9/2010 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi có thưởng. Thông tư này đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý hướng dẫn các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, ngày 04/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền, thay thế Nghị định số 74/2005/NĐ-CP (Nghị định 74) ngày 07/06/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền trong khi Thông tư 148 lại được xây dựng căn cứ vào Nghị định 74. Do đó, đặt ra nhu cầu cần phải xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 148 để đảm bảo tính pháp lý cũng như phù hợp với các quy định mới về phòng, chống rửa tiền.
Tại Công văn số 342/VPCP-KTTH ngày 22/02/2013 của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng đã giao cho Bộ Tài chính chủ động ban hành kịp thời các quy định, hướng dẫn Luật phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố.
Do đó, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã và đang triển khai, xem xét xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 148. Tháng 6/2014, Bộ Tài chính đã có công văn lấy ý kiến các đơn vị chuyên môn về việc báo cáo tổng kết đánh giá và đề xuất sửa đổi Thông tư 148 trong phạm vi lĩnh vực quản lý của các đơn vị và dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới.