Quy định mới về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế
Các quy định về tập trung kinh tế là một phần rất quan trọng của Luật Cạnh tranh. Trong đó, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán cần đặc biệt lưu ý quy định về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế.
Luật Cạnh tranh quy định về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế dựa trên một trong các tiêu chí gồm thị phần, giá trị giao dịch tập trung kinh tế và tổng doanh thu của một trong các bên đạt trên mức ngưỡng quy định theo Luật.
Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 35/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 do Chính phủ ban hành hướng dẫn Luật Cạnh tranh 2018 quy định: Các doanh nghiệp (DN) là tổ chức tín dụng, DN bảo hiểm (DNBH), công ty chứng khoán (CTCK) dự định tham gia tập trung kinh tế theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Cạnh tranh phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc trong một trong các trường hợp sau đây:
Một là, tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của DN hoặc nhóm DNBH liên kết mà DN đó là thành viên, của công ty hoặc nhóm CTCK liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 15.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt 20% trở lên trên tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng trên thị trường Việt Nam trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
Hai là, tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của DN hoặc nhóm DNBH liên kết mà DN đó là thành viên đạt 10.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của công ty hoặc nhóm CTCK liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt từ 20% trở lên trên tổng doanh thu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
Ba là, giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của DNBH, CTCK từ 3.000 tỷ đồng trở lên; giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của tổ chức tín dụng từ 20% trở lên trên tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
Bốn là, thị phần kết hợp của các DN dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liên kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Luật Cạnh tranh bổ sung các tiêu chí xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế (gồm giá trị giao dịch, tổng doanh thu) sẽ giúp các DN tăng tính chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ thông báo với cơ quan cạnh tranh khi thực hiện một giao dịch tập trung kinh tế, qua đó, giúp DN giảm rủi ro về mặt pháp lý phát sinh từ việc không xác định được chính xác liệu giao dịch tập trung kinh tế có thuộc ngưỡng thông báo/bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh hay không.
Đối với các DN thực hiện tập trung kinh tế mà Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa ra quyết định "Tập trung kinh tế được thực hiện", việc xử phạt sẽ thực hiện theo Nghị định 75/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 26/9/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.
Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về tập trung kinh tế (như hành vi thực hiện các giao dịch tập trung kinh tế thuộc ngưỡng thông báo mà chưa có sự cho phép của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) có thể lên đến 1% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Vì vậy, các tổ chức tín dụng, DNBH, CTCK cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế nêu trên.