Quy định mới về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định pháp luật...

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2025/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Theo Nghị định, Ngân hàng có tên tiếng Việt là Ngân hàng Phát triển Việt Nam, tên giao dịch quốc tế là Vietnam Development Bank, viết tắt là VDB. Với trụ sở chính đặt tại Thủ đô Hà Nội, VDB có hệ thống Sở giao dịch, chi nhánh tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực, cùng các đơn vị trực thuộc khác.
Ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận
VDB là ngân hàng chính sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị định này và các văn bản pháp luật liên quan. Ngân hàng có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, con dấu theo quy định của pháp luật. Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng.
Theo Nghị định, VDB hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Ngân hàng được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán; được cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý; được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Ngân hàng không phải thực hiện dự trữ bắt buộc, không tham gia bảo hiểm tiền gửi. Vốn điều lệ được cấp từ ngân sách nhà nước và được bổ sung từ ngân sách nhà nước cùng các nguồn tài chính hợp pháp khác. Việc bổ sung vốn thực hiện theo cơ chế quản lý tài chính dành riêng cho VDB.
Tổ chức bộ máy và quyền hạn hoạt động
Cơ cấu tổ chức quản lý của VDB bao gồm: Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng Giám đốc.
Ngân hàng có trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả vốn và tài sản do Nhà nước giao; đảm bảo an toàn, bảo toàn vốn theo quy định. Đồng thời, Ngân hàng phải hoàn trả đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi đối với các khoản vốn huy động theo cam kết. Các hoạt động của ngân hàng chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán từ các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
VDB có quyền mở tài khoản thanh toán và thực hiện nghiệp vụ gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước. Đồng thời, Ngân hàng được mở tài khoản cho khách hàng trong và ngoài nước theo quy định; được vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước; được góp vốn thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nghiệp vụ tài chính đa dạng, tuân thủ quy định pháp luật
Về hoạt động huy động vốn, VDB được phép phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; phát hành trái phiếu và các giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam; vay vốn từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam; và vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước.
Trong hoạt động tín dụng, Ngân hàng cho vay theo chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước; bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại theo quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành; cho vay lại vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ theo quy định.
Ngoài ra, Ngân hàng còn thực hiện hoạt động ủy thác và nhận ủy thác gồm: cho vay, cấp phát vốn, bảo lãnh theo ủy quyền; ủy thác và nhận ủy thác cung ứng dịch vụ tài chính, ngân hàng theo quy định pháp luật.
Cơ chế quản lý tài chính của VDB được thực hiện theo quy định của Chính phủ, trong khi thực hiện chế độ kế toán, thống kê theo quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Nghị định số 95/2025/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 29/4/2025 (ngày ký ban hành). Đồng thời, Điều lệ tổ chức và hoạt động của VDB ban hành kèm theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực kể từ thời điểm này. Thông tin chi tiết về VDB được đăng tải tại website của Ngân hàng.