VDB thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số
Những tác động to lớn khi ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng không chỉ giúp ngân hàng giảm giảm thiểu chi phí giao dịch, vận chuyển, quản lý, góp phần tiết kiệm về mặt tài chính cho các ngân hàng Việt Nam.
Cơ hội cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được tạo nên bởi sự hội tụ của các công nghệ mới chủ yếu như Internet kết nối vạn vật, rô-bốt cao cấp, công nghệ in ấn 3D, điện toán đám mây, công nghệ di động không dây, trí tuệ thông minh nhân tạo, công nghệ nano, khoa học về vật liệu tiên tiến, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử… ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, trong đó ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng sâu sắc.
Đối với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội mới:
Thứ nhất, đem lại sự xuất hiện các mô hình, lĩnh vực kinh doanh mới.
Công nghệ mới loại bỏ bớt các trung gian tài chính, giúp các giao dịch tài chính được thực hiện nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính đối với khách hàng thông qua các dịch vụ tài chính có thể thực hiện 24/7 theo thời gian thực.
Thứ hai, giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Công nghệ mới đang giúp các công ty nâng cao trải nghiệm của khách hàng lên gấp 10 lần thông qua cung cấp các trải nghiệm trực quan, cá nhân hóa và có tính kết nối cao.
Với công nghệ Big Data, các công ty có quyền truy cập vào thông tin chi tiết chuyên sâu về thói quen, sở thích, nhu cầu của khách hàng; trong khi AI giúp các công ty dễ dàng điều chỉnh trải nghiệm của khách hàng, tiếp cận khách hàng tại những điểm tiếp xúc quan trọng và thay đổi sản phẩm, dịch vụ phù hợp, tăng sự hài lòng của khách hàng.
Thứ ba, giúp tăng cường hiệu quả và bảo mật.
Một trong những hệ quả tất yếu của CMCN 4.0, làm thay đổi hệ thống ngân hàng toàn diện phải nói đến sự xuất hiện của tiền kỹ thuật số và đặc biệt là công nghệ Blockchain. Công nghệ này ghi lại các giao dịch một cách minh bạch và an toàn, cho phép mọi người trên khắp thế giới gửi tiền gần như ngay lập tức đến mọi nơi với chi phí thấp, các giao dịch này được bảo vệ bằng mật mã giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ bị tấn công.
Công nghệ Blockchain đang là xu hướng ứng dụng được nhiều ngân hàng trên thế giới nghiên cứu triển khai khi công nghệ blockchain đang tạo ra những giao dịch nhanh hơn, rẻ hơn, an toàn hơn và minh bạch.
Thứ tư, gia tăng tính linh hoạt của các tổ chức tài chính.
CMCN 4.0 khiến các tổ chức tài chính ngày càng chịu nhiều áp lực đáp ứng các sự kiện và nhu cầu khách hàng ngay lập tức, luôn sẵn sàng mọi nơi, mọi lúc 24/7. Để thực hiện được điều này đòi hỏi các ngân hàng và tổ chức tài chính cần phải linh hoạt, nhanh nhạy nhất có thể để có khả năng giải quyết các vấn đề và thay đổi hướng đi nhanh chóng.
Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng mang lại những cơ hội áp dụng công nghệ khiến các tổ chức tài chính, ngân hàng trở nên linh hoạt hơn, ví dụ như sử dụng giải pháp đám mây lai - một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin kết nối đám mây công cộng với các không gian đám mây riêng để sử dụng phần tinh túy nhất của mọi tùy chọn đám mây, tối ưu hóa chi tiêu, hiện đại hóa các ứng dụng nhanh hơn và kết nối dịch vụ đám mây với dữ liệu một cách bảo mật, mang lại giá trị mới; tạo ra một môi trường đám mây linh hoạt, duy nhất.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ 4.0 cũng giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng tiếp thị hiệu quả và có mục tiêu, hỗ trợ khách hàng hiệu quả thông qua rô-bốt với chi phí rất thấp, giúp các tổ chức tài chính mở rộng khu vực hoạt động, giảm thiểu rủi ro nhờ đánh giá dựa trên dữ liệu, quản trị kinh doanh tốt hơn, giảm thiểu lỗi của con người trong các hoạt động tài chính, tăng tính minh bạch và tin cậy với trách nhiệm giải trình, sửa chữa dễ dàng hơn.
Triển khai chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ tại VDB
CMCN 4.0 được dự báo sẽ cách mạng hóa cách thức hoạt động của lĩnh vực tài chính, ngân hàng từ thanh toán trực tuyến, cho vay thông qua mạng lưới kỹ thuật số đến tiền điện tử, giao dịch ngoại hối trực tuyến tại Việt Nam.
Thực hiện Quyết định số 479/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “ Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Ngân hàng Phát triển Việt nam (VDB) xác định sẽ thực hiện Chuyển đổi số giai đoạn 2023-2027 và tầm nhìn 2030, với mục tiêu cụ thể như sau:
Đổi mới toàn diện hoạt động quá trình tái cấu trúc trong giai đoạn 2023-2027, tiếp tục củng cố, phát triển và hoàn thiện mô hình hoạt động của một Ngân hàng Chính sách, từng bước nâng cao chất lượng tín dụng, cải thiện tình hình tài chính, nâng cao khả năng tự chủ để phát triển hiệu quả và bền vững, góp phần ngày càng lớn hơn vào việc hỗ trợ hoạt động đầu tư phát triển của nền kinh tế.
Xác định khách hàng là trung tâm, tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi số; Triển khai đồng bộ các giải pháp quản trị rủi ro trong thẩm định, cho vay, thu hồi nợ vay, xử lý nợ, an toàn, an ninh mạng, hệ thống công nghệ thông tin, kênh phân phối số; Xây dựng hệ sinh thái và đổi mới văn hóa số, triển khai các mô hình kinh doanh mới, nghiên cứu triển khai số hóa và tự động hóa các quyết định cho vay, giải ngân khoản vay nhỏ, từng bước tự động hóa tất cả các quyết định hành chính của Hội đồng Quản trị và Ban điều hành; Hướng tới xây dựng Chiến lược hiện đại hóa công nghệ thông tin phù hợp với Chiến lược hoạt động dài hạn và triển khai các giải pháp công nghệ trong đó có giải pháp Core Banking.
VDB đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ tăng cường sử dụng các công nghệ số mới, phấn đấu 100% các sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng cung ứng cho khách hàng, nhà đầu tư, doanh nghiệp nhò và vừa được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; Phân tích dự đoán nhu cầu, xây dựng các chân dung khách hàng, nhà đầu tư mục tiêu cụ thể, đảy mạnh các công cụ marketing số, xây dựng các công cụ chấm điểm tín dụng, văn hóa, văn minh công sở tự động, phấn đấu trên 70% quyết dịnh cho vay, giải ngân với các khoản vay theo hướng số hóa, tự động; Tối đa tự động hóa các quy trình vận hành, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, đẩy mạnh số hóa quản trị nội bộ “Tầm nhìn - Sứ mệnh - Giá trị cốt lõi - Triết lý kinh doanh mang tính chất đặc thù của VDB”.
Ít nhất khoảng 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); Tiếp tục đẩy mạnh hệ sinh thái số trong toàn hệ thống VDB, hướng tới mô hình Ngân hàng chính sách mở - Open Banking để gia tăng quy mô cung ứng các sản phẩm tài chính hiện đại và tiện ích cho khách hàng, nhà đầu tư…
Trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, xây dựng “VDB trở thành Ngân hàng chính sách- Công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ”, có nền tảng số tốt đáp ứng tầm nhìn, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, thu hút khách hàng chuyển dịch giao dịch từ kênh truyền thống sang giao dịch số, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững trên cơ sở thúc đấy công nghệ mới, tiến tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm dịch vụ tự động hóa quy trình, tối ưu hoạt động nghiệp vụ, quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.