VDB và nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay
Giai đoạn 2006-2021, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) có vai trò quan trọng trong việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước. VDB đã trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thông qua thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; góp phần thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Chức năng, nhiệm vụ của VDB
VDB được thành lập theo Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg, ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ Phát triển để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
VDB là tổ chức đầu mối quản lý tài chính đầu tư phát triển của Chính phủ, là công cụ thực thi các chính sách phát triển kinh tế xã hội của Đất nước. VDB là một định chế tài chính quan trọng cung cấp nguồn lực tài chính cho nền kinh tế, đảm bảo cho hoạt động đầu tư phát triển (ĐTPT) được chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, nhằm phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với các cam kết của Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế. VDB thực hiện các chức năng và nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, hoạt động huy động vốn, bao gồm: Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật; Phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam của VDB theo quy định; Vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài theo quy định; Vay tái cấp vốn tại NHNN Việt Nam; Nhận tiền gửi ủy thác của các tổ chức trong nước và nước ngoài; Huy động các nguồn vốn khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ hai, hoạt động tín dụng, bao gồm: Cho vay theo chính sách tín dụng của Nhà nước; cho vay các chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; Cho vay vốn ngắn hạn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc ngân sách nhà nước không cấp bù chênh lệch lãi suất.
Thứ ba, hoạt động ủy thác và nhận ủy thác: Nhận ủy thác huy động vốn, ủy thác cho vay theo quy định; Nhận ủy thác điều hành hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa và quỹ tài chính địa phương theo mục tiêu phát triển của địa phương; Ủy thác cho các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện một số hoạt động của VDB theo quy định; Ủy thác, nhận ủy thác cung ứng các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho khách hàng theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, tham gia thị trường liên ngân hàng; tổ chức thanh toán nội bộ; cung cấp các dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngoại hối và các dịch vụ ngân hàng khác cho khách hàng; thực hiện hoạt động ngoại hối; tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của NHNN Việt Nam.
Thứ năm, thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ giao.
Kết quả hoạt động nổi bật
Trong quá trình xây dựng và phát triển, VDB đã thể hiện rõ mô hình ưu việt của mình, đóng góp thành tựu quan trọng trong việc hiện thực hoá chính sách tín dụng của Nhà nước đối với sự phát triển nền kinh tế. VDB đã thực hiện huy động, tiếp nhận vốn của các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện chính sách TDĐT phát triển của Nhà nước và TDXK theo quy định của Chính phủ; nhận ủy thác quản lý nguồn vốn ODA được Chính phủ cho vay lại; nhận ủy thác, cấp phát cho vay đầu tư và thu hồi nợ của khách hàng từ các tổ chức trong và ngoài nước thông qua hợp đồng nhận ủy thác giữa VDB với các tổ chức ủy thác; ủy thác cho các tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện nghiệp vụ tín dụng của VDB; cung cấp các dịch vụ thanh toán cho khách hàng và tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế phục vụ các hoạt động của VDB theo quy định của pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu và một số nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao.
Có thể thấy, giai đoạn gần mười năm đầu đi vào hoạt động (2006-2016), VDB đã phát huy được vai trò là công cụ của Chính phủ trong thực hiện các chính sách TDĐT, TDXK của Nhà nước, đã cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn lớn, góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cần khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ.
Việc cho vay các dự án tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn hay nhiều dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản… đã góp phần tác động tích cực đến sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế các vùng, miền và cả nước. Nhiều dự án đã hoàn thành phát huy hiệu quả; nâng cao đời sống nhân dân, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.
VDB cũng được Chính phủ giao quản lý huy động vốn và đầu tư cho các dự án quan trọng như dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội Hải Phòng; các dự án có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương như dự án quản lý cho vay có hiệu quả các nguồn vốn theo chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn; tôn nền vượt lũ để xây dựng cụm, tuyến dân cư ở vùng ngập sâu Đồng bằng sông Cửu Long; quản lý vốn ủy thác từ các Quỹ Đầu tư phát triển của các địa phương…
Sự cần thiết duy trì VDB trong phát triển KT-XH tại Việt Nam
Trong quá trình hoạt động VDB đóng vai trò quan trọng trong huy động các nguồn vốn đáp ứng nhu cầu rất lớn về vốn đầu tư cho các dự án đầu tư công của Nhà nước (kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, môi trường...). Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, 2045 và những năm tiếp theo, thì vai trò của VDB không thể thiếu, nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn trong bối cảnh nhu cầu về vốn cho đầu tư phát triển ngày càng tăng cao, trong khi đó nguồn vốn từ NSNN luôn không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng.
VDB cũng đóng vai trò trong việc khắc phục các khoảng trống do nền kinh tế thị trường để lại, nơi khu vực kinh tế tư nhân không muốn đầu tư (lợi ích kinh tế trực tiếp thấp, thời gian thu hồi vốn dài, khối lượng vốn đầu tư lớn...) nhưng NSNN chưa đủ phủ hết. Cùng với NHCSXH (cho vay người nghèo, sinh viên, an sinh xã hội...), VDB (cho vay DN) là những công cụ tài chính hữu hiệu của Nhà nước trong điều tiết kinh tế vĩ mô, khắc phục khiếm khuyết của cơ chế thị trường.
Ngoài ra, VDB cũng là một công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách TDĐT phát triển của Nhà nước, nhằm tạo đòn bẩy tài chính mạnh của Nhà nước để điều tiết, định hướng, khỏa lấp khoảng trống thị trường bên cạnh chính sách thuế khóa, đất đai, đầu tư...
Qua đó nâng cao vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính quốc gia trong việc tăng cường đầu tư vào các dự án đầu tư công, các dự án có hiệu quả kinh tế xã hội cao, gián tiếp tăng thu NSNN và tăng trưởng kinh tế xã hội. Điều này phù hợp với thông lệ của các quốc gia khác đều sử dụng định chế tài trợ phát triển như một ngân hàng phát triển (Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản...) khi xây dựng hạ tầng, tái thiết đất nước.
Từ các phân tích trên có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hình thành và hoạt động hiệu quả đã phát huy được vai trò trong thực hiện chính sách TDĐT, TDXK của Nhà nước và các nhiệm vụ khác do nhà nước giao. Thông qua huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, VDB đã cho vay đầu tư hỗ trợ vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia, các chương trình kinh tế của Nhà nước, các doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần thúc đẩy đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua và là nguồn lực quan trọng hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn tới./.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Tài chính (2016), Hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, ban hành theo Thông tư số 67/2016/TT-BTC, ngày 30/6/2016.
- Chính phủ (2015), “Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam”, ban hành theo Quyết định 1515/QĐ-TTg, ngày 03/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam (2013), Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Hà Nội.
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Báo cáo thường niên năm 2019 - 2020.
- Nguyễn Thị Thúy Lan (2010), Tài trợ phát triển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam để hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động của NHPT, Đề tài khoa học cấp Ngành.
PGS.,TS. Đoàn Hương Quỳnh, TS. Đặng Phương Mai - Học viện Tài chính