Quy định về lực lượng chống khủng bố
Tình hình khủng bố diễn ra khó lường tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới với tàn suất, địa bàn, phương thức, thủ đoạn khủng bố ngày càng tinh vi, đa dạng. Xuất phát từ tính chất nguy hiểm của hoạt động khủng bố nên lực lượng chống khủng bố quốc gia được thành lập. Tại Việt Nam, theo quy định, lực lượng này gồm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Theo Điều 14 Luật phòng, chống khủng bố số 28/2013/QH13, Quốc hội quy định về lực lượng chống khủng bố gồm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nhiệm vụ chống bố và các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Ngày 05/11/2015, tại Quyết định số 1908/QĐ-TTg, Chính phủ đã chính thức thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia. Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Quyết định số 1908/QĐ-TTg quy định rõ, Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia và có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh.
Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; Công an cấp tỉnh là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh và có đơn vị tham mưu, giúp việc.
Lực lượng chống khủng bố gồm: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố; Các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố; Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thuộc lực lượng chống khủng bố.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống khủng bố cũng chỉ ra, chống khủng bố tại trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên các cơ quan này.
Khi có căn cứ cho rằng khủng bố đã, đang hoặc sẽ xảy ra tại trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên các cơ quan này trên lãnh thổ Việt Nam thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc người biết vụ việc phải kịp thời báo cho Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố hoặc cơ quan Công an, Quân đội, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
Khi khủng bố xảy ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố phải báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp trên; đơn vị chống khủng bố phải báo cáo đơn vị chống khủng bố cấp trên trực tiếp.
Cơ quan Công an, Quân đội, Ủy ban nhân dân nhận được tin báo, tố giác về khủng bố phải kịp thời xử lý thông tin, báo cáo cấp có thẩm quyền và Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố có thẩm quyền; trường hợp phát hiện khủng bố đã, đang hoặc có căn cứ để cho rằng sẽ xảy ra thì được áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp chống khủng bố.
Cụ thể: Bao vây, phong tỏa khu vực xảy ra khủng bố; Giải cứu con tin, cấp cứu nạn nhân, cách ly người, di chuyển phương tiện, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm của khủng bố; Thương thuyết với đối tượng khủng bố; Bao vây, truy tìm, khống chế, bắt giữ đối tượng khủng bố; vô hiệu hóa vũ khí, công cụ, phương tiện sử dụng để thực hiện khủng bố; Tạm dừng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, truyền thông bị lợi dụng để khủng bố; Bảo vệ, di chuyển, che giấu, ngụy trang công trình, mục tiêu là đối tượng tấn công của khủng bố; Huy động lực lượng, phương tiện để chống khủng bố; Thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến khủng bố.
Khi chống khủng bố trong trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên các cơ quan này, cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam phải tuân theo quy định của Luật này và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.