Phối hợp trao đổi và cung cấp thông tin nghi ngờ về rửa tiền, tài trợ khủng bố


Quyết định số 64/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ về việc phối hợp trao đổi và cung cấp thông tin nghi ngờ về rửa tiền, tài trợ khủng bố; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các thông tin khẩn cấp về tài trợ khủng bố.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cụ thể Điều 8, Quyết định số 64/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố nêu rõ về sự phối hợp trao đổi và cung cấp thông tin nghi ngờ về rửa tiền, tài trợ khủng bố; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các thông tin khẩn cấp về tài trợ khủng bố.

Theo quy định,  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi tiếp nhận thông tin từ các đối tượng báo cáo và có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch được nêu trong báo cáo liên quan đến rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố có nhiệm vụ:

- Thu thập, xử lý, phân tích thông tin về giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu nghi vấn rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.

- Chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch được nêu trong báo cáo liên quan đến rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống khủng bố. Trao đổi, cung cấp thông tin hoặc hồ sơ vụ việc nêu trên chậm nhất trong 90 ngày làm việc kể từ ngày chuyển giao thông tin đến cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thông qua các đơn vị đầu mối để tập trung xử lý theo thẩm quyền như sau:

Đối với các vụ việc có nghi ngờ liên quan đến rửa tiền gửi về Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an. Đối với các vụ việc có nghi ngờ liên quan đến tài trợ khủng bố gửi về Cục An ninh nội địa, Bộ Công an. 

Đối với các vụ việc có nghi ngờ liên quan đến rửa tiền thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng gửi về Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng. Đối với các vụ việc có nghi ngờ liên quan đến tài trợ khủng bố thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng gửi về Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, Bộ Quốc phòng.

Đối với các thông tin, vụ việc nghi ngờ liên quan đến rửa tiền được chuyển giao đến các cơ quan, đơn vị ngoài Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo sao gửi văn bản chuyển giao các vụ việc này (sẽ không bao gồm hồ sơ đầy đủ về giao dịch đã chuyển cho các đơn vị) về Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an để biết và cập nhật thông tin vào “Trung tâm lưu trữ, phân tích, xử lý thông tin tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố” thuộc Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố”.

Chỉ đạo đơn vị đầu mối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị có liên quan trong quá trình cung cấp các thông tin phục vụ công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc đảm bảo kịp thời, chính xác, bí mật.

Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thường xuyên rà soát, trao đổi với Bộ Công an (qua Cục An ninh kinh tế) hoặc Bộ Quốc phòng (các vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng qua Cục Điều tra hình sự) các vụ việc nghi ngờ liên quan đến rửa tiền.

Bộ Công an (qua Cục An ninh nội địa) hoặc Bộ Quốc phòng (các vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng qua Cục Bảo vệ an ninh Quân đội) các vụ việc nghi ngờ liên quan đến tài trợ khủng bố; các trường hợp có liên quan đến danh sách đen các cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch tài chính nghi vấn liên quan đến hoạt động khủng bố đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để phối hợp trong công tác xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý phối hợp chặt chẽ các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị có liên quan trong quá trình cung cấp các thông tin phục vụ công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc đảm bảo kịp thời, chính xác, bí mật.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng khi tiếp nhận, xử lý các thông tin giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu nghi vấn rửa tiền, tài trợ khủng bố được chuyển giao từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc các vụ việc nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố từ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ:

- Chỉ đạo đơn vị đầu mối tiếp nhận, xử lý vụ việc phối hợp chặt chẽ đơn vị chuyển giao vụ việc thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nhanh chóng rà soát, xác minh, thu thập thông tin về vụ việc được chuyển giao.

- Chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ được giao trực tiếp xác minh, xử lý triệt để vụ việc được chuyển giao; thường xuyên trao đổi diễn biến, tình hình xử lý vụ việc với đơn vị nghiệp vụ chuyển giao vụ việc thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ định kỳ 04 tháng/lần kể từ ngày được giao tiếp nhận, xử lý vụ việc đến khi có kết quả xử lý, kết luận cuối cùng về vụ việc.

Các đơn vị nghiệp vụ thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi nhận được yêu cầu đề nghị phối hợp xác minh, trao đổi thông tin của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu nghi vấn rửa tiền, tài trợ khủng bố có trách nhiệm rà soát, trao đổi thông tin chậm nhất trong 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị cung cấp thông tin.

Đối với các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm rửa tiền, tội phạm tài trợ khủng bố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao một số hoạt động điều tra thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thực hiện công tác phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin theo quy định của pháp luật.

Về đường dây nóng, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an thành lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý các thông tin khẩn cấp về tài trợ khủng bố.

Phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam công bố rộng rãi thông tin về đường dây nóng trên các phương tiện thông tin, báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh để nhân dân được biết.