Quy hoạch sân bay Phú Quốc có thể đón 18 triệu khách/năm
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc nâng công suất khai thác lên gần gấp đôi khi có thể đón tiếp khoảng 18,0 triệu hành khách/năm và 50.000 tấn hàng hóa/năm.

Ngày 16/4, Bộ Xây dựng đã công bố Quyết định số 427 ngày 15/4 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc được quy hoạch là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Thời kỳ 2021 - 2030, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc được quy hoạch cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO); công suất khoảng 10,0 triệu hành khách/năm và 25.000 tấn hàng hóa/năm; khai thác loại tàu bay B747, B787, A350 và tương đương.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc nâng công suất khai thác lên gần gấp đôi khi có thể đón tiếp khoảng 18,0 triệu hành khách/năm và 50.000 tấn hàng hóa/năm.
Bên cạnh quy hoạch hệ thống đường cất hạ cánh và hệ thống đường lăn, Quyết định cũng quy hoạch sân đỗ trước Nhà ga hành khách T2 trong giai đoạn 2021 - 2030 và mở rộng sân đỗ hiện hữu đáp ứng khoảng 30 vị trí đỗ máy bay, có khả năng mở rộng tại khu đất dự trữ phát triển sân đỗ; đồng thời quy hoạch sân đỗ tàu bay khu vực nhà khách VIP/hàng không chung để bảo đảm khai thác đồng bộ.
Đến năm 2050, sân đỗ được mở rộng, đáp ứng khoảng 45 vị trí đỗ máy bay và dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.
Quyết định quy hoạch duy trì vị trí đài kiểm soát không lưu hiện hữu, diện tích khoảng 2ha để bảo đảm khả năng mở rộng theo nhu cầu; duy trì Nhà ga T1 hiện hữu công suất khoảng 4 triệu hành khách/năm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Xây dựng quyết định quy hoạch mới nhà ga hành khách T2 về phía đông nhà ga hành khách T1 hiện hữu, công suất đạt khoảng 6 triệu hành khách/năm; quy hoạch nhà khách VIP kết hợp với khai thác hàng không chung tại khu vực phía tây nam của sân bay.
Đến năm 2050, nhà ga hành khách T2 được mở rộng và đạt công suất khoảng 14,0 triệu hành khách/năm.
Nhà ga hàng hoá thời kỳ 2021-2030 cũng được mở rộng trên cơ sở nhà ga hàng hóa hiện hữu với công suất khoảng 25.000 tấn/năm; đến năm 2050 mở rộng lên công suất khoảng 50.000 tấn/năm.
Về quy hoạch sử dụng đất, nhu cầu sử dụng đất cho thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc khoảng 1.050,1 ha.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang có trách nhiệm rà soát, cập nhật các nội dung quy hoạch nêu trên vào quy hoạch của địa phương và các quy hoạch có liên quan; tổ chức quản lý tĩnh không, cao độ xây dựng theo quy định.
Địa phương có trách nhiệm bố trí và bảo vệ quỹ đất phù hợp theo Quy hoạch được duyệt, có phương án về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo quỹ đất sẵn sàng đáp ứng khi có nhu cầu phát triển mở rộng theo quy hoạch.
Trước đó, hồi đầu tháng 3 năm nay, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang về công tác chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2027 tại TP. Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương, nỗ lực trong công tác chuẩn bị.
Riêng việc nâng cấp, mở rộng sân bay Phú Quốc, Rạch Giá, Thủ tướng giao Kiên Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công tư.
Liên quan đến sân bay Phú Quốc, cách đây không lâu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đề xuất được nghiên cứu, đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc (giai đoạn 2) theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Sun Group cũng cho biết nếu được lựa chọn là nhà đầu tư sẽ cam kết đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc với công nghệ hiện đại nhất thế giới và hoàn thành dự án trong thời gian từ 16 - 18 tháng kể từ khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.