Quy hoạch tổng thể hệ thống kho góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dự trữ quốc gia

Hà Phương

Hệ thống kho dự trữ quốc gia (DTQG) đóng vai trò quan trọng trong xuất cấp hàng để phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh. Do đó, Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực DTQG. Tuy nhiên, việc thực hiện Quy hoạch này trong giai đoạn vừa qua cũng gặp phải một số khó khăn cần có giải pháp khắc phục trong Quy hoạch tổng thể hệ thống kho giai đoạn mới.

Kết quả thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020

Ông Trần Quốc Thao - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cho biết, Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG là một quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia, được xây dựng theo quy định của pháp luật về quy hoạch và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia trong thời kỳ mới, đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển DTQG.

Hệ thống kho DTQG đã từng bước được đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp sửa chữa các kho cũ để sử dụng, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu “4 tại chỗ”.
Hệ thống kho DTQG đã từng bước được đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp sửa chữa các kho cũ để sử dụng, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu “4 tại chỗ”.

Căn cứ quy định của Luật DTQG, Luật Quy hoạch; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 và Quyết định số 774/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và đơn vị tư vấn khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngày 17/01/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 94/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020, làm cơ sở để các bộ, ngành phê duyệt quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG được giao quản lý và từng bước đầu tư, xây dựng cụ thể hóa các điểm kho trong quy hoạch theo quy mô công suất, cơ cấu hàng dự trữ, công nghệ bảo quản, nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư kho và thứ tự ưu tiên đầu tư của từng dự án theo 2 giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.

Đánh giá về hệ thống kho DTQG giai đoạn vừa qua, Vụ trưởng Trần Quốc Thao cho rằng, hệ thống kho DTQG đã từng bước được đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp sửa chữa các kho cũ để sử dụng, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu “4 tại chỗ”; chủ động, sẵn sàng có đủ lượng hàng hóa xuất cấp đáp ứng mục tiêu DTQG và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách xảy ra.

Sau một thời gian thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020 đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

Một là, Quy hoạch các địa điểm kho DTQG được phê duyệt phù hợp nhu cầu bảo quản, mức dự trữ của từng mặt hàng, nhóm hàng được giao; đồng thời, vị trí kho được đặt tại các nơi cao ráo, thuận lợi về giao thông, thuận tiện cho công tác nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG.

Hai là, Quy hoạch là cơ sở để các bộ, ngành xây dựng kế hoạch nhập, xuất, mua, bán hàng DTQG hàng năm, theo từng thời kỳ; đồng thời, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các điểm kho DTQG, phát huy hiệu quả tiềm lực kho tàng DTQG.

Ba là, Quy hoạch góp phần đảm bảo sự liên kết ngành, liên kết vùng, liên kết với hệ thống cơ sở hạ tầng cả nước, quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác bảo quản và quản lý hàng DTQG.

Bốn là, Quy hoạch được tổ chức quản lý có hệ thống, thuận tiện trong khai thác sử dụng, phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước cả thời bình và thời chiến, đáp ứng yêu cầu khai thác phục vụ công tác quy hoạch và nhu cầu thông tin quy hoạch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tồn tại, hạn chế trong thực hiện Quy hoạch tổng thể 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG giai đoạn vừa qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, hệ thống kho DTQG đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều kho mới; tuy nhiên, việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhập, xuất, bảo quản theo quy hoạch đã phê duyệt.

Hệ thống kho DTQG đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều kho mới.
Hệ thống kho DTQG đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều kho mới.

Do đó, các bộ, ngành vẫn phải sử dụng kho cũ nhỏ, vùng kho lẻ để chứa hàng DTQG; hệ thống kho hiện nay còn phân tán, nhỏ lẻ, một số điểm kho có vị trí không thuận lợi về mặt giao thông.

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư bố trí để xây dựng hệ thống kho DTQG còn ở mức thấp, chỉ đạt 20% so với nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch phê duyệt. Nguồn vốn bố trí cho cải tạo, sửa chữa kho còn hạn chế. Việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhập, xuất, bảo quản theo quy hoạch đã phê duyệt. Các bộ, ngành còn phải tận dụng nhiều kho cũ để chứa hàng DTQG.

Một tồn tại, hạn chế khác là công tác bố trí đất thực hiện đầu tư điểm kho DTQG tại một số địa phương còn gặp khó khăn, một số nơi chưa bố trí được vị trí đất xây kho đáp ứng đủ quy mô, công suất theo quy hoạch.

Một số điểm kho theo quy hoạch được duyệt là mở rộng đất, tuy nhiên khi khảo sát thực tế thì không thực hiện được do xung quanh đều là khu dân cư, chi phí giải phóng mặt bằng lớn hoặc chi phí đầu tư hạ tầng cao, do đó phải điều chỉnh quy hoạch sang công tác xin đất mới, quá trình thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Ngoài ra, một số bộ, ngành không có đơn vị DTQG trực thuộc, phải thuê các doanh nghiệp bảo quản hàng DTQG nên phụ thuộc vào vị trí kho hiện có của doanh nghiệp...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cần nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hướng tới phát triển hệ thống DTNN chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu quả.

 

Nguồn vốn đầu tư bố trí để xây dựng hệ thống kho DTQG còn ở mức thấp, chỉ đạt 20% so với nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch phê duyệt. Nguồn vốn bố trí cho cải tạo, sửa chữa kho còn hạn chế. Việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhập, xuất, bảo quản theo quy hoạch đã phê duyệt. Các bộ, ngành còn phải tận dụng nhiều kho cũ để chứa hàng DTQG.