Quý I/2019: Buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp
Ngày 23/4, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại Hội nghị giao ban quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2019. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng ban thường trực của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì hội nghị.
Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, kết quả chống buôn lậu quý I/2019 có nhiều chuyển biến tích cực đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ổn định phát triển kinh tế, an ninh xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Thống kê sơ bộ quý I/2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 33.549 vụ việc vi phạm (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách hơn 2.470 tỷ đồng (tăng 16%), khởi tố 820 vụ (tăng 67%), với 982 đối tượng (tăng gần 70%).
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cảnh báo, buôn lậu ma túy hiện diễn ra trên tất cả các tuyến đường bộ, đường, biển, hàng không. Không chỉ số lượng nhỏ lẻ vài chục kg như trước đây mà đã lên đến hàng tấn, như các vụ việc cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua.
Tại hội nghị, đại diện bộ đội biên phòng, công an, cảnh sát biển, quản lý thị trường cũng lần lượt tham luận và có chung nhận định, mặc dù tuyến biên giới có lực lượng hải quan, biên phòng… chốt chặn và các lực lượng đã rất quyết liệt.
Tuy nhiên, đại diện các lực lượng chức năng cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế và cho rằng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp vì thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, trong khi công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn một số hạn chế. Vì vậy, trong nội địa cần sự phối hợp vào cuộc quyết liệt hơn của lực lượng công an, quản lý thị trường… như vậy, công tác chống buôn lậu mới có thể đạt kết quả cao hơn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ghi nhận, kết quả chống buôn lậu quý I/2019 có nhiều chuyển biến tích cực, đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ổn định phát triển kinh tế, an ninh xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thẳng thắn cho rằng công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn thiếu đồng bộ; công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia còn hạn chế…
“Chúng ta mới chỉ triển khai công tác chống là chính, kết quả phòng ngừa còn hạn chế. Nhiều vụ việc đánh chưa trúng, chưa đúng, mới chỉ bắt giữ được những người vận chuyển và mang vác hàng, chưa bắt được đối tượng cầm đầu, chủ hàng. Còn nhiều vấn đề cần phải bàn và tháo gỡ bởi kết quả bắt giữ xử lý chưa tương xứng với tình thực tế diễn biến buôn lậu phức tạp” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.
Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần thẳng thắn nhìn rõ tồn tại hạn chế, xác định nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp đồng bộ từ chính sách kinh tế, chính sách xóa đói giảm nghèo cho đến chính sách thương mại cư dân biên giới; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và các kế hoạch hành động năm 2019.
“Cấp ủy chính quyền địa phương cần xây dựng được thế trận toàn dân, an ninh, quốc phòng toàn dân gắn với chính sách xóa đói giảm nghèo vùng biên giới mới là giải pháp căn cơ, phòng chống buôn lậu thực sự hiệu quả… Đồng thời chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc huy động cơ quan chức năng trên địa bàn chung sức vào công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn và chịu trách nhiệm nếu để cán bộ vi phạm” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đối với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ đạo, khẩn trương tham mưu trình Trưởng ban 389 Quốc gia xem xét ký các chuyên đề phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là chống buôn lậu trong môi trường thương mại điện tử.
Đồng thời, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với lực lượng hải quan đẩy mạnh chống buôn lậu hàng tạm nhập - tái xuất; hàng phế thải, rác phế liệu; mặt hàng than, xăng dầu trên biển; mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…